Liên kết, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị ở miền núi gặp nhiều khó khăn

Hình thức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đang là xu thế, hướng phát triển bền vững, hiệu quả trong sản xuất. Tuy nhiên, việc liên kết và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị ở các huyện miền núi của tỉnh hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc cần được tháo gỡ.

Sản xuất sản phẩm bánh canh dong tại xã Ngọc Liên (Ngọc Lặc).

Thanh Hóa có 174 xã, thị trấn vùng dân tộc thiểu số và miền núi thuộc 11 huyện phía Tây của tỉnh. Đây là khu vực đất đai rộng lớn, có nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp nhưng do mặt bằng chung về kinh tế - xã hội của khu vực thấp nên hiệu quả chưa được như kỳ vọng. Trong đó, việc tiêu thụ các sản phẩm nông, lâm nghiệp còn hạn chế do chưa hình thành các chuỗi giá trị trong sản xuất. Ông Nguyễn Trọng Thành, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngọc Lặc, cho biết: “Là địa phương có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn, với nhiều sản phẩm nổi tiếng, có chất lượng cao, như: sản phẩm cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao (vải ngọc, bơ, cam, bưởi...), sản phẩm chăn nuôi, gạo nếp hạt cau, miến dong... Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm không dễ dàng, chủ yếu phụ thuộc vào các kênh truyền thống như chợ, các thương lái... Nguyên nhân một phần là do nhận thức của người sản xuất về chuỗi giá trị sản phẩm chưa cao, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, chưa đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, chất lượng của đơn vị liên kết. Mặt khác, do đặc điểm của khu vực còn mang tính sản xuất tự cung – tự cấp cao nên nhu cầu của thị trường về các chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ chưa nhiều”.

Miến dong Hương Ngọc – một trong những sản phẩm OCOP 3 sao đầu tiên của huyện Ngọc Lặc, được đánh giá là sản phẩm chất lượng, với sản lượng tiêu thụ đạt hàng trăm tấn/năm. Trong đó, HTX dịch vụ, thương mại và xây dựng Thành Công, xã Ngọc Liên đã khẳng định vai trò “bà đỡ” của nông dân địa phương thông qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Ngoài hỗ trợ người dân địa phương phát triển vùng nguyên liệu cây dong riềng hơn 80ha và trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, HTX còn thu mua, hỗ trợ tiêu thụ miến dong cho người dân. Ông Lê Quang Lịch, đại diện HTX, cho biết: Sản phẩm miến dong Hương Ngọc bước đầu được người tiêu dùng trong và ngoài huyện đánh giá cao, sản lượng tiêu thụ ổn định và từng bước gia tăng. HTX đang có nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, phát triển sản xuất gắn với xúc tiến thị trường tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, HTX khó tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi và nguồn hỗ trợ từ các chương trình, dự án của Nhà nước”.

Tại huyện Thường Xuân, để hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, UBND huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và triển khai các chính sách hỗ trợ đến từng xã, thị trấn. Trong đó, căn cứ vào tình hình thực tế, các địa phương lựa chọn dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm cho phù hợp. Thông qua nguồn hỗ trợ từ các dự án, huyện đã lựa chọn đầu tư vùng nguyên liệu, giống cây, con, vật tư kỹ thuật; tập huấn kỹ thuật sản xuất, nghiệp vụ quản lý, quản trị chuỗi giá trị, năng lực tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mô hình. Thông qua đó, 8 tháng năm 2024, trên địa bàn huyện Thường Xuân đã có hơn 6.060 tấn lúa, gạo, 1.572 tấn rau quả, hơn 1.670 tấn thịt gia súc, gia cầm và khoảng 1.230 tấn thủy sản được tiêu thụ thông qua các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đạt hơn 60% kế hoạch năm. Ngoài ra, huyện đang triển khai 7 chuỗi liên kết sản xuất cung ứng thực phẩm an toàn khác. Mặc dù kết quả đạt được trong phát triển sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị khá khả quan, song theo đánh giá của UBND huyện Thường Xuân, đây là nội dung khó bởi, không phải đơn vị HTX, doanh nghiệp và hộ sản xuất nào cũng đủ tiềm năng, khả năng để phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Mặt khác, để được hỗ trợ, vay vốn từ các dự án, chương trình có nội dung về phát triển chuỗi giá trị cũng khá khó khăn, đòi hỏi đơn vị đó phải đáp ứng một số yêu cầu về quy mô, thời gian thực hiện các mô hình và bảo đảm tỷ lệ sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số. Chính vì những rào cản đó, huyện chưa thể phát triển mạnh các chuỗi giá trị nông lâm thủy sản để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Để hỗ trợ việc phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị ở khu vực miền núi, ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, có chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (theo Dự án 3 phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy thế mạnh của các vùng để phát triển hàng hóa theo chuỗi giá trị). Ngoài ra, tháng 1/2024, tỉnh Thanh Hóa cũng có Quyết định số 67/QĐ-UBND về phê duyệt Đề án Kết nối sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030. Tuy nhiên, theo khảo sát thực tế tại một số huyện miền núi, việc hình thành, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị còn nhiều khó khăn. Ngoài lý do đơn vị chủ trì liên kết chưa đủ quy mô, tiềm lực sản xuất thì hầu hết các đơn vị không đáp ứng quy định 70% lao động trong đơn vị là người dân tộc thiểu số.

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị ở khu vực miền núi, tại nhiều hội nghị, các địa phương đã kiến nghị đơn vị các cấp có liên quan ban hành phương thức, quy trình, nội dung thẩm định các dự án, làm cơ sở để địa phương tổ chức thẩm định dự án đảm bảo chặt chẽ và chất lượng. Qua đó, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX tiếp cận nguồn vốn đầu tư mở rộng quy mô, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng.

Bài và ảnh: Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lien-ket-phat-trien-san-pham-theo-chuoi-gia-tri-o-mien-nui-gap-nhieu-kho-khan-223591.htm