Liên tiếp cháy chợ khiến nhiều gia đình lao đao vì trắng tay
Chỉ trong thời gian ngắn, hàng loạt vụ cháy chợ nghiêm trong xảy ra khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Vào ngày 23-9, một vụ cháy lớn xảy ra tại chợ Tó (huyện Đông Anh, Hà Nội) thiêu rụi hàng chục kiốt. Trước đó, nhiều sự cố đáng tiếc tương tự đã xảy ra, khiến các gia đình lao đao trong cảnh mất người thân, bị thiêu rụi tài sản. Bởi vậy, câu chuyện phòng cháy chưa bao giờ là cũ.
Liên tiếp vụ cháy chợ bùng lên trên địa bàn nước ta
Khoảng 7h15 ngày 23-9 tại chợ Tó (số 333, xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh) bốc cháy, sau ít phút ngọn lửa đã lan sang nhiều gian hàng bên cạnh.
Được biết, lúc đầu chỉ thấy khói đen nên mọi người gọi nhau đi tìm đồ để dập nhưng không hiệu quả. Sau đó, các tiểu thương chuyển sang hỗ trợ mấy sạp hàng bên cạnh chạy đồ vì sợ cháy lan.
Đến nay, đã có ít nhất 76 sạp hàng thuộc khu vực bán giầy dép, mũ nón tại chợ Tó bị thiêu rụi. Ước tính diện tích bị cháy khoảng 776m2.
Ngay sau khi nhận được thông tin, cảnh sát PCCC huyện Đông Anh đã huy động 7 xe chữa cháy và hàng chục chiến sĩ tới hiện trường dập lửa. Đến hơn 8h, ngọn lửa được khống chế hoàn toàn.
Thống kê ban đầu cho thấy, vụ cháy không gây thương vong về người. Thiệt hại về tài sản đang được cơ quan chức năng tiếp tục thống kê.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh Nguyễn Văn Thiềng, có khoảng 60 hộ tiểu thương bị ảnh hưởng bởi vụ cháy. Hiện, cùng với công tác khắc phục hậu quả vụ cháy, thống kê thiệt hại, huyện sẽ lên phương án hỗ trợ cho các hộ tiểu thương bị ảnh hưởng.
Không lâu trước đó, ngày 25-8, chợ biên giới Hòa Bình (thuộc ấp Thành Tây, xã Thành Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) cũng bị cháy gần như hoàn toàn, ước tính thiệt hại gần 2 tỷ đồng.
Sáng 26-8, chính quyền địa phương thống kê có tổng cộng 15/18 gian hàng trong chợ bị ảnh hưởng, trong đó có 13 gian hàng bị cháy hoàn toàn, 2 gian hàng bị cháy một phần, ước thiệt hại khoảng gần 2 tỷ đồng, không có thiệt hại về người.
Nhìn lại năm 2018, TP Hưng Yên đã ghi nhận vụ cháy lớn vào tối ngày 25-7 tại chợ Gạo thuộc phường An Tảo. Ngọn lửa bùng lên bắt đầu từ nhà máy nhựa rồi nhanh chóng lan sang chợ Gạo.
Ông Doãn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP Hưng Yên cho biết, cơ quan chức năng xác định không có thương vong về người, song thiệt hại tài sản lên tới hàng chục tỷ đồng.
Cụ thể, thiệt hại tại nhà máy nhựa là gần 600m2 khu nhà xưởng, với trên 70 tấn nhựa thành phẩm và khoảng 65 tấn hạt nhựa, 2 xe chuyên dụng, một số máy móc thiết bị của Công ty Cổ phần nhựa Bắc Á đã bị lửa thiêu rụi. Tại chợ Gạo, gần như toàn bộ 3.000m2 với hơn 120 gian hàng khu kinh doanh quần áo, vải may mặc, giầy dép, đồ trang sức và hơn 80 sạp hàng của khu bán thực phẩm thành tro tàn. Ngoài ra, toàn bộ mái tôn và hệ thống khung thép cũng bị đổ sập.
