Liên tiếp phát hiện số lượng lớn quần áo giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng dịp cận Tết
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường các địa phương liên tiếp phát hiện thu giữ, xử phạt các cơ sở kinh doanh hàng hóa thời trang giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ngày 29/12, Tổng cục Quản lý thị trường thông tin nhiều trường hợp phát hiện thu giữ, xử phạt cơ sở kinh doanh hàng hóa vi phạm quy định, giả mạo nhãn hiệu các thương hiệu nổi tiếng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Theo đó, ngày 25/12, Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Thái Nguyên đã tiến hành khám xe ôtô tải mang Biển kiểm soát 29H-731.53 đang dừng đỗ giao hàng tại khu vực tổ 1, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe đang vận chuyển 1.110 đơn vị sản phẩm quần áo các loại không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa. Tổng trị giá của số hàng hóa trên 55 triệu đồng.
Cũng trong ngày 25/12, Đội QLTT số 2 cũng tiến hành khám đồ vật theo thủ tục hành chính đối với 48 kiện hàng hóa được bọc kín của bà N.T.L (địa chỉ Thôn 2, Xã Đình Xuyên, Huyện Gia Lâm, Thành Phố Hà Nội) tại khu vực ngõ 77 đường Thống Nhất, tổ 1, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên.
Kết quả khám phát hiện số hàng hóa gồm 780 đơn vị sản phẩm quần áo các loại là hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ. Làm việc với Đoàn kiểm tra, bà N.T.L khai nhận toàn bộ số hàng hóa do mua trôi nổi trên thị trường qua mạng xã hội của người không rõ tên và địa chỉ, không có bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì chứng minh nguồn gốc của hàng hóa. Tổng trị giá tang vật gần 60 triệu đồng. Đoàn kiểm tra Đội QLTT số 2 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa của các vụ việc trên để giải quyết vụ việc theo quy định pháp luật.
Trong khi đó, ngày 26/12, Đội Quản lý thị trường số 1 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang phối hợp cùng Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang đã tổ chức kiểm tra đột xuất một công ty chuyên phân phối các mặt hàng thời trang trên địa bàn huyện Châu Thành, Kiên Giang.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện tại công ty đang kinh doanh hàng ngàn sản phẩm (2.000 kg) quần, áo là hàng may sẵn các loại, không gắn nhãn hiệu. Tại thời điểm kiểm tra, đại diện công ty chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của hàng hóa và bước đầu xác định có dấu hiệu hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đoàn kiểm tra tiến hành tạm giữ toàn bộ tang vật nêu trên để tiếp tục xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định.
Tại cơ quan chức năng, chủ doanh nghiệp đã thừa nhận số hàng hóa trên mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ hợp pháp. Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển hồ sơ vụ việc đến Cục Quản lý thị trường Kiên Giang để xử lý theo thẩm quyền được pháp luật quy định.
Cũng trong ngày 26/12, Đội Quản lý thị trường số 2 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh sản phẩm may mặc thuộc địa bàn thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp do ông P.V.T làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện cửa hàng đang trưng bày 218 sản phẩm gồm giày, dép các loại có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ tại Việt Nam như HERMÈS, BURBERRY, LOUIS VUITTON, GUCCI, NIKE. Tổng trị giá hàng hóa trên 55 triệu đồng và 266 sản phẩm quần áo các loại có dấu hiệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tổng trị giá tang vật trên 49 triệu đồng. Đội Quản lý thị trường số 2 đã tạm giữ và niêm phong toàn bộ sản phẩm có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu và hàng hóa không rõ nguồn gốc nêu trên. Vụ việc đang xác minh, làm rõ, xử lý theo quy định.
Tại Vĩnh Phúc, ngày 07/12, Đội Quản lý thị trường số 5 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh Hoàng Thị Hằng (Facebook "Hằng Ốc – Chuyên sỉ lẻ thời trang"), địa chỉ tại thôn Cao Quang, xã Cao Minh, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tại thời điểm kiểm tra, hộ kinh doanh Hoàng Thị Hằng đang hoạt động kinh doanh hàng hóa gồm: 400 đôi tất nam nhãn hiệu ADIDAS, 500 đôi tất nam nhãn hiệu NIKE, 230 đôi tất nữ nhãn hiệu GUCCI, 10 chiếc chăn nhãn hiệu GUCCI, 58 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu GUCCI, 30 chiếc quần dài nhãn hiệu DIOR, 10 chiếc chăn nhãn hiệu DIOR, 84 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu DIOR, 52 chiếc quần dài nhãn hiệu /LOUIS VUITTON, 20 chiếc chăn nhãn hiệu /LOUIS VUITTON, 60 bộ quần áo trẻ em nhãn hiệu /LOUIS VUITTON, 480 đôi tất nữ nhãn hiệu /LOUIS VUITTON, do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.
Cùng với đó, lực lượng chức năng phát hiện hàng hóa là 16 chiếc nồi chiên không dầu nhãn hiệu CAMEL do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam. Toàn bộ số hàng hóa nêu trên, chủ hộ kinh doanh không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa. Đội QLTT số 5 đã tạm giữ số hàng hóa trên, chờ xác minh xử lý theo quy định.
Hiện nay, bên cạnh các loại hàng hóa có thương hiệu, đạt chất lượng thì vẫn còn tiểm ẩn những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng … Những loại hàng này thường có giá rẻ và do một số thương nhân vì lợi nhuận nên đã trà trộn để bán lẫn với những mặt hàng tốt nhằm đánh lừa người tiêu dùng.
Nạn hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn còn lưu thông khá phổ biến trên thị trường. Trong thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường các tháng cuối năm 2022; dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 nhằm kịp thời kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về hàng hóa.