Liên minh châu Âu đạt mục tiêu tiêm chủng cho 70% người trưởng thành
Nhân viên an ninh kiểm tra chứng nhận COVID-19 của khách tham quan tại Rome, Italy. Ảnh: AFP/TTXVN
Ngày 31/8, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết 70% người trưởng thành ở Liên minh châu Âu (EU) đã được tiêm đủ liều vắc xin ngừa COVID-19, đạt mục tiêu mà liên minh này đặt ra vào đầu năm nay.
Điều này có nghĩa là ít nhất 255 triệu người ở EU đã được tiêm hai liều vắc xin của Pfizer/BioNTech, hoặc AstraZeneca, hoặc Moderna hoặc một liều của Johnson & Johnson.
Tháng 1 vừa qua, EC tuyên bố vào mùa hè năm nay, các nước thành viên EU cần phải tiêm chủng cho ít nhất 70% người dân trưởng thành của mình. Điều này có nghĩa là mỗi quốc gia trong số 27 nước thành viên EU cần phải đạt được mục tiêu này trước tháng 9.
Việc đạt được mục tiêu trên là một cột mốc quan trọng trong chiến lược tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 của EU sau khi khởi đầu một cách chậm chạp.
Tuy nhiên, dù đạt được mục tiêu chung nhưng chiến dịch tiêm chủng tại EU vẫn bộc lộ những điểm khác biệt lớn giữa các quốc gia thành viên, trong đó một số nước đã vượt chỉ tiêu tiêm chủng, trong khi những nước nghèo hơn ở khu vực phía Đông lại có tỉ lệ thấp hơn nhiều.
Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), Malta hiện đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn 90% người trưởng thành. Tỉ lệ này ở Ireland và Bồ Đào Nha là hơn 80%, Pháp - hơn 70%.
Trong khi đó, ở khu vực phía đông, Bulgaria mới chỉ tiêm chủng đầy đủ cho 20% người trưởng thành, Romania - 30%. Tại Croatia, Latvia, Slovenia và Slovakia, có khoảng 50% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đầy đủ.
Trên mạng xã hội Twitter, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh EU cần tiếp tục thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng và cũng cần hỗ trợ phần còn lại của thế giới trong công tác này.
Trong khi đó, ngày 31/8, tình hình dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại khu vực Đông Nam Á, đặc biệt Singapore ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao nhất trong sáu tuần qua với 156 ca mắc COVID-19.
Singapore là một trong những nước có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới với 80% dân số nước này đã được tiêm phòng đầy đủ tính tới ngày 29/8. Những tiến bộ mà Singapore đạt được trong công tác tiêm chủng trái ngược với phần lớn các nước láng giềng của nước này, vốn có tỉ lệ tiêm chủng thấp trong khi phải chật vật đối phó với số ca mắc gia tăng do biến thể Delta.
Cùng ngày, Trung tâm Xử lý tình hình dịch COVID-19 của Thái Lan (CCSA) thông báo nước này ghi nhận thêm 14.666 ca mắc mới và 190 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh ở nước này lên 1.204.729 ca và 11.589 ca tử vong. Đến nay, gần 11% trong tổng số 69 triệu dân của nước này đã được tiêm chủng đầy đủ. Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 70% dân số vào cuối năm nay.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này thông báo có thêm 13.827 ca mắc mới COVID-19 và 118 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca bệnh lên 1.989.857 ca và 33.448 ca tử vong. Với khoảng 110 triệu dân, Philippines đã tiến hành xét nghiệm cho trên 17,5 triệu người kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này vào tháng 1/2020.
Phóng viên TTXVN tại Phnom Penh dẫn hãng thông tấn quốc gia Campuchia (AKP) ngày 31/8 đưa tin, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã chỉ đạo Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này thảo luận với lãnh đạo các tỉnh, thành phố về việc mở cửa trở lại trường học ở các khu vực không có rủi ro lây nhiễm COVID-19 sau khi đại dịch phần nào được kiểm soát.
Trong thông điệp sáng 31/8, ông Hun Sen đề nghị Bộ trưởng Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron thảo luận với các tỉnh trưởng và đô trưởng, kiểm tra khả năng mở cửa lại trường học (tiểu học và trung học) ở khu vực nông thôn không có rủi ro lây nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, cần phải thực hiện nghiêm các quy định phòng dịch.
Ông Hun Sen nhấn mạnh cần có cách xử lý linh hoạt tùy thuộc vào tình hình thực tế ở mỗi địa phương. Ở khu vực đô thị, nơi có tỉ lệ lây nhiễm thấp và người dân đã được tiêm phòng, có thể tiến hành học cả trực tuyến và trên lớp với việc đảm bảo giãn cách.
Thủ tướng Campuchia đồng thời thể hiện sự lạc quan về sự hồi phục kinh tế-xã hội, đặc biệt ở Phnom Penh và tỉnh Kandal bên cạnh – nơi đã đạt được miễn dịch cộng đồng nhờ tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19.
Trong khi đó, ngày 31/8, Israel ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất với gần 10.947 ca, vượt kỷ lục trước đây là 10.118 ca vào ngày 18/1. Nước này cũng ghi nhận thêm 53 ca tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 7.043 ca trong tổng số 1.066.352 ca mắc ở nước này.
Mặc dù số ca mắc mới cao, song Israel vẫn tiếp tục triển khai kế hoạch mở cửa lại hệ thống trường học vào ngày 1/9. Đến nay, số người ở Israel đã tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 là 5,97 triệu người, chiếm 64% dân số 9,3 triệu người, trong khi 5,48 triệu người đã tiêm hai mũi và gần 2,16 triệu người đã tiêm mũi vắc xin thứ ba.
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)