Liên kết nông dân vì mục tiêu vươn lên

Đà Loan, xã vùng xa của huyện Đức Trọng vốn có truyền thống canh tác cà phê. Nhưng hôm nay, những người nông dân tập trung với nhau, cùng hợp tác để cung cấp cho thị trường những loại rau, màu có giá trị. Đó chính là Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Đà Loan, đất của những người nông dân không ngại khó, không ngại khổ.

Thành viên HTX đang chăm sóc ruộng đậu phộng

Thành viên HTX đang chăm sóc ruộng đậu phộng

Chị Phan Thị Tố Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đà Loan cho biết, HTX DVNN Đà Loan ra đời từ ý tưởng của người nông dân và ý tưởng của Hội Phụ nữ. Ban đầu, một số bà con các thôn Đà Rgiềng, Đà Tiến hợp lại với nhau, cùng trồng và cung ứng rau củ cho một số HTX, một số vựa ngoài Đức Trọng. Nhận thấy mô hình có chiều hướng phát triển tốt, Hội Phụ nữ xã đã hỗ trợ bà con thành lập HTX, hỗ trợ một số tư liệu sản xuất, mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật đầu bờ, định hướng cho bà con cung cách làm ăn tập thể, trồng nông sản theo hợp đồng sản xuất.

Ban đầu thành lập, HTX có 13 hộ thành viên, chủ yếu là các hộ trồng rau màu tại thôn Đà Rgiềng. Bà con trồng đậu phộng, hành lá, cải thảo, cà chua, cà rốt… theo hợp đồng với HTX Nam Sơn cho thu nhập ổn định. Vụ khô, HTX kí hợp đồng với Công ty TNHH Orion chuyên trồng khoai tây làm snack. Mô hình kinh tế tập thể này có sự hỗ trợ của Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và sự hỗ trợ của các thành viên trong HTX, làm ăn dần dần hiệu quả. Ông Vi Huyền Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác thôn Đà Rgiềng, một thành viên của HTX cho biết: “Tổ của chúng tôi là một thành viên của HTX, chuyên trồng và cung ứng rau màu các loại. Diện tích của tổ là 35 ha với 13 hộ, tất cả đều có hệ thống tưới tiết kiệm. Nông sản chủ yếu cung cấp cho HTX Nam Sơn, chợ đầu mối và Công ty TNHH Orion. Hiện thu nhập bình quân đạt 200 triệu đồng/ha/năm, đời sống của thành viên rất tốt”. Hiện tổ hợp tác Đà Rgiềng đang chuẩn bị xuống giống khoai tây vụ đông với Công ty TNHH Orion, ăn “giá chết” 9 ngàn đồng/kg, dự tính thu được 75 triệu đồng/ha/vụ 3 tháng.

Từ thành công ban đầu của HTX, ngày càng thêm nhiều nông dân chủ động gia nhập. Chị Tố Oanh cho biết, hiện HTX có 28 thành viên, diện tích tham gia HTX tới trên 100 ha đất canh tác. Ngoài rau màu, thành viên HTX còn rất đa dạng với các loại cây trồng như cà phê, bơ, dâu tằm. Hiện HTX đang lên kế hoạch ký hợp đồng để thành viên trồng khoai lang với doanh nghiệp theo mô hình giống, vốn do doanh nghiệp cung ứng, nông dân góp đất, công tưới và được chi trả 11 triệu đồng/vụ/sào. Với một số hộ đang bắt đầu trồng dâu nuôi tằm, HTX vận động bà con trồng dâu, nuôi tằm tập trung theo mô hình tổ để dễ chia sẻ kinh nghiệm cũng như hỗ trợ nhau trong sản xuất. Và những vùng đất thiếu nước, đất một vụ, HTX đang hướng dẫn thành viên kí hợp đồng với doanh nghiệp để trồng nha đam, thứ cây ưa khô dùng trong sản xuất thực phẩm cũng như dược, mỹ phẩm. Ngoài nông dân sản xuất, trong HTX có cả thành viên cung ứng đầu vào, phân bón, thuốc men… với giá tốt, trả chậm hợp lý, giúp thành viên có nguồn vật tư nông nghiệp an toàn. Mỗi hợp đồng bao tiêu sản phẩm được kí kết, đời sống người nông dân ổn định thêm một phần, bớt cảnh bấp bênh phụ thuộc thị trường lên xuống.

Ông Phạm Đình Khiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đà Loan nhận xét, hoạt động của HTX DVNN Đà Loan cho thấy hiệu quả rõ rệt của việc liên kết làm ăn. Tham gia HTX, nông dân được hỗ trợ nhiều mặt, từ kỹ thuật canh tác cho tới việc tìm đầu ra, kí hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, có nguồn vật tư nông nghiệp ổn định. Nhằm hỗ trợ HTX, xã đang xây dựng dự án giúp bà con đăng ký trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, mở đường để rau Đà Loan vào siêu thị, nhà hàng, nâng cao giá trị cho cây rau màu, cho hạt cà phê vùng đất xa xôi.

DIỆP QUỲNH

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202008/lien-ket-nong-dan-vi-muc-tieu-vuon-len-3016008/