Liên quân 3 nước Ả rập tiến vào Dải Gaza làm gì?

Israel đang thúc đẩy kế hoạch thành lập lực lượng quân sự của 3 quốc gia Ả rập, nhằm đảm bảo cung cấp viện trợ cho người dân ở dải Gaza của Palestine.

Viện trợ nhân đạo của Anh được thả xuống Gaza từ máy bay RAF A400M ngày 25/3/2024

Viện trợ nhân đạo của Anh được thả xuống Gaza từ máy bay RAF A400M ngày 25/3/2024

Sự cấp thiết của viện trợ nhân đạo cho Gaza

Israel đang thúc đẩy việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế để bảo vệ Dải Gaza và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo tại đây, nhiều cơ quan truyền thông Do Thái đồng loạt đưa tin vào tối ngày 28/3, cho thấy có khả năng xảy ra một vụ “rò rỉ thông tin” được dàn dựng.

Các báo cáo từ giới truyền thông Israel cho biết, Tel Aviv đã nhất trí và đang nỗ lực thúc đẩy việc xây dựng một lực lượng hòa bình được đề xuất biên chế bởi quân đội từ 3 quốc gia Ả Rập giấu tên đang có quan hệ tốt với Israel, có nhiệm vụ bảo vệ các đoàn xe viện trợ khỏi bị cướp bóc.

Các nhóm viện trợ cho biết, toàn bộ Gaza đang sa lầy trong một cuộc khủng hoảng nhân đạo, trong đó tình hình ở phía bắc phần lớn bị cô lập đang trở nên nghiêm trọng. Theo một số báo cáo, nhiều người trong số khoảng 300.000 người vẫn sống ở phía bắc Gaza đã phải ăn thức ăn gia súc để tồn tại.

Nhiệm vụ ban đầu của lực lượng quốc tế sẽ là bảo vệ các đoàn xe tải chở hàng viện trợ nhân đạo khỏi sự cướp bóc của những kẻ cực đoan ở Dải Gaza, cũng như bảo vệ bến tàu viện trợ do Mỹ xây dựng ngoài khơi Dải Gaza, dự kiến sẽ sẵn sàng trong khoảng một tháng.

Liên Hiệp Quốc cho biết, cứ sáu trẻ em dưới hai tuổi ở miền Bắc thì có một em bị suy dinh dưỡng cấp tính. Tổng cộng, khoảng 1,1 triệu người, chiếm khoảng một nửa dân số Palestine, được cho là đang phải trải qua “nạn đói thảm khốc”.

UAE và Ai Cập sẽ tham gia liên quân Ả rập?

Ban đầu, các đồng minh Ả Rập của Mỹ không sẵn sàng tham gia kế hoạch gìn giữ hòa bình này vì họ đã nhiều lần khẳng định rằng sẽ không tham gia quản lý Gaza sau chiến tranh, trừ khi đó là một phần của sáng kiến rộng lớn hơn bao gồm việc thành lập “Cơ quan quản lý Gaza” - con đường dẫn đến một nhà nước Palestine trong tương lai - điều mà chính phủ hiện tại kiên quyết bác bỏ.

Tuy nhiên, tất cả các báo cáo hôm 28/3 đều cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant đã thông báo cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu rằng ông đã đạt được tiến bộ về vấn đề này trong chuyến thăm Washington hồi đầu tuần.

Các báo cáo cho biết, ý tưởng này được chính quyền của ông Joe Biden ủng hộ. Lực lượng này có thể sẽ sớm được trang bị vũ khí để duy trì luật pháp và trật tự, đồng thời sẽ làm việc với những người Gaza không có liên hệ với Hamas, những nhân vật có liên hệ với Chính quyền Palestine.

Lực lượng gìn giữ hòa bình sẽ bao gồm quân đội từ ba quốc gia Ả Rập giấu tên khác nhau, nhưng không phải là đồng minh Saudi Arabia hay Qatar - quốc gia là người bảo trợ lâu năm của Hamas, một trong những trung gian hòa giải trong các cuộc đàm phán về con tin để đình chiến.

Một số báo cáo cho rằng, Ai Cập và UAE là hai trong số các quốc gia trong nhóm nòng cốt của liên quân Ả rập và quốc gia thứ ba cũng có hiệp ước hòa bình với Israel. Lực lượng này sẽ do Mỹ thống nhất quản lý, nhưng điều đặc biệt là không có lực lượng của Mỹ trực tiếp tham gia.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Ynet đưa tin, tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các quốc gia Ả Rập giấu tên là kết quả của các chuyến thăm của quan chức quốc phòng Israel tới các quốc gia đó và đàm phán với chính phủ Mỹ và CENTCOM (“Bộ Tư lệnh Chiến trường Trung tâm” của Mỹ).

Một báo cáo của Politico trong tuần này cho biết, Lầu Năm Góc đang sớm đàm phán về các kế hoạch tiềm năng nhằm tài trợ cho lực lượng gìn giữ hòa bình, nhưng theo tờ Haaretz của Israel, vẫn chưa đạt được thỏa thuận cụ thể nào về cách trang bị vũ khí cho lực lượng này.

Trong khi đó, Kênh 12 đưa tin ông Netanyahu ban đầu phản đối ý tưởng này, nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant cho rằng, đây là lựa chọn tốt nhất hiện có và cuối cùng, chính quyền Tel Aviv đã chấp thuận kế hoạch này.

Tuy nhiên, sự hỗ trợ của Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc Israel bắt đầu thực hiện kế hoạch tái thiết Gaza sau chiến tranh, chẳng hạn như kế hoạch “Ngày hôm sau” (“Day after”) của Gallant mà ông đã trình bày cách đây 3 tháng.

Kế hoạch này chưa nhận được sự ủng hộ từ liên minh, bởi nó đề xuất ý tưởng cho phép Israel duy trì toàn quyền kiểm soát quân sự đối với Gaza trong thời điểm hiện tại nhưng không có sự hiện diện dân sự ở đó, các vấn đề dân sự ở dải đất này sẽ do người Palestine không thù địch với Israel quản lý.

Hơn nữa, kế hoạch kêu gọi ổn định về an ninh ở Dải Gaza thời hậu chiến, với sự hỗ trợ từ lực lượng đa quốc gia.

Nguyễn Ngọc

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lien-quan-3-nuoc-a-rap-tien-vao-dai-gaza-lam-gi-post677392.html