Liên quan vụ ông Đỗ Hữu Ca: Cách thức 'trùm hóa đơn' điều hành 26 công ty, thu lời bất chính 41 tỷ đồng
Sáng nay (26/6), TAND cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử theo kháng cáo của ông Đỗ Hữu Ca trong vụ án mà ông Ca bị truy tố về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Đỗ Hữu Ca trình bày, không có ý thức chiếm đoạt 35 tỷ đồng của vợ chồng Trương Xuân Đước - chủ Công ty Cổ phần Khánh Dung.
Khi Trương Xuân Đước và vợ là Nguyễn Thị Ngọc Anh mang tiền đến nhà, ông Ca nghĩ đó là tiền để mang đi khắc phục hậu quả hành vi "Mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" của Đước.
Cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng cho rằng, Nguyễn Thị Ngọc Anh đã hiểu nhầm lời tư vấn của mình, coi đó là tiền mang đi chạy tội.
Ông Ca cũng tự nhận không làm công tác chuyên môn gần 20 năm, đã về hưu 5 năm, không cập nhật những quy định mới nên "tư duy pháp luật lỗi thời, lạc hậu, không hiểu được sự chuyển hóa của tội phạm". Đến nay, bị cáo đã nhận thức được hành vi của mình là "mặc nhiên chấp nhận ý chí chạy án" của vợ chồng Đước dù không đồng ý, không có ý thức chiếm đoạt. Bị cáo Đỗ Hữu Ca đề nghị TAND cấp cao xem xét bối cảnh và ý thức chủ quan, bị cáo không vụ lợi, không hưởng quyền lợi gì, không gian dối, không mê hoặc, lôi kéo, dụ dỗ để vợ chồng Đước mang tiền đến nhà mình. Bị cáo mong được khoan hồng để có điều kiện về nhà chữa bệnh, giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Theo hồ sơ vụ án, từ năm 2014-2021, Đước và Nguyễn Thị Ngọc Anh đã lập, quản lý điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng. Tháng 10/2022, biết tin Công an tỉnh Quảng Ninh điều tra về công ty, Đước bỏ trốn và dặn vợ đến gặp cựu Giám đốc Công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca (người có mối quan hệ thân thiết với Đước) để nhờ vả.
Tại nhà ông Ca, Ngọc Anh nhờ cựu Giám đốc Công an Hải Phòng "tìm hiểu, tác động chạy án" cho Đước, mọi chi phí sẽ chuẩn bị theo yêu cầu. Qua trao đổi, ông Ca biết doanh số bán hóa đơn VAT của công ty khoảng 200 tỷ đồng nên bảo Ngọc Anh phải chuẩn bị số tiền là 10% doanh thu cùng một số khoản "tiêu cực phí" khác để lo chạy tội.
Bị cáo Đỗ Hữu Ca mặc dù không có khả năng giúp vợ chồng Đước thoát việc bị xử lý tội mua bán hóa đơn trái phép, nhưng đã gian dối, hứa hẹn giúp được và nhận 35 tỷ đồng.
"Trùm hóa đơn" điều hành 26 công ty, thu lời bất chính 41 tỷ đồng thế nào?
Theo cáo trạng truy tố của Viện KSND tỉnh Quảng Ninh, vợ chồng Trương Xuân Đước (SN 1971) và Nguyễn Thị Ngọc Anh (SN 1975, cùng trú tại TP Hải Phòng) thành lập, quản lý, điều hành 26 công ty để mua bán trái phép hóa đơn.
Kết quả điều tra xác định, số lượng hóa đơn Đước và Ngọc Anh mua bán trái phép là 15.674 hóa đơn, thu lợi bất chính hơn 41 tỷ đồng.
Tháng 1/2005, Trương Xuân Đước thành lập Công ty Cổ phần Khánh Dung để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn kiếm lời.
Năm 2007, sau khi kết hôn với Nguyễn Thị Ngọc Anh, Đước cùng Ngọc Anh quản lý, điều hành công ty. Ngọc Anh là kế toán trưởng, quản lý bộ phận kế toán kê khai báo cáo thuế, hợp thức hóa hồ sơ và làm các thủ tục thành lập công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn.
Căn cứ lượng tiền ghi trên hóa đơn bán ra, hàng tháng, Đước mua hóa đơn trái phép của Bùi Huy Hợp (SN 1972, trú xã An Đồng, An Dương, Hải Phòng) và các cá nhân, đơn vị khác để sử dụng kê khai báo cáo thuế đầu vào cho Công ty Khánh Dung. Hóa đơn được mua với giá 5 – 6% giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Khoảng năm 2018, nghe tin Hợp bị Công an Hải Phòng bắt, Đước thấy rủi ro, dễ bị lực lượng chức năng phát hiện khi mua hóa đơn của các cá nhân, công ty nên vợ chồng Đước hạn chế hình thức này. Mặt khác, hai vợ chồng "trùm hóa đơn" thành lập mới các công ty làm nguồn hóa đơn đầu vào, sử dụng để kê khai báo cáo thuế cho các công ty Đước bán hóa đơn trái phép.
Từ năm 2005 đến khi bị bắt giữ, vợ chồng Trương Xuân Đước thành lập 26 công ty để hoạt động mua bán trái phép hóa đơn. Trong đó, Đước đứng danh giám đốc 11 công ty.
Theo lời khai của Đước và Ngọc Anh, giá bán hóa đơn không cố định, lên xuống tùy từng thời điểm nhưng luôn bán cao hơn so với mua vào là 1% giá trị hàng hóa dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa tính thuế VAT).
Quá trình điều tra cũng chỉ rõ, việc quản lý, điều hành các công ty hoạt động mua bán trái phép hóa đơn của vợ chồng Đước trong thời gian dài không bị phát hiện, xử lý. Trong khi đó, tội mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước là tội phạm nghiêm trọng, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là 10 năm. Do đó, đối với các hóa đơn hai bị can này mua bán trái phép trong thời gian từ tháng 2/2013 trở về trước đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vì vậy, hai bị can chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự 15.674 hóa đơn mua bán trái phép (là số hóa đơn phát sinh từ 2/2013 về sau). Tổng số tiền hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn bán ra là hơn 6 nghìn tỷ đồng và hai vợ chồng này thu lời bất chính trên 41 tỷ đồng.
Ngày 3/2/2023, Trương Xuân Đước bị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn. Ngày 7/2/2023, Ngọc Anh bị Cơ quan điều tra bắt giữ về hành vi mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước.