Liên tiếp đuối nước thương tâm ở Thanh Hóa: Cảnh báo nguy cơ cao trong mùa hè

Chỉ trong vòng một tháng qua, liên tiếp các vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại Thanh Hóa đã cướp đi sinh mạng của nhiều học sinh, khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, xót xa.

Trong bối cảnh mùa hè đang đến gần, nguy cơ tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh có xu hướng gia tăng, đặt ra yêu cầu cấp thiết về các giải pháp phòng ngừa đồng bộ và hiệu quả từ gia đình, nhà trường đến chính quyền địa phương.

Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm

Vào khoảng 17 giờ ngày 12/4, một nhóm 7 học sinh lớp 10 và lớp 11 rủ nhau vào mỏ quặng Cromit ở xã Vân Sơn để đá bóng. Sau đó, các em rủ nhau xuống hồ tắm. Trong quá trình tắm, không may em Lê Anh T., là học sinh lớp 10 trường phổ thông Triệu Sơn và Nguyễn Văn D. học sinh lớp 11 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện bị chới với giữa hồ nước.

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân đuối nước ở Cẩm Thủy

Lực lượng chức năng tổ chức tìm kiếm các nạn nhân đuối nước ở Cẩm Thủy

Các học sinh đi cùng đã tìm cách cứu bạn nhưng không thành, dẫn đến tử vong. Các cơ quan, ban, ngành và chính quyền địa phương đã đến các gia đình thăm hỏi, động viên, sớm lấy lại tinh thần để ổn định cuộc sống.

Trước đó, chiều 27/3, hai em L.Đ.C. (SN 2013) và N.V.H. (SN 2012, đều là học sinh Trường THCS Cẩm Vân) cùng 2 bạn học sinh khác rủ nhau ra bãi đá ngoài bến sông Mã, đoạn thôn Tường Yên, xã Cẩm Vân tắm sông. Tuy nhiên sau đó, cả 2 em C. và H. không may bị mất tích.

Thi thể học sinh đuối nước được tìm thấy

Thi thể học sinh đuối nước được tìm thấy

Ngay sau khi nhận được tin báo, lực lượng chức năng đã điều động lực lượng, phương tiện đến hiện trường phối hợp chính quyền địa phương, người dân triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn.

Sau 2 ngày nỗ lực tìm kiếm, đến sáng 29/3, lực lượng cứu hộ đã lần lượt tìm thấy thi thể 2 học sinh tại khu vực sông Mã (thuộc địa phận xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy) và bàn gia cho gia đình lo hậu sự.

Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thăm, hỏi, chia buồn với gia đình

Các cơ quan, đoàn thể, chính quyền địa phương thăm, hỏi, chia buồn với gia đình

Lãnh đạo Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Thanh Hóa cùng chính quyền địa phương đã tới thăm hỏi, trao tiền hỗ trợ cho gia đình có con gặp nạn. Đồng thời đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, động viên, giúp đỡ các gia đình vượt qua khó khăn; đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, triển khai các giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống đuối nước.

Cần có giải pháp thiết thực

Theo đánh giá, tai nạn đuối nước ở trẻ em có nhiều nguyên nhân. Phần lớn chủ yếu do sự hiếu động, chưa được trang bị các kỹ năng cần thiết của trẻ, học sinh. Phụ huynh chủ quan, lơ là, chưa giám sát chặt chẽ con trẻ hoặc thiếu người trông coi, chăm sóc, để trẻ tự do đi lại, bên cạnh đó hệ thống sông, suối, ao, hồ, vũng nước… cũng là môi trường không an toàn cho trẻ nhỏ.

Nguy cơ đuối nước vào mùa hè ngày một tăng cao

Nguy cơ đuối nước vào mùa hè ngày một tăng cao

Trong nhà trường, các em thường phải căng mình ra học nhiều môn tri thức mà thiếu trang bị kỹ năng thích ứng, sinh tồn, nhất là bơi lội. Hầu hết hoạt động dạy bơi cho học sinh, trẻ em ở các địa phương, trường học chưa hiệu quả.

Các địa phương, thành phố lớn thì thiếu các cơ sở dạy bơi, hồ bơi đảm bảo, có người hướng dẫn. Trong khuôn viên trường học lại càng khó hơn bởi không có hồ bơi, không có giáo viên phụ trách. Ở khu vực phía bắc, mùa thu và mùa đông không thể triển khai dạy bơi, học bơi bởi yếu tố thời tiết. Do đó rất kén các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.

Thiếu các lớp dạy bơi, kỹ năng sống

Thiếu các lớp dạy bơi, kỹ năng sống

Chưa kể, có sự phân vùng giữa miền biển, đồng bằng, đô thị, nông thôn. Việc trang bị cho các em thanh thiếu nhi những kỹ năng ứng phó khi gặp sự cố, đặc biệt là các em học sinh ở nông thôn, điều kiện kinh tế khó khăn vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Cha, mẹ thường quá bận rộn mưu sinh mà giao con cái cho ông, bà già ở nhà trông coi. Điều này rất khó quản lý giờ giấc, hoạt động của các cháu. Chỉ khi xảy ra sự cố đáng tiếc, nước mắt tuôn rơi thì mọi thứ đã muộn.

Ao, hồ, sông ngay khu dân cư rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước

Ao, hồ, sông ngay khu dân cư rất dễ xảy ra tai nạn đuối nước

Mùa hè nắng nóng đã bắt đầu, học sinh sắp tới sẽ được nghỉ hè càng trở nên đáng lo hơn. Phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em không chỉ của riêng ai, mà nó là trách nhiệm của toàn xã hội, cần được triển khai với các giải pháp đồng bộ, có hiệu quả.

Các cơ quan, ban, ngành, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở con em về ý thức phòng, chống đuối nước. Mỗi người dân, gia đình cần thường xuyên nâng cao khả năng thích ứng, bơi lội của mình và các thành viên. Trong đó có chú ý tới tính đặc thù của mỗi khu vực.

Trong đó, cha mẹ phải là những người đi đầu trong việc giám sát, khuyên răn con cái mình không được tự ý ra sông, suối, ao, hồ, các công trường đang thi công tắm, bơi lội nhất là trong mùa hè. Để các em dần hình thành ý thức cảnh giác, chủ động tiếp cận các kỹ năng cần thiết.

Đối với nhà trường, các giáo viên chủ nhiệm nên nhắc nhở, giáo dục học sinh một cách trực quan, sinh động. Khi biết con em mình tự ý đi tắm, bơi lội ở sông, suối, ao, hồ... cha mẹ phải phối hợp với nhà trường đưa ra các hình thức xử lý cứng rắn.

Tại các sông, hồ, ao…chính quyền địa phương nên cắm biển cảnh báo biển cấm tại những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, hạn chế tối đa nhất những cái chết thương tâm, đau lòng đến với con trẻ.

Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi năm ở Thanh Hóa có hàng chục vụ tai nạn đuối nước đã cướp đi tính mạng của nhiều người, trong đó đa phần là trẻ em, học sinh.

Thanh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/lien-tiep-duoi-nuoc-thuong-tam-o-thanh-hoa-canh-bao-nguy-co-cao-trong-mua-he-475100.html