Liên minh châu Phi và lộ trình hòa bình cho Sudan

Liên minh châu Phi (AU) cho biết, đã thông qua lộ trình giải quyết xung đột ở Sudan hướng tới việc ngừng bắn ở quốc gia châu Phi trong cuộc họp cấp Chính phủ và nguyên thủ quốc gia của Hội đồng An ninh và hòa bình AU mới đây.

Lộ trình 6 điểm

Theo Tân hoa xã, lộ trình vạch ra 6 điểm quan trọng. Đó là: thiết lập cơ chế điều phối để bảo đảm mọi nỗ lực của các bên tham gia khu vực và quốc tế được hài hòa và hiệu quả; chấm dứt chiến sự ngay lập tức, vĩnh viễn và toàn diện; ứng phó nhân đạo hiệu quả; bảo vệ dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự; vai trò chiến lược của các nước láng giềng và khu vực; nối lại quá trình chuyển tiếp chính trị đáng tin cậy và toàn diện, có tính đến vai trò đóng góp của tất cả các chủ thể chính trị và xã hội Sudan, cũng như các bên ký kết Thỏa thuận hòa bình Juba, hướng tới xây dựng Chính phủ dân chủ do dân sự lãnh đạo.

Vai trò hòa giải quan trọng của Liên minh châu Phi ở Sudan. Nguồn: Getty images

Vai trò hòa giải quan trọng của Liên minh châu Phi ở Sudan. Nguồn: Getty images

Cuộc họp trên nhấn mạnh tầm quan trọng hàng đầu của một tiến trình hòa bình duy nhất, toàn diện và hợp nhất cho Sudan, được điều phối dưới sự bảo trợ chung của AU, Cơ quan liên Chính phủ về phát triển (IGAD), Liên đoàn các quốc gia Ảrập và Liên Hợp Quốc, cùng với các đối tác có liên quan.

Theo AU, không có giải pháp quân sự bền vững nào cho cuộc xung đột là khả thi, vì chỉ có đối thoại và hòa giải thực sự mới có lợi cho Sudan và toàn bộ khu vực Sừng châu Phi. Thực tế, Sudan phải chứng kiến các cuộc đụng độ vũ trang khốc liệt giữa Lực lượng vũ trang Sudan SAF và Lực lượng bán quân sự RSF ở Thủ đô Khartoum và nhiều khu vực khác kể từ ngày 15.4, với việc hai bên cáo buộc nhau khơi mào xung đột. Với quan ngại sâu sắc, AU lên án mạnh mẽ cuộc xung đột vô nghĩa và phi lý đang diễn ra đó, gây ra tình huống nhân đạo thảm khốc chưa từng có, giết hại thường dân vô tội, phá hủy cơ sở hạ tầng bừa bãi, trong đó có cả các cơ sở của cơ quan đại diện ngoại giao, vi phạm trắng trợn Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao, Luật Nhân đạo quốc tế và Luật Nhân quyền quốc tế.

Theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, kể từ khi các cuộc đụng độ xảy ra, số dân thường thiệt mạng tăng lên 863 người, với 3.531 người bị thương. Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc gần đây cho biết, hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn kể từ khi xung đột xảy ra.

Vì sao AU đóng vai trò hòa giải ở Sudan?

Các câu hỏi về bên hòa giải trong một cuộc xung đột, và khi nào, luôn rất quan trọng. Bởi bên hòa giải phải hội tụ được nhiều yếu tố từ lòng tin, nhận thức về thực tế khu vực cũng như hiểu biết sâu sắc về tính phức tạp chính trị. Theo Conversation, quy trình hòa giải do AU lãnh đạo sẽ hứa hẹn về một thỏa thuận hòa bình tốt đẹp và ổn định hơn so với quy trình hòa giải không phải của châu Phi.

Hiện nay, các bên tham chiến trong cuộc xung đột đang thể hiện sự cởi mở đối với AU. Tư lệnh quân đội Sudan, Tướng Abdel Fattah al-Burhan, từng cử một nhóm đại biểu đến Hội đồng An ninh và hòa bình của AU vào tháng 2.2023. Nhóm này đã vận động hành lang để dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Sudan. Năm 2019, AU đình chỉ Sudan tham gia vào các hoạt động của họ cho đến khi nước này thành lập được Chính phủ dân sự.

