Liên khu 5 'chia lửa' với Điện Biên Phủ

Góp phần vào thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ có công rất lớn của các lực lượng vũ trang Liên khu 5, đứng đầu là tướng Nguyễn Chánh - Bí thư Liên khu ủy, Chính ủy kiêm Tư lệnh Liên khu 5. Chưa có chiến dịch nào mà có sự phối hợp nhịp nhàng và ăn ý đến như thế.

Vùng tự do trước thử thách lớn

Tướng Nguyễn Chánh. Ảnh Bảo tàng Quân khu 5

Tướng Nguyễn Chánh. Ảnh Bảo tàng Quân khu 5

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công chưa được bao lâu thì quân đội Pháp quay lại Đông Dương, quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 12/1946 như một lời hiệu triệu để toàn dân đứng lên quyết bảo vệ thành quả cách mạng mà chúng ta vừa giành được.

Cuối năm 1946, Bác Hồ và Trung ương rút lên Việt Bắc để lãnh đạo toàn dân “trường kỳ kháng chiến”. Trong khi đó, tại Quảng Ngãi đã hình thành cơ quan đầu não của Việt Minh do Cụ Huỳnh Thúc Kháng cùng các đồng chí như Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh trực tiếp lãnh đạo. Cả một vùng tự do Liên khu 5 từ Quảng Ngãi đến Phú Yên được xem như bất khả xâm phạm.

Thế nhưng, kế hoạch Navarre đã đưa Liên khu 5 vào “tầm ngắm” của thực dân Pháp. Theo đó, kế hoạch được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, tức Đông Xuân 1953 - 1954, quân Pháp phòng ngự chiến lược miền Bắc, tấn công chiến lược miền Nam, trong đó đánh chiếm vùng tự do Liên khu 5 được xem như mục tiêu chính của kế hoạch Navarre ở miền Nam. Sang giai đoạn 2, tức 1954 - 1955, sau khi bình định xong miền Nam, Pháp sẽ rút quân tinh nhuệ ra miền Bắc, quyết tiêu diệt toàn bộ cơ quan đầu não của ta, buộc chúng ta phải ngồi vào bàn đàm phán trong thế có lợi cho Pháp.

Với kế hoạch trên, vùng tự do Liên khu 5 đứng trước một thử thách lớn sau 8 năm kháng chiến. Đó là phải chiến đấu như thế nào đây để bảo vệ thành quả của cách mạng đồng thời “chia lửa” với miền Bắc, trong lúc chúng ta thiếu thốn mọi bề? Do Pháp bao vây cấm vận nên toàn bộ quân và dân trong vùng tự do Liên khu 5 thời ấy đều tự cung tự cấp, từ lương thực, thực phẩm đến các loại hàng nhu yếu phẩm khác.

Thế nhưng, bằng ý chí và quyết tâm “không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ”, quân và dân Liên khu 5 đã chặn đứng kế hoạch của Navarre, đẩy chúng vào thế bị động, không thể triển khai kế hoạch theo hai giai đoạn như ban đầu.

Kế hoạch của thực dân Pháp bị phá sản

Như đã nói, Pháp muốn “dọn dẹp” xong miền Nam trong giai đoạn Đông Xuân 1953 - 1954 để dồn toàn bộ binh lực ra miền Bắc. Mở đầu cho kế hoạch này là Chiến dịch Atlante do tướng De Beaufort- viên tướng phụ trách toàn bộ chiến trường Tây Nguyên, trực tiếp chỉ huy. Theo tính toán của thực dân Pháp, từ Khánh Hòa, chúng đánh ra Phú Yên trong vòng một tuần là có thể “bắt gọn” Việt Minh. Ngày 20/1/1954, Pháp bắt đầu “khai hỏa”.

Do đã chuẩn bị từ trước, lực lượng dân quân du kích và bộ đội địa phương Phú Yên chống trả quyết liệt, khiến Pháp không đạt được mục tiêu đề ra. Đã vậy, một tuần sau ngày Pháp đánh ra Phú Yên, ngày 28/1/1954, ta mở chiến dịch bắc Tây Nguyên, đánh vào chỗ bất ngờ nhất là cứ điểm Măng Đen, cách thị xã Kon Tum 50km về phía đông. Nói bất ngờ là bởi, địch chỉ nghĩ ta dồn lực lượng về Phú Yên để chống trả nên toàn bộ các cứ điểm phía bắc Tây Nguyên chúng không cảnh giác. Chỉ trong 10 ngày mở chiến dịch bắc Tây Nguyên, đến ngày 7/2/1954, ta giải phóng hoàn toàn tỉnh Kon Tum. Chiến thắng này đã làm bất ngờ không chỉ cho quân đội Pháp mà ngay cả với những người lãnh đạo quân đội ta như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông điện vào hỏi tướng Nguyễn Chánh: “Liệu có thật không?”. Tướng Chánh đáp: “Tôi và bộ chỉ huy chiến dịch đang ở thị xã Kon Tum và chuẩn bị tiến đánh Gia Lai đây!”.

