Liên ngành về an toàn thực phẩm Gia Lai triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Chiều 26-7, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm (ATTP) tỉnh Gia Lai tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo ATTP 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023. Hội nghị được kết nối đến điểm cầu 17 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh.
Tại điểm cầu Sở Y tế, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh, ông Đoàn Ngọc Có- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, toàn tỉnh hiện có trên 116.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Trong đó, ngành Y tế quản lý 5.087 cơ sở, ngành Công thương quản lý 7.212 cơ sở, ngành Nông nghiệp và PTNT quản lý 104.336 cơ sở. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh đã cấp mới 312 Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập 377 đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành. Theo đó, đã kiểm tra 4.418 lượt cơ sở, vi phạm 324 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 84 cơ sở với tổng số tiền xử phạt gần 203 triệu đồng.
Các cơ quan: Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Sở Y tế), Sở Nông nghiệp và PTNT, Lực lượng Quản lý Thị trường, Lực lượng Cảnh sát Môi trường toàn tỉnh đã triển khai thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt và đột xuất khi có sự chỉ đạo của cấp trên hoặc phản ánh của người dân. Cụ thể, Chi cục ATTP trực thuộc Sở Y tế đã thanh tra 28 đơn vị, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 9 cơ sở với số tiền 40 triệu đồng; Lực lượng Cảnh sát Môi trường xử phạt hành chính 20 vụ vi phạm ATTP, tịch thu 348 kg thực phẩm là sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Cục Quản lý thị trường kiểm tra 200 vụ, xử phạt 58 vụ với tổng số tiền trên 133 triệu đồng.
6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 2 vụ và 1 ca ngộ độc thực phẩm đều do ăn thịt và trứng cóc với 8 người bị ngộ độc thực phẩm, 8 người đi viện và 2 người tử vong. So với cùng kỳ năm trước, giảm 1 vụ, giảm 29 người bị ngộ độc thực phẩm, nhưng số người tử vong tăng 1 người.
Tại hội nghị, đại diện Ban Chỉ đạo về ATTP các huyện Mang Yang, Đức Cơ, Chư Pưh đã phát biểu tham luận về thực trạng ngộ độc thịt cóc tại địa phương trong thời gian vừa qua, đồng thời đưa ra những giải pháp phòng ngừa ngộ độc tại địa phương trong thời gian tới. Các huyện Chư Prông, Ia Grai, Ia Pa, Chư Păh báo cáo về thực trạng cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo ATTP đối với các cơ sở sản xuất có sản phẩm thực phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao, 4 sao; đồng thời đề ra những giải pháp triển khai thực hiện Chương trình OCOP theo hướng nâng cao, sâu rộng và đồng bộ… Đại diện các sở, ban, ngành là thành viên Ban Chỉ đạo cũng có những ý kiến, đề xuất nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh và đề ra các giải pháp nhằm đạt hiệu quả trong công tác này trong thời gian tới.
Kết luận tại hội nghị, ông Lý Minh Thái-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đánh giá 6 tháng đầu năm 2023, các ngành, các cấp; Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã quan tâm, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm ATTP và đạt được những kết quả đáng ghi nhận, tạo chuyển biến tích cực… Tuy nhiên, công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh còn những tồn tại, hạn chế như: Một số địa phương, nhất là ở cấp xã vẫn chưa thực sự quan tâm triển khai thực hiện công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn; Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã đã được kiện toàn, tuy nhiên nhiều nơi hoạt động hiệu quả chưa cao; ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra ,đặc biệt là ngộ độc thực phẩm do ăn thực phẩm có sẵn độc tố tự nhiên,…
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh đề nghị các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương; các thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP các cấp tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về ATTP. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm ATTP; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về ATTP theo chỉ đạo và quy định của Trung ương; tiếp tục tăng cường thông tin và truyền thông về ATTP để người dân hiểu và tự phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe. Tập trung tuyên truyền cho đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi thói quen trong chế biến và sử dụng thực phẩm, đặc biệt không bắt, hái các thực phẩm có sẵn độc tố làm thực phẩm.
Chú trọng công tác kiểm tra, hậu kiểm và giám sát về ATTP, kiểm tra đảm bảo ATTP trong dịp tết Trung thu năm 2023 và giám sát ATTP trong các sự kiện lớn diễn ra trên địa bàn. Qua đó, phát hiện và xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm, công khai cơ sở vi phạm ATTP trên phương tiện truyền thông để người dân biết; các cấp, ngành tiếp tục tăng cường công tác quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm, nhất là các mặt hàng nông, lâm, thủy sản; tăng cường kiểm dịch thú y.
Tiếp tục duy trì và xây dựng các mô hình điểm ATTP, xây dựng vùng sản xuất, chuỗi sản xuất an toàn; tăng cường quản lý các nhãn hiệu, thương hiệu đã xây dựng, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho người dân, các tổ chức, cá nhân xây dựng sản phẩm an toàn, chất lượng. Tiếp tục rà soát, tuân thủ phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền. Các cấp, ngành chủ động xây dựng kế hoạch kinh phí cho hoạt động đảm bảo ATTP năm 2024 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm thực hiện công tác ATTP trên địa bàn theo thẩm quyền quản lý…