Việc AU kiềm chế không tham gia vào cuộc xung đột, khiến liên minh trở thành nhà đàm phán trung lập phù hợp. Ngoài ra, AU đang nghiên cứu nhiều biện pháp để bảo đảm Sudan quay trở lại quá trình chuyển tiếp sang chế độ dân chủ và dân sự. Thực sự, các nhà quan sát quốc tế đã chỉ ra 3 lý do AU nên làm trung gian hòa giải chính. Trước hết, AU được các bên tham chiến ở Sudan tin tưởng sau khi hòa giải thành công vào năm 2019. Can thiệp này phù hợp với chính sách của liên minh nhằm cung cấp “các giải pháp của châu Phi cho các vấn đề của châu Phi”. Chính sách trên cộng hưởng với 55 quốc gia thành viên của liên minh. Nó từng được áp dụng ở Ethiopia vào tháng 11.2022 khi AU giúp đàm phán về thỏa thuận ngừng chiến giữa Chính phủ của Thủ tướng Abiy Ahmed và Mặt trận Giải phóng nhân dân Tigray.

Thứ hai, thực tế khu vực, động lực và lợi ích của các nước láng giềng của Sudan đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết xung đột. Chẳng hạn như Chad, nơi Sudan có chung đường biên giới dài 1.403km. Chad vừa mới nổi lên sau nhiều thập kỷ xung đột kéo dài. Nước này chia sẻ mối quan hệ lịch sử, kinh tế, văn hóa và tôn giáo mạnh mẽ với Sudan, dù mối quan hệ hai bên đang căng thẳng.

Lực lượng nổi dậy Sudan trước đây đã tấn công Sudan từ nơi ẩn náu trong lãnh thổ của Chad. Ngược lại, lực lượng nổi dậy Chad làm điều tương tự với Chad từ lãnh thổ của Sudan. Cả hai quốc gia đều cáo buộc nhau phát động các cuộc tấn công ủy nhiệm thông qua các nhóm nổi dậy tương ứng. Điều đó dẫn đến các cuộc đụng độ giữa quân đội của cả hai dọc theo biên giới chung trong quá khứ, gây căng thẳng cho sự ổn định. Hậu quả của cuộc xung đột ở Sudan vượt ra ngoài Chad. Vì vậy, 7 quốc gia láng giềng của Sudan luôn quan tâm đến ổn định của nước này. Không ai muốn đối phó với dòng người tị nạn Sudan quá đông khi tình hình đang dần biến thành cuộc khủng hoảng nhân đạo. Thực tế, chiến tranh tại một quốc gia dễ gây ra dòng người xuyên biên giới, từ đó đe dọa ổn định khu vực.

Những mối đe dọa này được AU nhận thức hơn ai hết và có khả năng giải quyết tốt nhất. Bởi nhiều khi các nhà hòa giải từ bên ngoài châu Phi hoặc không nhận thức được, hoặc bỏ qua, những yếu tố châu Phi nhạy cảm này đối với xung đột.

Thứ ba, theo các nhà quan sát, chỉ những bên hòa giải đã từng tham gia giúp đất nước giải quyết căng thẳng trước đây mới có thể giúp cả hai bên hạ nhiệt. Xung đột vũ trang ở Sudan giữa SAF và RSF là không thể tránh khỏi do bất ổn đã tồn tại từ trước. Quân đội sau đó thành lập hội đồng quân sự chuyển tiếp, song người dân Sudan yêu cầu chế độ dân sự. AU khi ấy làm trung gian hòa giải giữa các đại diện quân sự và dân sự, giúp thành lập Hội đồng Chủ quyền chuyển tiếp chia sẻ quyền lực trong 3 năm vào năm 2019. Tuy nhiên, cuộc đảo chính năm 2021 đã hủy bỏ thỏa thuận trên, dẫn đến bế tắc chính trị và các cuộc biểu tình của người dân. AU hiểu bối cảnh này, và với tư cách là cơ quan xuyên lục địa có tính hợp pháp, thẩm quyền đối với các quốc gia thành viên, liên minh sẽ có tiếng nói thích hợp mà cả hai bên xung đột lắng nghe.

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lien-minh-chau-phi-va-lo-trinh-hoa-binh-cho-sudan-i330735/