Liên tiếp án mạng vì tình, chuyên gia chỉ ra nguyên nhân thúc đẩy tội ác

Chuyên gia tâm lý Lê Ngọc Bảo đánh giá, kẻ gây án thường bị cảm xúc cá nhân chi phối dẫn đến hạn chế về mặt nhận thức. Điều này phản ánh sự khủng hoảng về các giá trị sống cũng như kiến thức và ý thức về pháp luật.

Trong khi dư luận chưa hết bàng hoàng về vụ án nghi phạm 19 tuổi sát hại bạn gái cũ và chém "tình địch" trọng thương ngày 24/10 ở Bắc Ninh thì ngày 27/10 tại Quảng Ninh lại xảy ra vụ nam thanh niên 28 tuổi dùng búa đập vào đầu bạn gái khiến nạn nhân nguy kịch.

Đây là 2 trong số rất nhiều vụ án xảy ra xuất phát từ chuyện yêu đương, mâu thuẫn tình cảm khiến các hung thủ chọn hướng giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực.

Chuyên gia tâm lý Lê Ngọc Bảo đánh giá, kẻ gây án thường bị cảm xúc cá nhân chi phối dẫn đến hạn chế về mặt nhận thức. Điều này phản ánh sự khủng hoảng về các giá trị sống cũng như kiến thức và ý thức về pháp luật. Những vụ án trên đã gây hoang mang, lo lắng trong dư luận, để lại nhiều hậu quả tiêu cực và cần sự lên án mạnh mẽ của cộng đồng.

Ông Bảo phân tích, những thanh thiếu niên sống trong gia đình bất hòa, thường xuyên chứng kiến cảnh bạo lực cũng sẽ bị ảnh hưởng đến tâm lý và nhân cách, bế tắc trong cách giải quyết mâu thuẫn và cũng sẽ lựa chọn bạo lực làm cách giải quyết mâu thuẫn trong cuộc sống...

Hiện chưa có thống kê chính thức về nhân thân của người phạm tội trong các vụ án liên quan đến quan hệ tình cảm, tuy nhiên, qua các thông tin về tội phạm học cho thấy đa phần các vụ án liên quan đến tình ái nằm trong độ tuổi từ 18 đến 35.

Hiện trường vụ truy sát, chém đôi nam nữ thương vong ở Bắc Ninh.

Hiện trường vụ truy sát, chém đôi nam nữ thương vong ở Bắc Ninh.

Khi ghen, người ta sẽ dễ dàng bị chuyển đổi từ trạng thái tâm lý giận dữ sang hành động bạo lực mù quáng. Người ta không nghĩ yêu nhau đến thế, có lúc lại xuống tay sát hại chính người mình yêu. Nhưng sự nhất mực yêu thương, nhất mực bế tắc người ta cũng có thể dẫn đến thù hận mạnh mẽ, thúc đẩy tội ác.

Nhiều người không tiền án, tiền sự nhưng ra tay tàn ác, điều này cho thấy tâm lý bất ổn, thiếu cân bằng và đáng báo động. Thay vì phải định hướng lại, kiên trì để giải quyết vấn đề thì nhiều người lại tìm cách sống vội vàng, dẫn đến hành vi nhẫn tâm với đồng loại.

Giới trẻ cũng dễ dàng tiếp nhận văn hóa ngoại lai, văn hóa phẩm độc hại, trò chơi bạo lực và hình thành thói quen sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong đời thường.

Theo chuyên gia Lê Ngọc Bảo, để đấu tranh có hiệu quả, hạn chế loại tội phạm này, quan trọng là phải đẩy mạnh giáo dục đạo đức và tuyên truyền pháp luật cho mọi đối tượng. Cái ác xuất phát từ tâm, tâm ác dẫn đến hành vi thủ ác. Cái ác sẽ không có chỗ đứng nếu con người định hướng cho mình lối sống nhân văn.

Thành Long

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lien-tiep-an-mang-vi-tinh-chuyen-gia-chi-ra-nguyen-nhan-thuc-day-toi-ac-16922102710273132.htm