Liên tiếp nhiều người bị ngộ độc khi ăn nấm giống 'đông trùng hạ thảo'

Những ngày gần đây, nhiều ca nhập viện cấp cứu do ăn phải nấm độc ve sầu 'mọc sừng' hay nấm độc mọc trên xác nhộng ve sầu. Điểm chung của những ca nhập viện này đều do bệnh nhân nhầm tưởng đó là nấm đông trùng hạ thảo trên xác ve sầu.

Ngày 8/6, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thống Nhất (Đồng Nai) đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân nghi ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.

Cụ thể, khuya 6/6, bệnh nhân N.T.N.N. (ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) được chuyển từ BVĐK khu vực Long Khánh lên BVĐK Thống Nhất cấp cứu sau khi ăn ấu trùng lạ.

Theo bệnh nhân, khoảng 16h ngày 6/6, chị N. cùng con trai (12 tuổi) ăn ấu trùng lạ, dài khoảng 3cm, với thân giống như ấu trùng ve sầu, bọc ngoài có nhiều tơ nấm màu trắng - xám, đầu có nấm dài khoảng 1cm màu đỏ.

Hình ảnh ve sầu bị nấm độc ký sinh thường bị nhầm lẫn với đông trùng hạ thảo.

Hình ảnh ve sầu bị nấm độc ký sinh thường bị nhầm lẫn với đông trùng hạ thảo.

Chị N. đã chiên dầu và cùng ăn với con trai (chị N. ăn 2 con, con trai ăn 5 con). Sau ăn khoảng 1 giờ, bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, kèm đau bụng quặn, nôn ói nhiều lần, đi cầu phân lỏng.

Sau đó, bệnh nhân thêm triệu chứng run tay chân, mệt mỏi nên đã được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Con trai chị N. cũng có các triệu chứng tương tự và còn bị thêm rung giật nhãn cầu, tiếp xúc chậm được chuyển tuyến điều trị tại BV Nhi đồng Đồng Nai.

Sau khi bệnh nhân N. được súc rửa dạ dày, truyền dịch và làm xét nghiệm cơ bản đã không còn nôn, không đau bụng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc nấm mọc trên xác nhộng ve sầu.

Con trai chị N. cũng đã được súc rửa dạ dày và tiến hành phác đồ điều trị ngộ độc nấm. Hiện tình hình bệnh nhi đã ổn.

Loại nấm mà bệnh nhân cấp cứu ở BV Chợ Rẫy tưởng đông trùng hạ thảo.

Loại nấm mà bệnh nhân cấp cứu ở BV Chợ Rẫy tưởng đông trùng hạ thảo.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 4/6, ông H.V.Q, 39 tuổi ngụ tại huyện Xuyên Mộc cũng nhập viện cấp cứu do choáng váng, nôn ói, đau bụng, tiêu chảy, tay chân run rẩy. Bệnh nhân này cho biết đã tìm thấy loại nấm mọc ra từ xác ve sầu trong vườn của nhà hàng xóm và ăn sống ngay sau đó. Vài tiếng sau, thì ông có những biểu hiện như đã kể.

Theo bác sĩ Khoa Nội tổng hợp BV Bà Rịa, may mắn là bệnh nhân Q. chỉ ăn một lượng ít nấm mọc từ xác ve sầu nên mức độ ngộ độc không nặng. Nhờ được hỗ trợ dinh dưỡng và điều trị triệu chứng, sức khỏe của bệnh nhân đã tạm ổn.

Trước đó, ngày 3/6, BVĐK vùng Tây Nguyên cũng đã tiếp nhận 6 người (thuộc 2 nhóm) cùng ngụ tại huyện Ea Súp (Đắk Lắk) có các triệu chứng như rung giật cơ, tay chân yếu, không cử động được.

Theo một bệnh nhân, thời gian vừa qua nhiều người đi đào nấm mọc từ xác nhộng ve sầu để bán với giá 70.000 đồng/kg. Dư luận cũng đồn thổi nấm này giống như đông trùng hạ thảo. Vì vậy, khi gia đình đào được nấm mọc ra từ xác nhộng ve sầu đã nấu ăn thử. Các bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sau khi ăn khoảng 2 giờ.

Thời điểm bệnh nhân (Bình Thuận) cấp cứu tại BV Chợ Rẫy.

Thời điểm bệnh nhân (Bình Thuận) cấp cứu tại BV Chợ Rẫy.

Cuối tháng 5 vừa qua, BV Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) cũng đã tiếp nhận một bệnh nhân (34 tuổi) từ huyện Đức Linh, Bình Thuận chuyển đến vì bí tiểu, yếu mỏi cơ, đau bụng, nôn ói sau khi ăn nấm mà tưởng đông trùng hạ thảo.

Theo bệnh sử, nam bệnh nhân đi làm vườn nhà và đào thấy xác nhộng ve sầu cùng với hình thù cây nấm nên nghĩ là đông trùng hạ thảo và mang về ăn lúc khuya cùng ngày (khoảng 12 đến 14 xác nhộng ve sầu).

Ngay sau đó bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, đau đầu, đau bụng, buồn nôn đến nôn ói rất nhiều nên được người nhà đưa đến BVĐK Khu vực Nam Bình Thuận sơ cứu và chuyển đến BV Chợ Rẫy…

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy, khi ve sầu đẻ trứng vào trong đất, trứng phát triển thành ấu trùng (hay còn gọi là nhộng ve sầu), bên cạnh các bào tử nấm.

Những loài nấm này tấn công và sống ký sinh trên vật chủ (nhộng ve sầu), thay thế các mô của vật chủ và mọc ra các thân cây dài. Nấm sẽ hút chất dinh dưỡng từ vật chủ khiến vật chủ chết và phát triển lớn lên bên ngoài của cơ thể vật chủ. Chính vì vậy, chúng có tên gọi là “đông trùng hạ thảo”. Tùy theo loại nấm ký sinh mà chúng có thể bổ dưỡng hoặc gây độc cho con người.

Cũng theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân, hiện không thể xác định chính xác là loại nấm nào gây ngộ độc cho bệnh nhân, việc chẩn đoán chủ yếu dựa vào bệnh sử khai thác được, cũng như triệu chứng ngộ độc của bệnh nhân.

Về điều trị, ngộ độc nấm sau ăn xác ve sầu không có thuốc giải độc đặc hiệu mà chỉ điều trị hỗ trợ những triệu chứng bệnh nhân mắc phải.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Thủy Ngân khuyến cáo, người dân khi gặp xác nhộng ve sầu, có thể nhầm lẫn là thức ăn bổ dưỡng “đông trùng hạ thảo”, không nên ăn. Muốn sử dụng “đông trùng hạ thảo”, cần phải mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm chất lượng hoặc có chuyên gia hiểu biết về “đông trùng hạ thảo” tư vấn.

Phú Lữ

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/lien-tiep-nhieu-nguoi-bi-ngo-doc-khi-an-nam-giong-dong-trung-ha-thao-i696221/