Liên ngành: Asanzo không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam
Sáng nay, các bộ ngành đã họp vụ Asanzo, 4 vi phạm ban đầu của Asanzo và những đơn vị có liên quan được chỉ rõ.
Sáng 28/10, tại trụ sở Tổng cục Hải Quan, Bộ Tài chính - cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 Quốc gia đã tổ chức cuộc họp liên ngành với các bộ, ngành có liên quan như Bộ KHCN, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… về kết quả kiểm tra, xác minh về vụ việc liên quan đến CTCP Tập đoàn Asanzo.
Vi phạm liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Theo kết quả kiểm tra, khám xét đối với các lô hàng nhập khẩu mang nhãn hiệu ASANZO, kiểm tra 14 container khai báo hàng hóa nhập khẩu mang nhãn hiệu Asanzo (Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phương Nguyên ASANZO và Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt Tài) xác định hàng hóa nhập khẩu gồm: Máy làm mát, lò nướng thủy tinh, lò nướng điện nguyên chiếc; xuất xứ: MADE IN CHINA, thể hiện trên bao bì (dán trực tiếp trên thùng carton và trên sản phẩm chữ MADE IN CHINA bằng giấy đề can, nền trắng, chữ đen, dán phía sau máy.
Kết quả giám định tại Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ xác định dấu hiệu “Asanzo và hình” gắn trên sản phẩm và bao bì máy làm mát là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Asano và hình” được bảo hộ theo giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 107919 của Công ty TNHH TM và sản xuất Đông Phương đang được bảo hộ có hiệu lực đến ngày 1/8/2027.
Hành vi nhập khẩu máy làm mát mang nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc vào Việt Nam của Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên ASANZO đã vi phạm khoản b, c của Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ.
Kết quả xác minh cho thấy địa chỉ đăng ký kinh doanh của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt Tài tại 392/9 Ung Văn Khiêm, Phường 25, Quận Bình Thạnh, TP Hồ Chí Minh là nhà trọ cho người dân thuê ở và không có bất kỳ công ty nào đăng ký hoạt động kinh doanh tại đây.
Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên ASANZO nhập khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu ASANZO từ Trung Quốc về Việt Nam là hành vi nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo.
Về việc sử dụng nhãn hiệu ASANZO và các nội dung khác liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, Bản án số 01/2019/KDTM-PT ngày 09/01/2019 của TAND cấp cao tại TP HCM đã tuyên xử “buộc Công ty Cổ phần Đầu tư Sanzo phải chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” dán trên giao diện trang web có địa chỉ http://asanzo.com.vn, biển hiệu, xe tải và các sản phẩm điện tử, điện lạnh, tivi đang lưu hành; xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm trên tại lãnh thổ Việt Nam.
Tuy nhiên, Công ty CP Điện tử Asanzo vẫn ký hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu “Asanzo, hình” cho Công ty CP Tập đoàn ASANZO trên các sản phẩm và chưa xóa bỏ nhãn hiệu đã dán trên toàn bộ sản phẩm trên đang lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam là không chấp hành bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, vi phạm các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Cụ thể, Công ty CP điện tử Asanzo Việt Nam vẫn ký 7 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu Asanzo cho các đối tác từ 9/1-30/3/2019 gồm: Công ty CP tập đoàn ASANZO 156.044.409.636đồng; Công ty TNHH Điện lạnh ASANZO 42.067.841.009 đồng, Công ty TNHH đầu tư sản xuất Phương Nguyên ASANZO 12.784.434.300 đồng và Công ty CP đầu tư ASANZO 98.423 .685 .579 đồng.
Cáo buộc lừa dối người tiêu dùng
Ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, Tập đoàn Asanzo chỉ có 12 dãy bàn, mỗi bàn chỉ vừa một chiếc TV, Asanzon có 8 máy tính, 8 người làm việc, lắp ráp thủ công. “Bàn vừa lắp TV, điều hòa. Lắp TV cần 12 người trong 20 phút và đóng nhãn hiệu xuất xứ Việt Nam và xuất bán cho 19 công ty khác”, đại diện Tổng cục Hải quan nói.