Chỗ yếu nhất của Pháp ở Tây Nguyên là Kon Tum đã bị ta chiếm khiến mục tiêu “đánh nhanh trong vòng một tuần sẽ chiếm Phú Yên” bị kéo dài đến 55 ngày nhưng quân Pháp vẫn không làm gì được. Vùng tự do Liên Khu 5 vẫn giữ vững.

Trước khi về Pháp, tướng De Beaufort - viên tướng phụ trách toàn bộ chiến trường Tây Nguyên, có đề nghị với tướng Giáp là cho ông gặp người chỉ huy của Việt Minh ở Liên Khu 5 - người đã làm ông “mất ăn mất ngủ” suốt 9 năm qua. Đại tướng Giáp đã đáp ứng yêu cầu của viên tướng Pháp. Tướng De Beaufort thật sự bất ngờ khi giáp mặt với vị tướng đã làm cho ông điêu đứng ấy lại là một người còn quá trẻ, lại bạch diện thư sinh- tướng Nguyễn Chánh! “Nếu không có lệnh đình chiến, chắc tôi cũng bị các ông bắt sống ở Buôn Mê Thuột rồi”, tướng De Beaufort thú nhận với tướng Nguyễn Chánh.

Phối hợp nhịp nhàng giữa mặt trận Điện Biên và Liên Khu 5

Trước tình cảnh Kon Tum bị mất vào tay Việt Minh và Gia Lai đang bị đe dọa, để gỡ thế bí, ngày 12/3/1954, tướng Navarre liều mạng cho quân đánh chiếm Quy Nhơn - Diêu Trì (Bình Định). Thế nhưng ngay ngày hôm sau, 13/3/1954, ta mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, tiêu diệt cứ điểm Him Lam (14/3) và Độc Lập (15/3), thắt chặt vòng vây ở Điện Biên khiến thực dân Pháp vô cùng lung túng. Navarre vội vã cho rút quân khỏi Diêu Trì - Quy Nhơn để lên tàu đang đợi ngoài biển và điều động 2 tiểu đoàn dù ra Bắc chi viện cho Điện Biên Phủ.

Vậy là, chiến dịch Atlante bị chặn đứng hoàn toàn, đẩy Pháp vào thế chống đỡ bị động. Không chỉ không chiếm được các tỉnh phía Nam để rút ra Bắc như kế hoạch ban đầu mà quân đội Pháp bị quân dân Liên khu 5 giáng cho một đòn chí mạng. Chưa có chiến dịch nào mà sự phối hợp giữa 2 chiến trường Điện Biên Phủ và Liên Khu 5 lại “ăn ý” đến như thế.

Nên nhớ rằng, bấy giờ phương tiện liên lạc vô cùng lạc hậu nên việc chỉ đạo từ Trung ương là không thể diễn ra hàng ngày, thậm chí hàng tuần mà do lãnh đạo của Liên Khu 5 hoàn toàn tự quyết. Không có một nhãn quan chiến lược quân sự đầy nhạy cảm như tướng Nguyễn Chánh thì không thể có sự “ăn ý” kỳ lạ đến như thế.

Chưa hết, ngày 1/5/1954, lúc chiến dịch Điện Biên Phủ đang vào hồi khốc liệt nhất thì ở Liên Khu 5, Tư lệnh Nguyễn Chánh cho thành lập thêm một trung đoàn chủ lực - trung đoàn 96 nhằm tăng cường lực lượng đủ sức tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên và tỉnh Khánh Hòa nếu thời cơ thuận lợi. Đến ngày 7/5/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi, Tập đoàn cứ điểm hùng mạnh của Pháp ở Điện Biên bị tiêu diệt hoàn toàn, song Navarre vẫn ngoan cố chỉ đạo cho quân đội Pháp ở các chiến trường, nhất là ở Liên Khu 5, tiếp tục chiến đấu.

Binh đoàn G100 của Pháp ở An Khê với 250 xe quân sự đang quay đầu hướng về Pleiku - nơi quân ta đã bao vây từ nhiều hướng. Hay tin này, Tư lệnh Nguyễn Chánh ra lệnh cho Trung đoàn 96 phục kích đón lõng ở Đắc Pơ trên đường 19. Khi đoàn xe của Pháp lọt vào ổ phục kích, các chiến sĩ của ta đã xông ra, bịt kín hai đầu, đánh một trận “để đời” khiến cho quân Pháp kinh hồn bạt vía! Toàn bộ binh đoàn xe cơ giới hùng mạnh nhất của quân đội Pháp đã bị tiêu diệt hoàn toàn.

Tỉnh Gia Lai đã được giải phóng, quân ta đang tiến về Buôn Mê Thuột với khí thế tiến công hừng hực thì nhận được điện của Trung ương là có lệnh đình chiến! Cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ và gian khổ của quân và dân Liên Khu 5 kết thúc ở đó.

TRẦN ĐĂNG

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202405/lien-khu-5-chia-lua-voi-dien-bien-phu-32511b7/