Liên kết sản xuất nông sản: Nhiều lợi ích
Liên kết chuỗi sản xuất nông sản đã và đang thực sự mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sản xuất. Đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi.
Liên kết chuỗi sản xuất nông sản đã và đang thực sự mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp và người sản xuất. Đồng thời, người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh.
Kết quả khả quan
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, thời gian qua, tình hình phát triển liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã đạt được những kết quả khả quan.
Đến hết tháng 12/2021, Hà Nội đã có 145 chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, trong đó có 52 chuỗi sản phẩm có nguồn gốc từ sản phẩm chăn nuôi, 93 chuỗi có nguồn gốc từ sản phẩm trồng trọt. Trong 145 chuỗi có 14 chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 1 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 46 chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 2 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 54 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; 7 chuỗi liên kết cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và 21 chuỗi liên kết sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Đáng chú ý, có nhiều chuỗi điển hình như: Chuỗi gạo chất lượng cao Bảo Minh; chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm gạo chất lượng cao khu cháy của Hợp tác xã Đoàn Kết; chuỗi gạo hữu cơ và bưởi Diễn của Hợp tác xã nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến; chuỗi thủy sản của Hợp tác xã thủy sản công nghệ cao Đại Áng; chuỗi thịt bò BBB của Công ty Giống gia súc Hà Nội; chuỗi thịt lợn sạch của Công ty TNHH thực phẩm sạch Oganic Ggreen; chuỗi rau của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp sạch hữu cơ Thanh Xuân; chuỗi rau sạch của Hợp tác xã rau, quả sạch Chúc Sơn …
Ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội - cho biết, thời gian qua, căn cứ chủ trương, chính sách của Trung ương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã kịp thời tham mưu trình UBND thành phố ban hành các chính sách và văn bản chỉ đạo để triển khai; báo cáo Hội đồng Nhân dân thành phố ban hành chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. “Liên kết chuỗi đã thực sự mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho doanh nghiệp, người sản xuất, mà người tiêu dùng cũng được hưởng lợi thông qua việc được tiếp cận các nông sản an toàn với giá cả cạnh tranh” – ông Chí đánh giá.
Cần hoàn thiện thể chế, chính sách
Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Nguyễn Văn Chí cho rằng, cơ chế, chính sách vẫn còn tồn tại, bất cập khiến việc phát triển chuỗi liên kết gặp khó khăn. Cụ thể, tại Khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2018/NĐ-CP quy định “Chủ trì liên kết: Trường hợp doanh nghiệp hoặc hợp tác xã ký hợp đồng liên kết trực tiếp với cá nhân, nông dân thì doanh nghiệp hoặc hợp tác xã sẽ là chủ trì liên kết. Đối với trường hợp các doanh nghiệp, hợp tác xã ký hợp đồng liên kết với nhau thì các bên thống nhất cử ra chủ trì liên kết”. Tuy nhiên tại Điểm c, Khoản 1, Điều 9 Nghị định lại quy định “Hỗ trợ giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm tối đa không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất, khai thác sản phẩm thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã”. Các quy định trên không đồng nhất dẫn đến việc triển khai hỗ trợ gặp nhiều khó khăn…
Nghị quyết số 10/2018/NQ-HĐND ngày 5/12/2018 của HĐND thành phố về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp mặc dù đã được ban hành nhưng cũng chưa quy định cụ thể định mức chi, phương thức thực hiện hỗ trợ đối với các dự án/kế hoạch liên kết nên không thể thực hiện được.
Một vấn đề nữa được ông Nguyễn Văn Chí đề cập tới, đó là đại dịch Covid-19 kéo dài và diễn biến phức tạp đã làm biến động các thị trường nông sản, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng, gây ảnh hưởng đến người sản xuất. Trong 145 chuỗi được hình thành theo 7 hình thức liên kết chuỗi quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP, có 46 liên kết theo hình thức “chuỗi liên kết tổ chức sản xuất, thu hoạch gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”, kiểu liên kết này không bền vững, dẫn đến hợp đồng liên kết dễ bị phá vỡ.
“Lúc giá thị trường cao hơn giá thỏa thuận thì người sản xuất không bán sản phẩm cho doanh nghiệp mà bán thẳng ra thị trường - lúc giá thị trường thấp hơn giá thỏa thuận thì doanh nghiệp bỏ không thu mua sản phẩm của người sản xuất, dẫn đến liên kết chuỗi bị phá vỡ. Từ năm 2020 đến cuối 2021, đã có 13 liên kết bị ngừng hoạt động đều rơi vào hình thức liên kết này”- ông Chí chia sẻ thêm.
Bên cạnh đó, Đảng ủy chính quyền cấp xã ở một số địa phương chưa thể hiện rõ vai trò trong quản lý quy hoạch, vẫn buông lỏng, tự phát, dẫn đến cung vượt cầu, sản phẩm sản xuất ra không có người mua; bài toán giải cứu vẫn đang còn hiện hữu. Đơn vị chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mặc dù đã có nhiều giải pháp nhưng còn nhiều mô hình đưa vào ứng dụng không gắn kết, giàng buộc theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nên kết thúc mô hình không nhân rộng được trong thực tế, dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao, lãng phí nguồn lực đầu tư; các doanh nghiệp làm chủ chuỗi liên kết còn lúng túng, khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn quỹ ưu đãi của thành phố cũng như các ngân hàng thương mại.
Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, đề xuất Trung ương và Hội đồng nhân dân, UBND thành phố sửa đổi, bổ sung những nội dung còn thiếu và những nội dung chưa phù hợp, nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Đồng thời, rà soát quy hoạch đã được được quy định theo Quyết định 3215/QĐ-UBND vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh, tập trung hàng năm và điều chỉnh kịp thời; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, thiết lập hệ sinh thái quản trị bền vững chuỗi giá trị. Kiến nghị Quỹ Hỗ trợ phát triển thành phố và các ngân hàng thương mại có chính sách ưu đãi để hỗ trợ các tác nhân tham gia chuỗi liên kết, đặc biệt là chủ chuỗi liên kết được vay vốn đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố sẽ tiếp tục rà soát, tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện chính sách, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách để thu hút sự tham gia mạnh mẽ hơn của các doanh nghiệp, hợp tác xã vào phát triển liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Hạnh Nguyễn
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-ket-san-xuat-nong-san-nhieu-loi-ich-218506.html