Về quy trình lắp điều hòa, trước 5/2018 (sau thời điểm này Asanzo không trực tiếp lắp ráp điều hòa) quy trình gồm: Lắp dàn lạnh và dán nóng, lắp sườn, lắp bo mạch với nhau để hoàn thiện và thời gian lắp chỉ 30 phút.
Các sản phẩm khác như ấm siêu tốc cũng có quy trình tương tự là lắp bộ phận có sẵn, lắp đế nguồn, đèn cảnh báo, dán tem. “Nên nói có công nghệ Nhật Bản là không đúng thực tế”, đại diện Tổng cục Hải quan khẳng định.
Rõ hơn, Tổng cục Hải quan cho biết, Asanzo cho biết có ký hợp đồng ngày 24/1/2017 với Sharp – Roxy Hongkong để chuyển giao công nghệ. Nhưng theo điều tra, từ hồi ký kết công ty Asanzo chưa thanh toán lần nào cho đối tác. Và đại diện Sharp Việt Nam cũng khẳng định Sharp – Roxy Hongkong không có thật và hợp đồng là giả mạo vì từ cuối 2016 liên doanh Sharp – Roxy - Hongkong không còn tồn tại. “Còn chữ ký và con dấu thì từ 2017 con dấu không còn hiệu lực, chữ ký thì chúng tôi không xác định được người ký”, ông Thành thông tin.
“Qua xác minh của cơ quan Hải quan với đối tác nước ngoài cũng có kết quả tương tự. Căn cứ công văn 2294 ngày 31/7/2019 của Bộ KHCN cung cấp thông tin tài liệu liên quan quy trình lắp ráp thì nội dung đỉnh cao công nghệ Nhật Bản Bộ KHCN nói cũng không nhận được hồ sơ đăng ký này của Asanzo Việt Nam”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói.
Vi phạm về xuất xứ hàng hóa
Đối với hàng xuất khẩu, cơ quan Hải quan xác định, 661 chiếc TV các loại và bộ phận đi kèm xuất khẩu nếu chiếu theo quy định của Luật Quản lý ngoại thương thì công đoạn hình thành nên sản phẩm của Asanzo không cần công nghệ kỹ thuật cao mà chỉ là lắp ráp thủ công, giá trị gia tăng không cao, tỷ lệ nguyên vật liệu chính chiếm 98-99% giá trị. “Như vậy TV xuất khẩu chỉ lắp ráp đơn giản, không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam. Có dấu hiệu giả mạo xuất xứ hàng xuất khẩu”, ông Mai Xuân Thành nói.
Còn đối với hàng trong nước, Asanzo không sản xuất mà nhập linh kiện mua từ các công ty trong nước để lắp thành sản phẩm. “Linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc và nước khác và sau đó ghi xuất xứ Việt Nam.
Hành vi trốn thuế
Cục Thuế TP.Hồ Chí Minh vừa ra Quyết định 3731/QĐ-CT-TT-CHS chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo, mã số thuế: 0314074316, địa chỉ: Phòng 903, tầng 9, Tòa nhà Flemington Tower, 182 Lê Đại hành, quận 11, TP Hồ Chí Minh đến Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC-03) - Công an TP. HCM để truy cứu trách nhiệm hình sự.
Các vi phạm được xác định ban đầu gồm: Khai thuế VAT không đúng quy định; Kê khai chi phí được trừ không đúng quy định; Không xuất hóa đơn; Không nộp tờ khai thuế TTĐB; Ghi đầu vào của mặt hàng điều hòa không đúng thực tế.
Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng ra Quyết định truy thu và phạt thuế với Asanzo về hành vi ghi sai hóa đơn đầu vào với mức phạt 47 tỷ đồng.
Tổng cục Hải quan đã đề nghị các bộ ngành có liên quan chưa gửi ý kiến về cho Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính phải nhanh chóng gửi về trong ngày hôm nay và ngày mai để Tổng cục Hải quan tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.