Liên kết thanh toán nội khối giúp tăng cường gắn kết trong ASEAN

Việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực có khả năng thúc đẩy các giao dịch bán lẻ xuyên biên giới để mở đường cho các hoạt động mua sắm bằng mã QR và chuyển tiền theo thời gian thực (RFT).

Đồng yen Nhật Bản và đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng yen Nhật Bản và đồng đôla Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn bài phân tích đăng trên báo Nikkei Asian Review ngày 8/6 nêu rõ các quốc gia Đông Nam Á đang xây dựng liên kết giữa các mạng thanh toán quốc gia, nỗ lực thiết lập một khuôn khổ cho các giao dịch xuyên biên giới trực tiếp bằng đồng tiền của các nước để đẩy nhanh hội nhập kinh tế khu vực.

Tại hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng trước ở Labuan Bajo, Indonesia, các thành viên khối đã tuyên bố sẽ cải thiện kết nối thanh toán khu vực và thúc đẩy giao dịch nội tệ. Các nước cam kết sẽ làm việc theo một lộ trình để mở rộng các liên kết thanh toán khu vực tới tất cả 10 thành viên của khối.

Các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương của ASEAN được giao nhiệm vụ giám sát thực hiện cam kết nêu trên. Trong cuộc gặp tại Bali vào tháng 3/2023, Indonesia- nước Chủ tịch ASEAN- nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hội nhập khu vực sâu hơn trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu không chắc chắn.

Cuộc họp kết thúc với lời kêu gọi giảm sự phụ thuộc vào các loại tiền tệ bên ngoài như đồng USD, euro và yen cho các giao dịch xuyên biên giới. Việc thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực có khả năng thúc đẩy các giao dịch bán lẻ xuyên biên giới để mở đường cho các hoạt động mua sắm bằng mã QR và chuyển tiền theo thời gian thực (RFT).

Bài viết đánh giá Đông Nam Á hiện tại đã có một số cơ chế thanh toán bán lẻ, nhưng chủ yếu là song phương. Tháng trước, Indonesia và Malaysia đã mở một liên kết thanh toán QR xuyên biên giới, trong khi Indonesia với Thái Lan cũng đã có kênh liên kết tương tự.

Ngoài ra, Thái Lan cũng đã thiết lập liên kết QR với Campuchia, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Các liên kết này cho phép khách du lịch từ các quốc gia tham gia hoàn thành các giao dịch bán lẻ một cách nhanh chóng bằng cách quét mã QR tại các cửa hàng địa phương trên điện thoại di động của họ.

Liên kết thanh toán RFT hiện tại duy nhất trong khu vực được thiết lập giữa Singapore với Thái Lan 2 năm trước. Liên kết này kết nối PayNow của Singapore với PromptPay của Thái Lan, cho phép chuyển tiền hằng ngày theo thời gian thực lên tới 1.000 SGD (740 USD) hoặc 25.000 baht (717 USD) chỉ bằng số điện thoại di động.

Trong khi các liên kết mã QR chỉ có khả năng giúp thúc đẩy tăng trưởng du lịch và tăng chi tiêu của người tiêu dùng nói chung, thì liên kết RFT sẽ cho phép cả cá nhân và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa thực hiện các giao dịch xuyên biên giới, quy mô nhỏ một cách thuận tiện hơn.

Một khuôn khổ giao dịch nội tệ toàn ASEAN sẽ cho phép thực hiện các giải pháp thương mại giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp mà không cần sử dụng các loại tiền tệ bên ngoài như đồng USD. Đến nay, việc thanh toán bằng nội tệ vẫn chủ yếu là song phương vì khuôn khổ khu vực được thành lập vào năm 2016 vẫn chỉ bao gồm Indonesia, Malaysia và Thái Lan.

Một khuôn khổ giao dịch nội tệ rộng hơn có thể giúp các quốc gia ASEAN giảm thiểu rủi ro ngoại tệ. Sức mạnh của đồng USD trong những năm gần đây đã được phản ánh trong các đồng nội tệ yếu; đây là một điểm nhức nhối vì ASEAN có 9 thành viên là những nước nhập khẩu năng lượng ròng và 8 nước nhập khẩu lương thực ròng.

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức đối với ASEAN trong việc mở rộng kết nối thanh toán khu vực và hạn chế sử dụng đồng USD trong các giao dịch xuyên biên giới.

Dù các thành viên ASEAN đã đồng ý thành lập một nhóm đặc trách về giao dịch nội tệ để thảo luận và xây dựng các kế hoạch cho khuôn khổ giao dịch toàn khối nhưng nhóm này chưa có người đứng đầu. Tuy nhiên, dự kiến sẽ có nhiều cuộc thảo luận hơn khi các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương ASEAN gặp lại nhau vào tháng 8/2023.

Với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay, Indonesia đã đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và thuyết phục các quốc gia thành viên về tầm quan trọng của khả năng tự phục hồi trong việc điều hướng tác động tiềm ẩn của các rủi ro tài chính toàn cầu. Đây là một vấn đề có thể đưa các nhà lãnh đạo ASEAN xích lại gần nhau.

Hoạt động hướng tới việc mở rộng kết nối thanh toán trong khu vực và xây dựng khuôn khổ giao dịch bằng nội tệ là rất quan trọng để các quốc gia Đông Nam Á có cùng quan điểm hiện tại và trong tương lai./.

Nguyễn Tuyến/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lien-ket-thanh-toan-noi-khoi-giup-tang-cuong-gan-ket-trong-asean/294144.html