Liên kết, mở rộng phát triển sản xuất bền vững

Nhằm khai thác hiệu quả diện tích mặt nước, phát triển nuôi cá lồng theo hướng liên kết phát triển bền vững, năm 2016 một số hộ nuôi cá ở bản Bung Én, xã Chiềng Bằng (Quỳnh Nhai) đã thành lập HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban với 7 thành viên, 38 lồng cá. Sau gần 5 năm hoạt động, HTX đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thành viên.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban.

Mô hình nuôi cá lồng của HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban.

Dẫn chúng tôi đi thăm các lồng cá, anh Lò Văn Ban, Giám đốc HTX kể lại: Những ngày đầu thành lập, HTX gặp không ít khó khăn về vốn, thành viên thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa xây dựng được chuỗi liên kết nên sức cạnh tranh kém, thị trường tiêu thụ không ổn định... Trước khó khăn đó, HTX đã xây dựng phương án sản xuất, vận động thành viên ứng dụng khoa học kỹ thuật; đưa các loại cá có giá trị kinh tế cao vào nuôi, như cá trắm, lăng, nheo..; thực hiện tốt quy trình liên kết sản xuất và ứng dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trong nuôi thủy sản; sử dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương, như: sắn, cỏ voi, bột ngô, lá chuối... làm thức ăn cho cá. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên nhiều người dân trong xã và các vùng lân cận biết đến, tin dùng.

Được biết, vượt qua khó khăn ban đầu, đến nay, HTX phát triển lên 12 thành viên, với 166 lồng cá. Trung bình mỗi lồng cá có diện tích gần 20 m², thu được từ 250-300 kg cá thương phẩm/lồng/năm; trừ hết chi phí bình quân thu nhập của thành viên HTX từ 100-300 triệu đồng/năm. Để cá phát triển, cho năng suất, chất lượng cao, HTX ký hợp đồng dịch vụ đầu vào với các cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trong quá trình nuôi, các thành viên HTX thực hiện đúng yêu cầu về kỹ thuật chăm sóc cá, đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm, thường xuyên kiểm tra đàn cá để có biện pháp phòng, chống dịch bệnh kịp thời. Nhờ quy trình nuôi đảm bảo, năm 2017, sản phẩm cá lồng của HTX đã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, HTX đã chủ động tìm các doanh nghiệp, nhà hàng bao tiêu sản phẩm. Hiện nay, hầu hết cá của HTX được hợp đồng tiêu thụ trên thị trường trong và ngoài tỉnh.

Anh Lò Văn Mẳn, thành viên HTX, chia sẻ: Năm 2012, nhận thấy diện tích mặt nước là cơ hội để phát triển nghề nuôi cá lồng, tôi đã tận dụng tre nứa làm 2 lồng cá; cá nuôi chủ yếu là giống cá địa phương. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm chăm sóc, phòng chống dịch bệnh nên năng suất đạt thấp, trong khi đó, đầu ra của sản phẩm không ổn định. Sau một thời gian nuôi không hiệu quả như mong muốn, tôi có ý định bỏ không nuôi nữa. Được các thành viên HTX đã đến động viên, tư vấn và mời tôi tham gia HTX, tôi đồng ý ngay. Tham gia HTX mang lại nhiều lợi ích, được các thành viên có kinh nghiệm hướng dẫn cách làm lồng kiên cố, chăm sóc, phòng chống dịch bệnh; tư vấn lựa chọn nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao. Từ 2 lồng cá, đến nay, gia đình tôi có 9 lồng cá; trừ hết chi phí, mỗi năm cho thu lãi hơn 100 triệu đồng.

Tìm hiểu được biết thêm, ý tưởng ban đầu của HTX là trồng rừng và nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do diện tích đất không liền vùng, liền khoảnh nên HTX đã vận động thành viên trồng cỏ voi, làm thức ăn cho cá. Thời gian tới, ngoài tập trung nuôi cá lồng, HTX còn đầu tư máy chế biến thức ăn cho cá. Theo tính toán, trên thị trường 1 bao cám viên 25 kg có giá 300 nghìn đồng, nếu đầu tư máy chế biến thức ăn, chi phí sẽ giảm xuống còn 230 nghìn đồng. Đây là điều kiện cho thành viên có thêm kinh phí để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất.

Từ thực tế cho thấy, việc phát triển nuôi cá lồng của HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản Hoa Ban đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho thành viên. Thời gian tới, HTX rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, tiếp tục hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ.

Trần Hiền

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/lien-ket-mo-rong-phat-trien-san-xuat-ben-vung-33131