Liên minh 'ma quỷ' của 'trùm' sách giả hoạt động như thế nào?
Là người điều hành 'công ty sách giả', Nguyễn Tiến Đạt ít khi xuất hiện tại kho hay xưởng sản xuất, mà chủ yếu ở nhà cũng chính là nơi chốt đơn bán sách giả.
Xử lý sách giả bán online trên mạng... khó!
Như tin An ninh Thủ đô đã đưa, Cơ quan An ninh điều tra CATP Hà Nội vừa khởi tố Nguyễn Tiến Đạt (SN 1993) trú tại khu đô thị Nam Trung Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội; Phan Thành Long (SN 1999) trú tại khu 15 xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và Đinh Văn Thịnh (SN 1993) trú tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai về tội Sản xuất, buôn bán hàng giả.
Thượng tá Nguyễn Tiến Thắng, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ CATP Hà Nội thông tin, thực hiện chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP, tập trung triển khai cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ an toàn Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, đơn vị đã phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra, Công an các quận, huyện dày công trinh sát, triệt xóa cả đường dây hoạt động với quy mô lớn, thủ đoạn tinh vi.
Hiện nay, hoạt động phát hành sách giả online rất phức tạp, cả về quy mô và thủ đoạn của các đối tượng. Để truy vết được các trang fanpage trên mạng bán sách giả là không dễ dàng và chưa đơn vị nào phát hiện, triệt xóa được đường dây mua bán sách giả trên mạng.
Để ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn bán sách giả, Bộ Công an, CATP Hà Nội và các Đội liên ngành phòng chống in lậu Trung ương và Hà Nội đã có nhiều chỉ đạo sát sao, tập trung trinh sát phát hiện, làm rõ toàn bộ quy mô, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng, trên cơ sở đó triển khai đấu tranh xử lý nghiêm với hành vi gian lận đặc biệt nghiêm trọng này.
Sau gần 2 tháng trinh sát, bám địa bàn, các điều tra viên của Phòng An ninh chính trị nội bộ, Cơ quan An ninh điều tra đã xâu chuỗi được mối liên hệ giữa các kho, xưởng sản xuất, nơi chốt đơn đều chung một điểm là đặt dưới sự điều hành của Nguyễn Tiến Đạt, Phan Thành Long. Cơ quan An ninh điều tra đã ra lệnh khám xét khẩn cấp 8 địa điểm tại các huyện Quốc Oai, Thạch Thất và quận Cầu Giấy.
Trực tiếp Thượng tá Trần Văn Dũng - Phó Thủ trưởng Cơ quan An ninh điều tra; Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ đã đến hiện trường, khám xét 6 địa điểm sản xuất, tiêu thụ sách giả thu giữ khoảng 100 tấn sách với hơn 400 đầu sách và gần 400.000 cuốn; 2 máy in 4 màu và 1 màu, 37 máy photocopy, 6 máy cắt, 10 máy bìa, 1 máy ra kẽm, 2 hệ thống cắt gập (2 máy gấp, 2 máy cán) và 200 bản kẽm.
Lợi nhuận 'khủng' của việc buôn bán sách giả
Tài liệu của cơ quan công an thể hiện năm 2018, Nguyễn Tiến Đạt mở cửa hàng bán sách cũ tại địa chỉ 676 đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội. Quá trình buôn bán sách cũ thấy nhu cầu của khách hàng nhiều mà nguồn sách thì không có, nên tháng 10-2020 Đạt nảy sinh ra ý định thuê kho xưởng, mua máy móc về để sản xuất, đóng gói sách giả để bán cho khách hàng có nhu cầu.
Đạt rủ Phan Thành Long là cháu họ của Đạt và Đinh Văn Thịnh trú tại xã Ngọc Liệp, huyện Quốc Oai góp vốn cùng làm. Long chịu trách nhiệm quản lý công việc tại xưởng in, photocopy. Đạt chịu trách nhiệm điều hành mọi hoạt động sản xuất, mua bán. Còn Thịnh do không có tiền nên được thuê quản lý xưởng photocopy cùng Long, hưởng lương 9 triệu đồng/ tháng.
Để sản xuất, buôn bán sách giả ban đầu Đạt và Long đã thuê 2 kho xưởng tại làng Phú Đô, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội và đầu tư máy móc để sản xuất sách giả.
Tuy nhiên do dịch Covid-19 nên chưa đi vào hoạt động. Sau đó đến tháng 4/2021 Đạt, Long chuyển kho xưởng đến 6 địa điểm thuộc huyện Quốc Oai, Thạch Thất để phục vụ việc sản xuất, đóng gói.
Để phục vụ cho việc sản xuất, đóng gói, mua bán sách giả Đạt và Long đã đầu tư mua số lượng lớn máy photocopy, máy in, máy cắt, máy vào bìa với số tiền gần 2 tỷ đồng và thuê khoảng 20 nhân viên trả lương tháng từ 6-7 triệu đồng/ người (hoặc trả công khoảng 200.000 đồng/ ngày) để phục vụ việc sản xuất, buôn bán sách giả. Nhóm Đạt sử dụng xe tải để vận chuyển sách từ xưởng in ấn, photocoppy đến các kho hàng.
Theo Thượng tá Ngô Xuân Hải, đây là thủ đoạn gây khó khăn cho cơ quan điều tra. Đạt và Long thuê nhiều kho, đặt địa điểm sản xuất ở vùng ngoại thành để cơ quan công an khó đánh giá về mối liên quan giữa các kho hay xưởng sản xuất. Đáng chú ý, các đối tượng thường thuê kho tại những địa điểm có nhiều lối ra vào và sách thường được vận chuyển đến kho hàng, điểm đóng gói vào ban đêm, lúc rạng sáng để tránh bị phát hiện.
Tại cơ quan công an, Đạt khai nhận, sau khi nhân viên livestream trên mạng xã hội như: Facebook, Tiktok, khách hàng đặt mua sách, nhân viên nhận đơn hàng sử dụng phần mềm quản lý bán hàng mang tên nhasachquangminh.kiotviet.vn để quản lý việc bán sách và thông báo đến xưởng để sản xuất đóng gói sách theo đơn hàng. Sau đó, sách sẽ được chuyển phát nhanh đến cho khách thông qua các đơn vị chuyển phát nhanh hoặc khách hàng tự đặt vận chuyển qua app, tự đến nhận sách tại các kho hoặc cửa hàng Xưa và Nay.
Việc thanh toán được khách chuyển tiền mặt qua shipper hoặc chuyển khoản vào tài khoản ngân hàng của Đạt, vợ Đạt. Ngoài ra, Đạt chuyển sách giả ra cửa hàng sách Xưa và Nay tại địa chỉ 676 đường Láng, quận Đống Đa, TP Hà Nội để bày bán. Cửa hàng sách này do ông Đào Văn Phú là bố vợ Đạt làm chủ. Mỗi ngày Đạt bán được khoảng 300-400 đơn hàng với số lượng từ 300 đến 600 quyển sách với tổng giá trị tiền hàng từ 50 triệu đồng 70 triệu đồng.