Liên kết, phát triển du lịch nghỉ dưỡng

Được thiên nhiên ưu đãi nhiều lợi thế để phát triển du lịch, những năm gần đây ngành công nghiệp không khói miền Đông Nam bộ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, để ngành du lịch đi xa hơn nữa cần có nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng, trong đó du lịch nghỉ dưỡng đang được các tỉnh thành trong khu vực chú trọng hướng đến.

Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách ở Đông Nam bộ. Ảnh VĂN PHONG

Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen đang trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách ở Đông Nam bộ. Ảnh VĂN PHONG

Sở hữu quần thể di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng núi Bà Đen có đỉnh cao nhất Nam bộ, lại có Vườn quốc gia Lò Giò - Xa Mát, vườn di sản của ASEAN với hệ thống rừng còn nguyên sinh, Tây Ninh là tỉnh có nhiều lợi thế để phát triển du lịch gắn với núi rừng. Hơn nữa, nơi đây còn có Di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Trung ương Cục miền Nam - thủ đô của cách mạng miền Nam, cũng là lợi thế so sánh lớn không phải nơi nào cũng có, để thu hút khách du lịch về nguồn.

Ngoài ra, tỉnh còn có nhiều công trình nổi tiếng như hồ Dầu Tiếng với diện tích mặt nước rộng hơn 27.000ha, là công trình hồ thủy nông nhân tạo lớn nhất khu vực; Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh - một công trình kiến trúc đặc sắc, độc đáo; và gần đây nhất là nhà ga cáp treo Bà Đen Mountain được trao kỷ lục Guiness nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới. Ẩm thực của tỉnh cũng nổi tiếng với các món ăn như bánh canh, bánh tráng phơi sương Trảng Bàng… cũng là những điều kiện rất thuận lợi để thu hút khách du lịch đến với Tây Ninh.

Để phát huy tiềm năng du lịch trên, Tây Ninh xác định tập trung phát triển các sản phẩm du lịch tâm linh, lễ hội, lịch sử, sinh thái, văn hóa cộng đồng, văn hóa ẩm thực, làng nghề, sản phẩm nông sản, nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch. Trong đó, Khu du lịch Quốc gia núi Bà Đen được lựa chọn để phát triển thành khu du lịch đặc sắc mang tầm cỡ quốc tế, giữ vai trò trung tâm và có sức lan tỏa lớn để dẫn dắt phát triển du lịch của tỉnh.

Cũng nằm trong khu vực “miền Đông gian lao mà anh dũng”, Bà Rịa - Vũng Tàu không những được thiên nhiên ban tặng núi rừng, còn sở hữu những bãi biển và đảo đẹp hàng đầu của cả nước và khu vực. Dẫu vậy, trong thời gian dài, do phụ thuộc nhiều vào ngành dầu khí, du lịch nơi đây phát triển chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, nên thường được ví von với hình ảnh “cô gái đẹp nhưng ngủ quên trong rừng sâu”. Vài năm trở lại đây, từ những tư duy mới về phát triển kinh tế, “cô gái đẹp của miền Đông” này đang dần được đánh thức.

Theo Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, giai đoạn 2015-2019, khách du lịch đến tỉnh tăng trưởng bình quân hơn 18%/năm, tổng thu từ khách du lịch cũng tăng bình quân trên 13%/năm. Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch cũng được đầu tư với nhiều dự án du lịch chất lượng cao đi vào hoạt động kinh doanh có hiệu quả, như khu nghỉ dưỡng Vietsopetro, khu du lịch phức hợp Hồ Tràm Strip, cáp treo Hồ Mây, khách sạn Imperial, khu du lịch suối khoáng Bình Châu… đã góp phần tạo tiền đề phát triển mạnh ngành du lịch địa phương.

Đặc biệt, Bà Rịa - Vũng Tàu còn có Côn Đảo, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố rừng và biển để phát triển du lịch nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái. Thế nhưng, để biến nơi từng được mệnh danh là chốn địa ngục trần gian thành thiên đường du lịch nghỉ dưỡng, cần đầu tư rất nhiều cho huyện đảo, trong đó vấn đề điện lưới, nước sạch là yếu tố cần đặt lên trước tiên. Ngoài ra quy hoạch cũng cần được tính đến trong tương lai gần bởi quỹ đất để phát triển cơ sở hạ tầng của Côn Đảo hiện nay không còn nhiều.

Theo các chuyên gia, để “con thuyền” du lịch miền Đông Nam bộ vươn xa hơn nữa, các tỉnh, thành trong vùng cần tăng cường liên kết để hình thành những tour, tuyến đặc sắc của vùng; trước mắt chia sẻ khó khăn, liên kết kích cầu để giúp ngành du lịch các tỉnh, thành trong khu vực vượt qua đại dịch.

PHÚ NGÂN

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/du-lich/lien-ket-phat-trien-du-lich-nghi-duong-90184.html