Liên minh cầm quyền Đức chia rẽ về vấn đề duy trì vũ khí hạt nhân của Mỹ

Ngày 3/5, nhiều nhân vật cấp cao của đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trong liên minh cầm quyền Chính phủ Đức đã phát động chiến dịch kêu gọi rút vũ khí hạt nhân của Mỹ khỏi quốc gia châu Âu này.

Ông Rolf Mützenich, Chủ tịch đảng đoàn SPD tại Quốc hội Đức. (Nguồn: AFP)

Trả lời phỏng vấn báo Tagesspiegel, ông Rolf Mützenich, Chủ tịch đảng đoàn SPD trong Quốc hội nêu rõ: "Vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Đức không giúp tăng cường an ninh của chúng tôi mà chỉ có tác dụng ngược lại. Đã đến lúc bác bỏ việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức trong tương lai".

Quan điểm của ông Mützenich cũng được đồng Chủ tịch SPD Norbert Walter-Borjans ủng hộ. Ông Walter-Borjans nhấn mạnh quan điểm rõ ràng phản đối việc triển khai vũ khí hạt nhân ở Đức và kế hoạch mua máy bay ném bom mới có khả năng mang theo bom hạt nhân của Bộ Quốc phòng.

Theo ông Walter-Borjans, kế hoạch này sẽ phá hỏng chính sách an ninh thời hậu chiến của Đức được xây dựng quanh chiếc ô hạt nhân của Mỹ.

Tuy nhiên, quan điểm của SPD đã vấp phải ý kiến trái chiều từ các thành viên thuộc liên đảng cầm quyền Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) của Thủ tướng Angela Merkel.

Phó Chủ tịch đảng đoàn liên đảng bảo thủ CDU/CSU Johann Wadephul yêu cầu Ngoại trưởng Heiko Maas (thuộc SPD) lên tiếng phản đối quan điểm của ông Mützenich, đồng thời tái khẳng định, quan điểm của CDU/CSU tiếp tục duy trì vũ khí hạt nhân của Mỹ ở Đức.

Ông Wadephul nhấn mạnh, quan điểm trên đã được nêu rõ trong thỏa thuận liên minh cầm quyền Chính phủ Đức và không thể được đưa ra đàm phán.

Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đề nghị mua 90 máy bay Eurofighter của Airbus và 45 chiếc F-18 của Boeing để thay thế cho phi đội Tornado đã lỗi thời. Những chiếc F-18 này có thể được trang bị vũ khí hạt nhân, trong khi các máy bay của Airbus không được thiết kế để làm nhiệm vụ đó.

Kế hoạch chống vũ khí hạt nhân ở Đức của SPD được đưa ra trong bối cảnh Berlin đang muốn thay thế phi đội tiêm kích cơ Tornado có thể được trang bị vũ khí hạt nhân trong lực lượng răn đe của NATO.

Ước tính, Mỹ có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân được triển khai ở Bỉ, Hà Lan, Italy và căn cứ không quân Büchel ở Đức.

Thế Việt

(theo AFP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lien-minh-cam-quyen-duc-chia-re-ve-van-de-duy-tri-vu-khi-hat-nhan-cua-my-114919.html