Liên minh châu Âu chia rẽ về chính sách ngoại giao khí hậu
Các nước EU chủ yếu tranh luận về việc khí hydro sẽ được sản xuất từ năng lượng hạt nhân hay năng lượng tái tạo và tranh cãi này đã 'phủ bóng đen' lên các cuộc đàm phán về các mục tiêu mới cảu EU.
Ngày 20/2, giới chức Liên minh châu Âu (EU) cho biết các quốc gia của khối đã không thông qua được kết luận về chính sách ngoại giao khí hậu do bất đồng ngày càng sâu sắc về vấn đề sử dụng năng lượng hạt nhân trong quá trình chuyển đổi xanh.
Đây là diễn biến mới nhất trong tranh cãi giữa Pháp và các quốc gia EU muốn khối tăng cường các chính sách thúc đẩy năng lượng hạt nhân để cắt giảm khí thải. Trong khi đó, một số nước như Đức và Tây Ban Nha cho rằng việc thúc đẩy năng lượng hạt nhân có thể làm suy giảm những nỗ lực thúc đẩy năng lượng tái tạo.
Phát biểu sau cuộc họp của các Ngoại trưởng EU, Đại diện cấp cao EU phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết hiện vẫn còn một số trở ngại, nhưng ông hy vọng trong vài ngày tới các nước sẽ chấp thuận văn bản cuối cùng của kết luận về chính sách khí hậu.
Văn kiện này sẽ đề ra những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của EU trước thềm Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc vào tháng 11 năm nay.
Các nước EU đã nhất trí phần lớn nội dung của kết luận về chính sách khí hậu, trong đó có các kế hoạch kêu gọi một cam kết toàn cầu nhằm loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch trước Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên hợp quốc. Hiện các nước chủ yếu tranh luận về việc khí hydro sẽ được sản xuất từ năng lượng hạt nhân hay năng lượng tái tạo.
Tranh cãi này đã "phủ bóng đen" lên các cuộc đàm phán về các mục tiêu mới của EU liên quan năng lượng tái tạo, cũng như dự án đường ống dẫn khí hydro trị giá hàng tỷ euro.
Một số quan chức EU lo ngại tranh cãi này cũng có thể làm ảnh hưởng tới các chính sách năng lượng xanh khác, và làm trì hoãn việc thông qua các luật cần thiết để đáp ứng mục tiêu khí hậu của khối.
Pháp, quốc gia có 70% điện năng từ năng lượng hạt nhân, cùng với các quốc gia khác như Hungary và Cộng hòa Séc, mong muốn thúc đẩy năng lượng hạt nhân, chẳng hạn như việc thúc đẩy hydro dựa trên hạt nhân được tính vào các mục tiêu năng lượng tái tạo của EU.
Mặt khác, Đức - quốc gia đang loại bỏ dần các lò phản ứng hạt nhân, cùng với Tây Ban Nha, cho rằng không nên đặt năng lượng hạt nhân ngang hàng với các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và năng lượng mặt trời./.