Liên Khương thành sân bay quốc tế, nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư vào Lâm Đồng

Liên Khương trở thành sân bay quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên. Nhiều doanh nghiệp cam kết rót vốn đầu tư sau khi tỉnh Lâm Đồng công bố quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sân bay quốc tế đầu tiên ở Tây Nguyên

Sáng 23.6, tại sân bay Liên Khương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn đã chính thức trao quyết định công bố cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế. Sự kiện này đánh dấu một bước phát triển mới cho ngành giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng và khu vực Tây Nguyên.

Màn phun nước chào đón chuyến bay đầu tiên từ Hàn Quốc đến Liên Khương

Màn phun nước chào đón chuyến bay đầu tiên từ Hàn Quốc đến Liên Khương

Theo quy hoạch, đến năm 2030, cảng hàng không Liên Khương sẽ được mở rộng diện tích lên gần 487ha, đón 5 triệu khách/năm. Sân bay sẽ tiếp nhận các chuyến bay quốc tế từ các nước trong khu vực và các nước châu Á khác.

Việc cảng hàng không Liên Khương trở thành cảng hàng không quốc tế hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích cho du lịch Đà Lạt và Tây Nguyên. Du khách quốc tế sẽ dễ dàng di chuyển đến Đà Lạt và các tỉnh Tây Nguyên hơn, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch địa phương.

Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để thu hút thêm các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, góp phần tạo việc làm cho người dân địa phương.

Sân bay Liên Khương được khởi công xây dựng vào năm 1933 và từng là sân bay quốc tế lớn thứ 2 ở miền Nam vào thời điểm năm 1961. Sau nhiều lần nâng cấp và mở rộng, sân bay Liên Khương hiện nay đạt tiêu chuẩn cấp 4C và sân bay quân sự cấp 2.

Đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đến nay hệ thống cơ sở hạ tầng, vùng trời sân bay, đường bay, phương thức bay, quy trình hàng không phục vụ khai thác các chuyến bay quốc tế đã được hoàn tất, phê chuẩn.

Tính đến thời điểm hiện tại, Jeju Air là hãng hàng không nước ngoài duy nhất có chuyến bay thường lệ đến Đà Lạt. Đại diện hãng hàng không Jeju Air cho biết hiện hãng khai thác chuyến bay từ Jeju đến Đà Lạt hằng ngày, với tổng số 14 chuyến bay đi và đến, vận chuyển hơn 2.000 khách/tuần.

Nhà ga sân bay Liên Khương

Nhà ga sân bay Liên Khương

Ông Nguyễn Ngọc Phúc - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhìn nhận: "Việc cảng hàng không Liên Khương được chuyển thành cảng hàng không quốc tế đánh dấu mốc quan trọng và là động lực quan trọng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, đặc biệt là du lịch Đà Lạt sẽ được nâng lên tầm cao mới, một trung tâm du lịch quốc gia Việt Nam nổi tiếng được nối liền đường bay thẳng đến các quốc gia trên thế giới".

Lâm Đồng công bố quy hoạch, nhiều doanh nghiệp cam kết đầu tư

Cũng trong sáng nay, UBND tỉnh Lâm Đồng đã công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, thời kỳ 2021-2030, tỉnh Lâm Đồng sẽ trở thành tỉnh phát triển khá toàn diện; xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận thành trung tâm du lịch chất lượng cao mang tầm khu vực Đông Nam Á.

Cụ thể, Lâm Đồng sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, tăng năng suất, đổi mới, sáng tạo; tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ; cơ cấu lại ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phấn đấu đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 170 triệu đồng/người...

Mục tiêu đến năm 2050, tỉnh Lâm Đồng đạt các tiêu chuẩn để trở thành thành phố trực thuộc trung ương hiện đại, có bản sắc, xanh, thông minh và đáng sống.

Về quy hoạch hệ thống đô thị, định hướng phát triển các đô thị gắn với động lực của từng vùng theo hướng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hình thành hệ thống đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đảm bảo kết nối giữa các đô thị trong tỉnh với các đô thị trong vùng; gắn phát triển đô thị với xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu đến năm 2030, hệ thống đô thị của tỉnh gồm 17 đô thị, trong đó 1 đô thị loại 1, 1 đô thị loại 2, 3 đô thị loại 3, 5 đô thị loại 4 và 7 đô thị loại 5.

Tầm nhìn đến năm 2050, Lâm Đồng trở thành thành phố trực thuộc trung ương gồm 3 quận (Đà Lạt, Bảo Lộc, Đức Trọng), 3 thị xã, 3 huyện.

Trong đó, khu vực nội thành gồm: thành phố Đà Lạt mở rộng (thành phố Đà Lạt hiện hữu và huyện Lạc Dương) và 5 xã, thị trấn thuộc huyện Lâm Hà (thị trấn Nam Ban, các xã Nam Hà, Gia Lâm, Đông Thanh, Mê Linh); thành phố Bảo Lộc mở rộng (thành phố Bảo Lộc hiện hữu và 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm: Lộc An, Lộc Nam, Lộc Thành, Tân Lạc, Lộc Tân); huyện Đức Trọng.

Khu vực ngoại thành gồm 3 thị xã Lâm Hà, Đơn Dương, Di Linh và 3 huyện gồm Đam Rông, Bảo Lâm, Đạ Huoai (huyện Đạ Huoai do 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên sáp nhập).

Tại chương trình công bố quy hoạch, 12 nhà đầu tư đã tiếp nhận quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Tổng vốn các nhà đầu tư công bố sẽ đầu tư vào Lâm Đồng là hơn 125.000 tỉ đồng (hơn 5 tỉ USD).

Nguồn vốn dự kiến sẽ rót vào hạ tầng cơ bản, du lịch, nông nghiệp và bất động sản. Những doanh nghiệp công bố mức đầu tư lớn như: Tập đoàn Bắc Á, Tập đoàn Phương Trang, Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam...

Tại lễ công bố, tỉnh Lâm Đồng cũng kêu gọi đầu tư vào hơn 100 dự án trọng điểm trên toàn tỉnh.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/lien-khuong-thanh-san-bay-quoc-te-nhieu-doanh-nghiep-cam-ket-dau-tu-vao-lam-dong-218714.html