Liên minh châu Âu quan ngại về việc ngày càng phải nhập khí đốt từ Nga

Các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã thảo luận về tình trạng khối này ngày càng tăng lượng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Nga, cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng Ukraine.

Trong cuộc họp của các bộ trưởng năng lượng EU tại Luxembourg vào ngày 15/10, bà Tinne van der Straeten, Bộ trưởng Năng lượng Bỉ cho biết: "Chúng tôi đã chứng kiến khối lượng LNG tăng gấp đôi tại Bỉ. Có lẽ chúng được dùng để đảm bảo nguồn cung trong phạm vi châu Âu... nên chúng tôi kêu gọi một hệ thống theo dõi".

Vào tháng 6, EU đã nhất trí gói trừng phạt thứ 14 bao gồm lệnh cấm vận chuyển khí đốt của Nga kể từ tháng 3 năm sau nhưng không đưa ra lệnh cấm hoàn toàn. Kể từ đó, Bỉ và Hà Lan đã chứng kiến lượng nhập khẩu tăng mạnh.

 Các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Biển Baltic. Ảnh: Reuters

Các đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 ở Biển Baltic. Ảnh: Reuters

Trong một lá thư hôm 14/10, Pháp và 9 quốc gia khác đã yêu cầu Ủy ban châu Âu đề xuất để các công ty lưu trữ và nhà cung cấp có nghĩa vụ báo cáo chặt chẽ hơn về LNG của Nga.

"Bỉ sẽ nộp đơn, chúng tôi sẽ ủng hộ sáng kiến cấm và theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động nhập khẩu LNG từ Nga", Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu Phần Lan Kai Mykkanen phát biểu với các phóng viên trước cuộc họp.

Ngay sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, EU đã tuyên bố nỗ lực loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga "càng sớm càng tốt" mà không nêu rõ ngày cụ thể.

Sau khi đường ống Nord Stream dùng để vận chuyển khí đốt Nga đến châu Âu bị phá hủy vào năm 2022, lượng khí LNG nhập khẩu của Nga vào EU đã tăng lên, trong khi khí đốt vẫn được vận chuyển qua Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Âu.

Hợp đồng giữa Ukraine và Nga về việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 tới.

Tại cuộc họp, các Bộ trưởng của EU cũng xem xét các cách thực tế để giúp Ukraine vượt qua mùa đông. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết tình trạng thiếu hụt điện vào mùa đông của Ukraine có thể lên tới 6 gigawatt (GW), trầm trọng hơn do thỏa thuận đường ống dẫn khí đốt của Nga chấm dứt.

Ba Lan cho biết họ đang đàm phán với các công ty truyền tải của Ukraine để tăng xuất khẩu, trong khi Lithuania đã tháo dỡ một nhà máy điện đang được xây dựng lại ở Ukraine.

Giá khí đốt và điện ở châu Âu cao hơn ở Mỹ và những nơi khác, và chúng thay đổi đáng kể trên khắp khối. Vào tháng 9, Thủ tướng Hy Lạp đã yêu cầu EU phản ứng khẩn cấp với giá điện tăng cao ở Trung và Đông Âu.

Ngọc Ánh (theo Reuters)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-minh-chau-au-quan-ngai-ve-viec-ngay-cang-phai-nhap-khi-dot-tu-nga-post316951.html