Nghiêm trọng nhất trong các vụ cháy chợ đã ghi nhận gần đây ở nước ta là đám cháy lớn xảy ra tại chợ Chà Là (xã Trần Phán, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau).
Ngày 6-2-2018, nhiều tiểu thương tại chợ Chà Là bất ngờ phát hiện đám cháy phát ra từ nhà anh Trà Thái Hoàng (35 tuổi, hành nghề kinh doanh kim khí điện máy), sau đó lan ra xung quanh.
Vụ cháy đã khiến anh Hoàng và vợ (là chị Dương Ngọc Trân, 32 tuổi) tử vong. Tại hiện trường, 4 căn nhà tại chợ Chà Là bị thiêu rụi hoàn toàn, ước tính thiệt hại 4,8 tỷ đồng.
Phải làm gì khi ngọn lửa lại bùng cháy thêm lần nữa?
Trong 1 năm trở lại đây, các vụ cháy chợ trên địa bàn cả nước đã để lại nhiều mất mát lớn. Thương tích do cháy nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho con người. Hàng năm các bệnh viện phải tiếp nhận hàng trăm ca thương tích do hỏa hoạn gây ra, có những ca tử vong hay nguy hiểm tới tính mạnh là không ít.
Giải thích nguyên nhân con số các đám cháy tăng nhanh, Thiếu tướng Đỗ Ngọc Cẩn, Hiệu trưởng ĐH PCCC cho hay, do nhiều chợ, TTTM đã xuống cấp trầm trọng, không đảm bảo các tiêu chuẩn quy định PCCC. Một số nơi, hệ thống nước chữa cháy không đủ áp lực, tiểu thương tự ý lắp đặt, kéo thêm đường dây, đấu lắp thêm các thiết bị tiêu thụ khác làm tăng thêm phụ tải…
Bên cạnh đó, công tác PCCC tại các chợ còn gặp khó khăn như: rất ít cơ sở đáp ứng được đường giao thông xung quanh chợ, đảm bảo cho các phương tiện xe chữa cháy hoạt động được khi có cháy, nổ. Nhiều chợ còn được sử dụng là nơi ở sinh sống của các gia đình, thêm nữa là sự quá tải số lượng các hộ kinh doanh so với thiết kế ban đầu. Nguy hiểm hơn nữa là vi phạm các quy định an toàn PCCC trong sử dụng điện.
Đứng trước những thách thức đó, để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ đã đề xuất một số giải pháp. Một trong số đó là, UBND các địa phương khi phê duyệt các đề án quy hoạch phát triển KTXH, gồm cả phát triển mạng lưới chợ, TTTM phải đồng bộ với quy hoạch xây dựng các khu dân cư, các công trình giao thông, điện, cấp thoát nước và các công trình công cộng khác.
Điều đáng nói, hiện có không ít đơn vị vẫn chưa ý thức tới công tác PCCC. Vì thế, khi xảy ra sự cố hỏa hoạn, mức độ thiệt hại về người và của rất nghiêm trọng.
Ngọn lửa có thể bùng lên bất cứ lúc nào, gieo vào mỗi người dân một nỗi sợ vô hình. Không ai biết đươc đâu mới là vụ cháy cuối cùng, đến khi nào “nỗi sợ lửa” ấy mới biến mất. Chính vì thế, ngay từ bây giờ, người dân cần chuẩn bị đầy đủ kiến thức về PCCC để kịp thời đối phó trong mọi trường hợp khẩn cấp. Ngoài ra, mỗi đơn vị hay cá nhân phải tích cực phối hợp với các lực lượng phòng chữa cháy để giảm thiểu những mất mát mà ngọn lửa gây ra. Sự cố đáng tiếc sẽ giảm thiểu chỉ khi mỗi cá nhân nâng cao ý thức, có tinh thần trách nhiệm với chinh mình, với tập thể và cộng đồng.