Liên kết xuất bản: Yếu tố cốt lõi để tạo ra những sản phẩm có giá trị

Chiều 26/9, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Xuất bản Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Đổi mới, nâng cao chất lượng liên kết xuất bản'. Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì hội thảo.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, trong những năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, chính liên kết xuất bản đã góp phần đẩy nhanh sự phát triển của hoạt động xuất bản cả về tốc độ, quy mô, số lượng và chất lượng, thu được những kết quả đáng ghi nhận.

 Toàn cảnh Hội thảo.

Toàn cảnh Hội thảo.

Theo đó, từ năm 2004 đến năm 2022 quy mô xuất bản đã tăng gấp hơn 2 lần. Chất lượng xuất bản phẩm cũng có nhiều chuyển biến tích cực, nội dung ngày càng phong phú, đa dạng, hình thức sinh động, hấp dẫn với nhiều loại hình, cả sách in truyền thống và điện tử, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của từng ngành, từng địa phương, góp phần khẳng định vị trí quan trọng của hoạt động xuất bản trong đời sống xã hội, đáp ứng nhu cầu về xuất bản phẩm của nhân dân ngày càng đa dạng, phong phú, tham gia tích cực vào việc xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Ông Nguyễn Nguyên khẳng định, đóng góp vào kết quả này có vai trò quan trọng của hoạt động liên kết xuất bản, bao gồm liên kết giữa các nhà xuất bản, liên kết nhà xuất bản với tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, liên kết in, liên kết hạ tầng công nghệ và đặc biệt liên kết giữa nhà xuất bản với các đơn vị phát hành.

 Đồng chí Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, cùng với quá trình cổ phần hóa, liên kết xuất bản trở thành một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy xuất bản phát triển.

Đồng chí Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành nhận định, cùng với quá trình cổ phần hóa, liên kết xuất bản trở thành một trong những giải pháp quan trọng, thúc đẩy xuất bản phát triển.

Một số nhà xuất bản và đơn vị phát hành thông qua hoạt động liên kết đã biết tận dụng thời cơ, tích lũy nguồn lực, phát triển đội ngũ. "Trường hợp Nhà xuất bản Trẻ là một ví dụ cho thấy quá trình phát triển qua việc triển khai hiệu quả giữa liên kết xuất bản và xây dựng chiến lược phát triển nhà xuất bản. Trường hợp của Nhà xuất bản Xây dựng, Thông tin và Truyền thông qua liên kết để phối hợp triển khai hạ tầng dùng cho ngành là ví dụ khác. Với các đơn vị liên kết, ý thức xây dựng và phát triển thương hiệu dần được hình thành", ông Nguyễn Nguyên cho hay.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Nguyên đã chỉ ra những bất cập chủ yếu của ngành trong thời gian qua đó là, một số nhà xuất bản thiếu chủ động trong quá trình tổ chức, khai thác bản thảo dẫn đến chưa thể hiện đúng vai trò chủ trì trong hoạt động liên kết. Thậm chí có biểu hiện buông lỏng quản lý, không thực hiện nghiêm quy trình biên tập xuất bản, để lọt, để sót nhiều chi tiết sai phạm, đưa ra thị trường những cuốn sách kém chất lượng gây bức xúc dư luận.

Một số doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm không chấp hành nghiêm quy định pháp luật và thỏa thuận với nhà xuất bản về liên kết như: Tự in tăng số lượng in, không nộp lưu chiểu, thậm chí thay đổi nội dung bản thảo, vi phạm pháp luật về xuất bản và bị xử lý.

 Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi ý kiến về hoạt động liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản với các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Hội thảo là dịp để các đại biểu trao đổi ý kiến về hoạt động liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản với các doanh nghiệp phát hành xuất bản phẩm, tăng cường công tác quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động này.

