Liên tiếp phát hiện các trường hợp bị sốt mò, cần ghi nhớ những điều này để phòng bệnh
Khi bị mò đốt, trên cơ thể người bệnh xuất hiện vết loét, phát ban dạng sẩn và viêm hạch.
Phát hiện các trường hợp bị sốt mò có nguồn gốc lây từ chuột
Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho biết các bác sĩ của bệnh viện vừa tiến hành hội chẩn, tư vấn khám chữa bệnh từ xa cho cơ sở y tế tuyến dưới để điều trị cho 3 trường hợp bị bệnh sốt mò.
Trường hợp thứ nhất là một nữ bệnh nhân (38 tuổi, dân tộc Sán Chỉ, ở xã Mông Ân, huyện Bảo Lâm) vào khám tại Trung tâm Y tế huyện Bảo Lâm trong tình trạng sốt, mệt mỏi. Trước đó, bệnh nhân bị bệnh ở nhà 5 ngày, biểu hiện sốt đột ngột, sốt nóng liên tục, thi thoảng rét run, đau đầu, đau mỏi toàn thân, mệt nhiều ăn uống kém, đại tiểu tiện bình thường ở nhà uống thuốc hạ sốt không đỡ vào viện khám, điều trị. Qua khai thác bệnh nhân được chẩn đoán là mắc sốt mò.
Đây là những ca bệnh có yếu tố địa phương rất rõ rệt, đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa, bà con chưa ý thức được sự nguy hiểm khi bị con mò đốt. Hai bệnh nhân còn lại là điều trị ở Trung tâm huyện Trùng Khánh và Trung tâm y tế huyện Hòa An cũng có tình trạng tương tự như nữ bệnh nhân 38 tuổi ở Bảo Lâm.
Bệnh sốt mò là gì?
Bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột và một số loài gặm nhấm sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula).
Theo thông tin từ Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt mò hay còn gọi là sốt bờ bụi, là một loại sốt phát ban do Rickettsia gây ra. Đây là vi trùng lây truyền từ chuột sang người thông qua vết cắn của ấu trùng con mò (Trombicula).
Bệnh có đặc điểm sốt kéo dài, trên cơ thể người bệnh có vết loét do côn trùng đốt, phát ban dạng sẩn và viêm hạch. Bệnh có diễn tiến từ nhẹ đến nặng, có thể gây tử vong.
Ở Việt Nam, bệnh sốt mò xuất hiện quanh năm nhưng chủ yếu về mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10, đây là những tháng mưa có độ ẩm cao, điều kiện để ấu trùng mò phát triển.
Bệnh này hay gặp ở những khu vực rừng núi có cây cối rậm rạp, đất mùn ẩm ướt, hang hốc trong núi đá hay những nơi như hai bên bờ suối.
Nơi đây vừa có khí hậu nóng ẩm, thích hợp cho con mò - trung gian truyền bệnh- phát triển, vừa có những con thú mang mầm bệnh là các loài gặm nhấm.
Trong điều kiện như vậy, những người vào rừng lấy gỗ, làm rẫy, làm đường sá, dễ bị mò đốt và nhiễm vi khuẩn.
Bệnh sốt mò hay gặp ở nước ta, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não màng não, viêm cơ tim, suy đa tạng…
Cần làm gì để phòng bệnh sốt mò?
Để phòng tránh sốt mò, cần tích cực phát quang khu vực xung quanh nhà ở, dọn dẹp sạch cỏ dại, cây cối um tùm cũng như diệt chuột, các loài gặm nhấm.
Khơi thông cống rãnh, định kỳ phun thuốc diệt côn trùng 6tháng/lần. Không nằm hoặc phơi quần áo ở những nơi ẩm ướt để ránh ấu trùng mò bám vào.
Khi vào rừng tham quan hay làm việc chú ý tránh nghỉ ngơi dưới cây cỏ rậm rạp, nhiều cỏ dại, đất mùn. Không nằm dưới đất mà nằm trên võng cao. Nên mặc quần áo kín đáo, đi giầy cao cổ.
Hãy dùng thuốc xua đuổi côn trùng bôi vào vùng da trống. Đi về nên thay đồ ngay và tắm rửa sạch sẽ, không nên mặc đi lại nhiều lần.
Khi đi về từ các vùng dịch tễ và xuất hiện sốt cao, đau đầu, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại các hậu quả đáng tiếc.
Trúc Chi (t/h theo Sức khỏe & Đời sống, SGGP)