Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm: Giải pháp phát triển bền vững HTX nông nghiệp
Hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ hàng hóa theo hướng bền vững. Thông qua hợp đồng mua bán, cam kết ổn định giá thu mua đảm bảo có lợi cho thành viên, nhiều HTX đã góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển và nâng cao thu nhập cho người dân.
Đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm
Ông Lê Tất Đỗ-Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Sản xuất kinh doanh và Dịch vụ nông nghiệp Tâm Thành (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) cho hay: Hợp tác xã có 157 thành viên canh tác 280 ha cà phê được cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn 4C. Để sản phẩm đạt chất lượng, HTX tạo điều kiện cho các thành viên tham gia tập huấn quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn 4C, chất lượng cà phê được đồng nhất, năng suất cũng ổn định ở mức 4-4,2 tấn/ha. Bên cạnh đó, HTX cũng liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cho thành viên với giá ổn định; đồng thời, làm cầu nối hỗ trợ các thành viên mua vật tư, phân bón đảm bảo chất lượng với giá thấp hơn so với thị trường.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Huy Hợi (thôn Thanh Hà 2, xã Ia Hrung) chia sẻ: “Trước đây, 2 ha cà phê của tôi canh tác theo phương thức cũ, năng suất chỉ đạt 4-4,5 tấn/ha. Sau khi áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, năng suất đạt 5-5,5 tấn/ha. Bên cạnh đó, tôi tiết giảm được rất nhiều chi phí trong sản xuất nhờ tưới nước tiết kiệm, sử dụng phân bón hợp lý, hạn chế tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Việc tham gia HTX đã giúp người dân thay đổi tư duy canh tác để nâng cao hiệu quả sản xuất. Không những vậy, đầu ra sản phẩm luôn ổn định, không lo bị thương lái ép giá”.
Toàn tỉnh hiện có 66 HTX nông nghiệp (chiếm 27,8% tổng số HTX nông nghiệp) và 1 liên hiệp HTX nông nghiệp kết nối, hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với 28 doanh nghiệp và các hộ nông dân. Việc liên kết đã thúc đẩy phát triển sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả cao trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và dược liệu.
Theo ông Nguyễn Long Khánh-Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh: Toàn huyện có 23 HTX nông nghiệp. Hiện nay, các HTX đã dần đi vào quỹ đạo theo đúng Luật HTX năm 2012 và phát huy vai trò là trụ cột thúc đẩy sản xuất chuyên canh theo hướng tập trung, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong 3 năm gần đây, nhiều HTX đã tham gia dự án liên kết sản xuất với các doanh nghiệp lớn và tập hợp thành viên để sản xuất hàng hóa có chất lượng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. “Nhận thấy vai trò của HTX rất lớn trong phát triển kinh tế, huyện cũng đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tư vấn, hỗ trợ để góp phần tổ chức lại hoạt động của HTX cho bài bản và hiệu quả hơn”-ông Khánh nói thêm.
Ông Lương Đình Trọng-Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh-đánh giá: Hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp là xu thế phát triển lâu dài, từng bước xây dựng các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp từ liên kết sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm của HTX tăng lên, giá cả sản phẩm luôn ổn định. Trong thời gian qua, nhiều chuỗi liên kết giữa HTX với các doanh nghiệp lớn như: Doveco, Vĩnh Hiệp, Nhà máy đường An Khê, Tập đoàn Lộc Trời… đã làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân theo hướng bền vững, tạo đột phá nâng cao giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, số HTX nông nghiệp thực hiện chuỗi liên kết chiếm tỷ lệ chưa cao. “Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các cấp chính quyền rà soát, thống kê toàn bộ HTX nông nghiệp để có hướng hỗ trợ giúp tăng cường kết nối, liên kết xây dựng chuỗi giá trị”-ông Trọng cho biết thêm.
“Đòn bẩy” để sản xuất bền vững
Trao đổi với P.V, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn-cho biết: “Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng các HTX nông nghiệp đã không ngừng đổi mới phương thức hoạt động, tư duy sản xuất để nâng cao hiệu quả, tạo ra được những sản phẩm chất lượng, có sức cạnh tranh cao. Đến nay, nhiều mô hình HTX nông nghiệp đã vươn lên mạnh mẽ trong sản xuất kinh doanh, tạo dựng vị trí trên thị trường và góp phần xây dựng kinh tế tập thể ngày càng phát triển”.
Qua 3 năm (2018-2020) thực hiện Quyết định số 461/QĐ-TTg ngày 27-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 15.000 HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả đến năm 2020, Gia Lai có 237 HTX nông nghiệp (tăng 140 HTX so với cuối năm 2017) với tổng số 9.000 thành viên (tăng 2.116 thành viên so với cuối năm 2017). Tổng doanh thu của các HTX năm 2020 đạt hơn 36,9 tỷ đồng.
Theo ông Đào Lân Hưng-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Grai, trong định hướng phát triển nông nghiệp, huyện chú trọng phát triển theo hướng xây dựng chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, thông qua đầu mối là HTX. Huyện đã làm việc với Tập đoàn Lộc Trời, Doveco Gia Lai và sẽ có các chương trình liên kết qua HTX. Bởi lẽ, HTX sẽ làm đầu mối tập hợp nông dân tham gia liên kết để sản xuất quy mô lớn, tạo ra sản phẩm có truy xuất nguồn gốc, có các chứng nhận tiêu chuẩn về chất lượng. “Thông qua việc phát triển HTX sẽ gắn với tổ chức sản xuất lại cho nông dân, để làm sao nâng cao ý thức trách nhiệm của người sản xuất khi làm ra sản phẩm phải đạt chất lượng tốt. Vì vậy, phải xây dựng HTX có đủ năng lực để tập hợp được người nông dân tham gia, hướng đến mục đích cuối cùng vẫn là làm sao nâng cao giá trị cho sản phẩm nông nghiệp địa phương và hướng đến xuất khẩu”-ông Hưng nói thêm.
Trong 3 năm (2018-2020), tỉnh ta đã thực hiện các dự án, kế hoạch ưu tiên để phát triển HTX như: hỗ trợ HTX nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa HTX, liên hiệp HTX nông nghiệp với doanh nghiệp. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 9 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 30 HTX nông nghiệp đăng ký các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP.
Tuy tăng về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động nhưng các HTX nông nghiệp phát triển chưa như kỳ vọng. “Để nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm, nhiều HTX vận động thành viên tập trung đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ với hình thức canh tác truyền thống sang sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, chú trọng đến sản phẩm có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc, đặc biệt nỗ lực tìm kiếm thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, các HTX nông nghiệp cần tập trung phát triển sản phẩm có lợi thế, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy tham gia thực hiện Chương trình OCOP. Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với các doanh nghiệp để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, năng lực quản trị, năng lực cạnh tranh và hội nhập trong tình hình mới”-ông Y Nguyên Ênuôl thông tin thêm.