Liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản

Sau 5 năm thực hiện Nghị định (NĐ) số 98 của Chính phủ, nhiều dự án, kế hoạch liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An được triển khai, thực hiện và phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) gặp khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện và tiếp cận chính sách hỗ trợ của NĐ này.

Nhiều mô hình phát huy hiệu quả

Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, thông qua triển khai NĐ số 98 của Chính phủ, các DN, HTX, nông dân đều phấn khởi, nhiệt tình hưởng ứng các chương trình, dự án liên kết, góp phần thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, hình thành những vùng sản xuất tập trung, từng bước nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa.

NĐ chính là “cầu nối” giúp các DN, HTX, nông dân có điều kiện mở rộng diện tích sản xuất, gắn kết tham gia sản xuất thông qua hợp đồng liên kết nhằm giảm thiểu rủi ro, giúp việc tiêu thụ nông sản được thuận lợi, bền vững hơn.

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa tiếp Đoàn học tập kinh nghiệm từ tỉnh Tiền Giang (Ảnh: HTX cung cấp)

Hợp tác xã Nông nghiệp Mỹ Thạnh, huyện Thủ Thừa tiếp Đoàn học tập kinh nghiệm từ tỉnh Tiền Giang (Ảnh: HTX cung cấp)

Đánh giá về chủ trương khuyến khích hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Giám đốc HTX Nông nghiệp Mỹ Thạnh (huyện Thủ Thừa) - Nguyễn Quốc Cường cho biết, chủ trương này rất phù hợp với tình hình thực tế nhằm giải quyết vấn đề sản xuất nhỏ, lẻ, kém hiệu quả của nông dân. Thông qua liên kết, nông sản sẽ được tăng chất lượng, giá trị và thu nhập của nông dân cũng tăng theo. HTX đang thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ rau cùng 15 hộ nông dân, với diện tích trồng 10,4ha.

“Sản lượng liên kết tiêu thụ của HTX tăng từ 1.098 tấn năm 2021 lên 1.200 tấn năm 2022. Hiện HTX cung cấp rau cho chuỗi siêu thị Co.op, Công ty (Cty) TNHH Tân Hiệp Thành, Cty TNHH Dịch vụ Tiền Giang - Sài Gòn,…” - ông Nguyễn Quốc Cường cho biết thêm.

Cùng chung nhận định về những hiệu ứng tích cực từ việc triển khai NĐ số 98 và các chủ trương của tỉnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Thương mại Nông nghiệp Cây Trôm (huyện Vĩnh Hưng) - Bùi Văn Tuấn thông tin, HTX chủ động phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thực hiện kế hoạch đề nghị hỗ trợ liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ lúa và lúa giống với quy mô gần 50ha, có 9 hộ nông dân tham gia.

Khi tham gia mô hình liên kết, các hộ nông dân được Cty TNHH Tập đoàn An Nông và Cty TNHH Con Cò Vàng liên kết hỗ trợ vật tư đầu vào; Cty TNHH Olam Global Agri Việt Nam và Cty TNHH Cổ phần Thực phẩm 6868 liên kết thu mua sản phẩm; HTX chịu trách nhiệm tổ chức sản xuất, bao tiêu cho nông dân và bảo đảm công nợ 4 bên với nhau.

“Lợi nhuận của thành viên tăng lên so với trước khi tham gia HTX và cao hơn từ 3-4 triệu đồng/ha so với nông dân bên ngoài; lợi nhuận sau thuế và thu nhập bình quân của lao động (người/tháng) của HTX tăng qua các năm; thành viên được ưu đãi về giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống, giá mua,... và hưởng giá dịch vụ thấp hơn so với người dân bên ngoài như làm đất, bơm nước, thu hoạch,...” - ông Bùi Văn Tuấn thông tin thêm.

Việc liên kết còn khó khăn

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ, huyện triển khai, thực hiện 2 dự án liên kết sản xuất, 1 dự án trên cây chanh tại HTX Nông nghiệp Thanh Sơn Bình Hòa Nam (xã Bình Hòa Nam) và 1 dự án trên cây lúa tại HTX Nông nghiệp Dịch vụ Đúng Sạch (xã Mỹ Thạnh Đông).

Đến nay, chỉ có HTX Nông nghiệp Dịch vụ Đúng Sạch liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm đối với 50ha lúa nếp IR4625 tại ấp 1, xã Mỹ Thạnh Đông và HTX đang thực hiện các hồ sơ thủ tục để giải ngân nguồn kinh phí hỗ trợ. Riêng HTX Nông nghiệp Thanh Sơn Bình Hòa Nam vẫn chưa giải ngân được nguồn vốn hỗ trợ do HTX chưa có quỹ đất để xây dựng nhà kho.

Khi tham gia mô hình liên kết, nông dân sản xuất lúa được bao tiêu đầu ra

Khi tham gia mô hình liên kết, nông dân sản xuất lúa được bao tiêu đầu ra

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Huệ - Phạm Văn Luốc cho biết, việc thực hiện NĐ số 98 của Chính phủ trên địa bàn huyện gặp không ít khó khăn về giải ngân nguồn vốn. Nguyên nhân chủ yếu là nhận thức của nông dân còn thấp, nhiều trường hợp không tuân thủ hợp đồng; thiếu kinh nghiệm tổ chức sản xuất; các thành viên trong gia đình của hộ nông dân tham gia liên kết chưa thống nhất ý kiến; kỹ năng quản lý tài chính của HTX còn hạn chế;... Thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ làm việc lại với HTX Nông nghiệp Thanh Sơn Bình Hòa Nam để có phương hướng xử lý nguồn vốn tỉnh đã phân bổ.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ khi thực hiện NĐ số 98 đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án, kế hoạch liên kết được phê duyệt, nghiệm thu, với sự tham gia của 21 HTX, 14 DN cùng 328 hộ nông dân tham gia liên kết chuỗi giá trị nông sản. Tổng nguồn vốn hỗ trợ cho các dự án, kế hoạch liên kết là trên 43,9 tỉ đồng, trong đó, nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước gần 12,8 tỉ đồng.

“Việc tham gia mô hình liên kết sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên. Cụ thể, DN, HTX sẽ có được nguồn cung ứng nguyên liệu ổn định, chất lượng, còn nông dân sẽ được giải quyết vấn đề đầu ra cho nông sản. Đồng thời, việc áp dụng các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất cũng góp phần tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, giúp hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường” - ông Nguyễn Chí Thiện cho biết./.

Minh Tuệ

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/lien-ket-trong-san-xuat-tieu-thu-nong-san-a161988.html