Liên tiếp gánh chịu những hiện tượng thời tiết cực đoan, thêm một vấn đề khiến Trung Quốc 'đau đầu'
Trung Quốc đang phải đối mặt với một loạt thử thách mới trước những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, cực đoan và dữ dội hơn.
Vào lúc 3h44 rạng sáng ngày 19/6, Tang Kaili - một chủ cửa hàng đồ gia dụng tại thành phố Quế Lâm, miền Nam Trung Quốc vẫn đang say giấc nồng thì một tin nhắn thông báo từ chính quyền thành phố xuất hiện trên màn hình điện thoại. Tin nhắn cảnh báo một hồ chứa nước ở thượng nguồn sẽ bắt đầu xả lũ vào lúc 5h và yêu cầu người dân di dời. Tang đã không để ý và ngủ quên mất.
Trong suốt một tuần, trời đổ mưa như trút tại Quế Lâm - một thành phố du lịch ở khu vực tự trị của dân tộc Choang ở Quảng Tây, vốn nổi tiếng với những hồ nước yên tĩnh thơ mộng, những dòng sông uốn lượn quanh co và hệ thống hang động phong phú. Một số hồ chứa nước đã buộc phải xả lũ vì không còn khả năng chứa được lượng nước lớn rơi xuống từ những cơn mưa xối xả. Tuy nhiên, ít ai có thể ngờ rằng đợt xả lũ gần nhất lại là giọt nước tràn ly gây nên trận lũ lụt nghiêm trọng nhất tại Quế Lâm trong gần 30 thập kỷ trở lại đây.
Đến 8h50, Tang nhận được cuộc điện thoại từ người quản lý khu dân cư cô sinh sống, thông báo mực nước đang dâng cao nhanh chóng. Tang vội vã chạy ra ngoài thì phát hiện nước đã ngập đến đầu gối. Cô quyết định lội qua các con phố để tới cửa hàng để lấy đồ đạc, hàng hóa. Khi đến nơi, cửa hàng của cô đã chìm sâu trong biển nước.
"Người quản lý nói tôi buộc phải sơ tán ngay lập tức vì nước dâng lên quá nhanh. Khi tôi quay lại vào ngày hôm sau, cửa hàng tuyệt đẹp của tôi đã trở thành một đống bùn. Tôi đã đầu tư 1 triệu NDT (khoảng 138.000 USD) vào cửa hàng và giờ thì mất hết rồi. Mọi chuyện xảy ra quá đột ngột", Tang buồn bã nói.
Lũ lụt, hạn hán hoành hành
Quế Lâm không phải là thành phố duy nhất phải hứng chịu tình trạng thời tiết khắc nghiệt của mùa Hè năm nay. Một khu vực rộng lớn của Trung Quốc - gồm 12 tỉnh kéo dài từ phía Nam đến Đông Bắc - bị ngập lụt nghiêm trọng do mưa lớn và lũ lụt. Trong khi đó, 4 tỉnh khác - Hà Bắc ở phía Bắc, miền Trung Sơn Tây và Hà Nam, miền Đông Sơn Đông lại bị thiêu đốt bởi nạn hạn hán.
Theo Trung tâm Khí hậu Quốc gia, Trung Quốc vừa trải qua tháng 7 nóng nhất và là tháng nóng nhất kể từ năm 1961 khi khu tự trị Tân Cương ở phía Tây, thành phố Hàng Châu ở phía Đông và các thành phố Phúc Châu và Nam Xương ở phía Nam thường xuyên ở trong tình trạng thời tiết oi bức kéo dài hơn 20 ngày với nhiệt độ trên 35 độ C.
Hiện chính phủ nước này vẫn chưa công bố tổng số người thiệt mạng do các đợt thời tiết khắc nghiệt. Nhưng đã có 30 người thiệt mạng và 35 người khác được báo cáo mất tích kể từ khi cơn bão Gaemi đổ bộ và càn quét tỉnh Hồ Nam, miền Trung Trung Quốc vào cuối tháng 7. Trước bão Gaemi, hơn 20 trận lũ lụt đã diễn ra trên khắp đất nước kể từ tháng Tư, gây thương vong và thiệt hại lớn kéo dài từ tỉnh Quảng Đông ở phía Nam, Trùng Khánh ở phía Tây Nam cho đến tận Hồ Nam.
Thời tiết khắc nghiệt đã tác động đến cuộc sống sinh hoạt của hàng trăm triệu người và gây thiệt hại lên tới hàng tỷ NDT.
Trung Quốc cũng chứng kiến vụ thu hoạch lúa đầu mùa giảm do lũ lụt ở các vựa lúa của cả nước là Giang Tây và Hồ Nam, gia tăng áp lực lên sản lượng hàng năm, đặc biệt là vào thời điểm Bắc Kinh đang nỗ lực để tăng cường an ninh lương thực.
Loạt thử thách mới
Dù có nhiều kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai - từ việc đưa ra cảnh báo và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, huy động quân đội, lực lượng thực thi pháp luật, nhân viên y tế và tình nguyện viên tham gia cứu hộ, cứu trợ nhưng quốc gia Đông Bắc Á này đang phải đối mặt với một loạt thử thách mới trước những đợt thời tiết khắc nghiệt đột ngột và dữ dội hơn.
