Liên kết phát triển kinh tế Trung du và miền núi phía Bắc

14 tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, giàu tiềm năng, lợi thế về kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp, khoáng sản, thủy điện, du lịch, kinh tế biên mậu… Tuy nhiên, các địa phương chưa phát huy hết thế mạnh, tiềm năng trong phát triển.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Thủy

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thu Thủy

Thông tin được đưa ra tại hội nghị “Xúc tiến thương mại và mở rộng xuất, nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc" do Bộ Công Thương tổ chức sáng 12-4.

Khu vực Trung du và miền núi phía Bắc có tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc, mạng lưới giao thông vận tải ngày càng thuận lợi…

Năm 2022 - 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu toàn vùng lần lượt đạt xấp xỉ 119,5 tỷ USD và trên 115,5 tỷ USD, chiếm gần 16% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 67,4 tỷ USD năm 2022 và trên 64,8 tỷ USD năm 2023, tương đương 18% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Cơ cấu hàng xuất khẩu của vùng khá đa dạng, đóng góp vào nhiều nhóm hàng xuất khẩu tỷ USD, như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, nông sản...

Tuy nhiên, theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Công Thương) Bùi Huy Sơn, quy mô kinh tế vùng còn nhỏ, xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020.

Chênh lệch phát triển nội vùng lớn, với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai có tốc độ phát triển nhanh hơn. Ngoài ra, năng suất lao động còn thấp, mật độ doanh nghiệp thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước. Khu vực khó hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn. Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế.

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất các địa phương chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư gắn với lợi thế nổi trội của vùng. Bên cạnh đó, công nghiệp địa phương nên phát triển theo hướng cụm liên kết.

Về xuất khẩu, các địa phương nên phát triển trung tâm canh tác và chế biến một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực; thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao; xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, hiện đại hóa hoạt động logistics, thúc đẩy giao thương biên giới với Trung Quốc, Lào…

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/lien-ket-phat-trien-kinh-te-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-663469.html