Liên minh châu Âu đối mặt vấn đề già hóa dân số do tỷ lệ sinh thấp

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân khẩu học (CED) cho biết châu Âu là một trong những khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất trên thế giới trong khi tỷ lệ sinh thấp, theo đó độ tuổi trung bình tăng.

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Dữ liệu của Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat) cho thấy độ tuổi trung bình của dân số châu Âu đã tăng 2,5 tuổi trong thập kỷ qua.

Bồ Đào Nha ghi nhận độ tuổi trung bình tăng cao nhất với 4,7 tuổi, sau đó là Tây Ban Nha tăng 4,3 tuổi.

Theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu nhân khẩu học (CED) ở Barcelona, ông Albert Esteve, mặc dù một nửa dân số châu Âu hiện nay ở độ tuổi trên 44,4, song vấn đề chính gây lo ngại là tỷ lệ sinh thấp.

Ông Esteve nhấn mạnh châu Âu là một trong những khu vực người dân có tuổi thọ cao nhất trên thế giới trong khi tỷ lệ sinh thấp, theo đó độ tuổi trung bình tăng.

Số liệu của Eurostat cho thấy Italy là nước có độ tuổi trung bình cao nhất (48 tuổi), sau đó là Bồ Đào Nha (46,8), Hy Lạp (46,1), Đức (45,8) và Croatia (45,5). Tại Tây Ban Nha, khoảng 50% dân số trên 45 tuổi.

Theo ông Esteve, nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ sinh thấp là do người châu Âu ở độ tuổi 30 (độ tuổi thích hợp để sinh con) gặp nhiều bất ổn so với các quốc gia khác có sự trợ giúp của chính phủ hoặc thị trường lao động tốt.

Ông cho rằng cần phải có các cơ chế để tăng cường hỗ trợ người dân ở châu Âu độc lập khỏi cha mẹ sớm hơn và có thể tự ổn định kinh tế trong độ tuổi từ 29-39, theo đó sẽ khuyến khích nhiều cặp vợ chồng sinh con hơn.

Bất chấp sự không chắc chắn về tương lai của các quốc gia có xu hướng già hóa dân số, ông Esteve nhận định "xã hội sẽ tự điều chỉnh và thích nghi với tình hình mới"./.

Linh Tô (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-doi-mat-van-de-gia-hoa-dan-so-do-ty-le-sinh-thap/852449.vnp