"Kể từ đầu thế kỷ XXI, những ngày nắng nóng khắc nghiệt ở Trung Quốc đã gia tăng đáng kể và các trận mưa lớn cũng vậy. Trung Quốc đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết khắc nghiệt do biến đổi khí hậu", Cục Khí tượng Trung Quốc (CMA) cho biết trong một báo cáo được công bố ngày 4/7.
Nhiệt độ trung bình hàng năm của Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2023 kể từ khi số liệu này được ghi chép vào năm 1901. Nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan gia tăng nhanh chóng. Theo báo cáo, ở các khu vực ven biển, mực nước biển trung bình đang dâng cao nhanh hơn và các sông băng ở các khu vực phía Tây đang tan chảy với tốc độ chóng mặt.
Ronald Li Kwan-kit, công tác tại Đại học Trung Quốc ở Hong Kong và là thành viên của Hiệp hội Khí tượng Hong Kong, cho biết nguyên nhân chính là do lượng khí thải nhà kính đang tăng lên.
Chuyên gia này phân tích: "Miền Nam Trung Quốc thường có lượng mưa lớn vào mùa Hè như một phần của... mùa gió mùa. Nhưng cường độ mưa có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, vì thế mà trở nên nghiêm trọng hơn".
Thời tiết khắc nghiệt cũng đang tác động sâu sắc đến các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Theo Ronald Li Kwan-kit, các cơn bão đang gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành vận tải biểnl; lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên hơn và với cường độ lớn hơn đã gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp của Trung Quốc. Và giải pháp cấp bách nhất là giảm lượng khí thải carbon.
Trung Quốc đang là quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Vào tháng 4/2021, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đất nước này sẽ "kiểm soát chặt chẽ" các dự án phát điện chạy bằng than, đạt mức tiêu thụ cao nhất vào năm 2025 và bắt đầu loại bỏ dần vào năm 2026. Đây là một phần trong mục tiêu quốc gia nhằm đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2060.
Nhưng những mục tiêu này đang có nguy cơ đi chệch hướng khi số lượng các nhà máy điện chạy bằng than mới được phê duyệt đã tăng gấp bốn lần trong năm 2022 và 2023, so với 5 năm từ 2016 đến 2020, theo Trung tâm nghiên cứu năng lượng và không khí sạch. Sự gia tăng đột biến này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
"Do Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong các chuỗi sản xuất toàn cầu nên những gì xảy ra ở Trung Quốc rõ ràng không chỉ giới hạn ở phạm vi trong nước - những cú sốc sẽ lan rộng ra toàn cầu", Sourabh Gupta, chuyên gia chính sách cấp cao của Viện Nghiên cứu Trung Quốc-Mỹ tại Washington cho biết. Theo ông Gupta, giải pháp lâu dài là Trung Quốc phải nâng cao chuỗi giá trị trong nước.
Theo chuyên gia này, Bắc Kinh cần cắt giảm lượng khí thải carbon trong sản xuất và xuất khẩu, nâng cao năng lực sản xuất năng lượng xanh, tiết kiệm chi phí và các dịch vụ liên quan.
Chìa khóa ở công nghệ
Ma Jun, Giám đốc Viện Các vấn đề Công cộng và Môi trường, một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Bắc Kinh cho rằng, Luật kiểm soát lũ lụt của Trung Quốc nên đưa ra các tiêu chuẩn cao hơn cho các cơ sở chống lũ và mở rộng ứng dụng công nghệ trong dự báo thời tiết khắc nghiệt, cảnh báo trước và quản lý kỹ thuật số các chắn, đập, các khu vực chứa lũ.
Lần sửa đổi cuối cùng của Luật có hiệu lực vào năm 2016. Đầu tháng 7, Bộ Tài nguyên nước Trung Quốc đã tổ chức một hội thảo lấy ý kiến đánh giá của các chuyên gia về các lần sửa đổi tiếp theo đối với Luật nhằm "giải quyết các vấn đề mới và cũ" trong cuộc chiến chống thiên tai.
Năm ngoái, Trung Quốc xây dựng ít nhất 2 mô hình dự báo thời tiết sử dụng công nghệ mạnh mẽ cho những dự báo về tình trạng thời tiết khắc nghiệt như bão nhiệt đới và mưa lớn chính xác hơn nhiều so với các mô hình dự báo truyền thống.
Faith Chan, Phó giáo sư Khoa học môi trường tại Đại học Nottingham ở Ninh Ba, cho biết Trung Quốc đã đạt được tiến triển tích cực trong việc cải thiện công tác chuẩn bị và ứng phó với thảm họa, nhưng thành công cuối cùng vẫn phụ thuộc vào quyết sách của chính phủ.
Dù vậy, chuyên gia này cũng đưa ra cảnh báo trong khi một hệ thống dữ liệu thống nhất có thể cho phép “thực hành có tổ chức và hữu ích hơn” để giải quyết các thảm họa thiên nhiên, từ đó giảm thiểu thương vong cũng như tổn thất kinh tế, thì “việc thiếu linh hoạt và cứng nhắc trong việc xử lý các thảm họa do thời tiết khắc nghiệt gây ra có thể ảnh hưởng đến hiệu quả các hoạt động”.
Cũng theo chuyên gia này, nhu cầu của việc áp dụng công nghệ đang ngày càng cấp thiết. "Chìa khóa vẫn là quyết định và hành động từ chính phủ, cho phép việc sử dụng các công nghệ như dữ liệu lớn hoặc trí tuệ nhân tạo", ông nói.