Theo ông Nguyễn Nguyên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế liên kết cả nguyên nhân chủ quan, khách quan, trong đó có những nguyên nhân sâu xa từ những bất cập về cơ chế, chính sách. "Từ việc chuyển dịch chậm, không bắt nhịp được với cơ chế thị trường của các nhà xuất bản. Từ những hạn chế về trình độ, nghiệp vụ của cả lãnh đạo và biên tập viên nhà xuất bản và còn cả tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn, thậm chí là “chộp giật” của một bộ phận đơn vị tham gia liên kết", ông Nguyên nói.

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc liên kết xuất bản, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Văn học Ngô Thu Phương cho rằng, trong nhiều năm trở lại đây, sách liên kết chiếm một khối lượng lớn trên tổng số đầu sách xuất bản hàng năm của Nhà xuất bản Văn học, dao động từ 60-70%. Đã có rất nhiều những tác phẩm văn học có giá trị về nội dung và nghệ thuật được xuất bản thông qua hình thức liên kết.

Theo bà Ngô Thu Phương, một nguyên tắc lớn nhất được Nhà xuất bản Văn học đặt ra đối với các xuất bản phẩm liên kết đó là việc vẫn phải đảm bảo giữ được bản sắc, uy tín và thương hiệu của nhà xuất bản. Điều này được thể hiện rất rõ qua những điều khoản chặt chẽ trong hợp đồng liên kết xuất bản, trong quy định về liên doanh liên kết. Nhà xuất bản Văn học cũng đã xây dựng được quy trình biên tập với mục đích phân cấp trách nhiệm cụ thể, chi tiết tới từng biên tập viên, Trưởng Ban biên tập, Phó Tổng Biên tập, Giám đốc - Tổng Biên tập, qua đó tạo được sự giám sát tương đối chặt chẽ với những xuất bản phẩm liên kết cũng như công tác quản lý hoạt động liên kết.

 Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu kết luận Hội thảo.

Ông Nguyễn Thanh Lâm - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu kết luận Hội thảo.

Tại buổi Hội thảo, các đại biểu tham dự đã phân tích làm rõ nét thực trạng của hoạt động liên kết xuất bản hiện nay, chỉ ra những kết quả đạt được cần phát huy và những tồn tại hạn chế và nguyên nhân dẫn đến tồn tại, hạn chế để khắc phục.

Nhiều ý kiến xung quanh việc trao đổi nghiệp vụ, đề xuất những biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ quy trình xuất bản, quy trình liên kết xuất bản bảo đảm chất lượng xuất bản phẩm, đẩy lùi vấn nạn sách nhảm nhí, vô bổ; không đưa ra thị trường những cuốn sách có nội dung vi phạm…

Kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, chủ đề của hội thảo rất ý nghĩa, cần thiết để các nhà xuất bản, công ty sách được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng về vấn đề rất “nóng” của xuất bản hiện nay, đó là liên kết xuất bản.

Theo Thứ trưởng Lâm, hoạt động liên kết xuất bản đã phát huy tính tích cực, tạo sự năng động trong việc tìm kiếm bản thảo, mua bản quyền, tổ chức phát hành cũng như sự chủ động nắm bắt thị trường từ đó đóng góp thiết thực, quan trọng về nhiều mặt vào thành tựu chung của ngành xuất bản cung cấp cho xã hội những kiến thức, thông tin hữu ích, những xuất bản phẩm hay có giá trị về nhiều lĩnh vực của đời sống.

Song, hoạt động này cũng đang bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. "Hội thảo hôm nay đã ghi nhận nhiều đề xuất các giải pháp nhằm bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các nhà xuất bản và đối tác liên kết trên tinh thần hợp tác cùng có lợi để từ đó vừa bảo đảm được vị thế của nhà xuất bản, vừa khai thác tối đa thế mạnh về vốn, công nghệ, thị trường, về khả năng tiếp cận thị trường quốc tế của các đơn vị liên kết để từ đó đóng góp chung vào sự phát triển của ngành xuất bản cũng như nâng cao nền tảng tri thức xã hội thông qua phát triển văn hóa đọc", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho hay.

Phan Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-ket-xuat-ban-yeu-to-cot-loi-de-tao-ra-nhung-san-pham-co-gia-tri-post266231.html