Liên tiếp thua lỗ, Năng lượng Ninh Thuận gánh 2.000 tỷ trái phiếu

6 tháng đầu năm 2024, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận cho thấy tình hình kinh doanh ngày càng bết bát khi lỗ nặng 108 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ chỉ lỗ 83 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm tài chính 2021 và 2022, tình hình kinh doanh của Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận cũng không mấy khả quan khi lần lượt báo lỗ 22 tỷ đồng và lỗ 106 tỷ đồng.

Kinh doanh thua lỗ nên vốn chủ sở hữu của Năng lượng Ninh Thuận ngày càng sụt giảm 25,6% so cùng kỳ, về mức 772 tỷ đồng tại thời điểm cuối tháng 6/2024.

Thêm vào đó, nợ phải trả cũng gấp 3,5 lần vốn chủ sở hữu, so mức 2,55 lần của cùng kỳ, tương ứng 2.702 tỷ đồng.

Trong đó dư nợ trái phiếu chiếm chủ yếu với 2.076 tỷ đồng, tức gấp 2,69 lần vốn chủ sở hữu.

Một số chỉ tiêu tài chính 6 tháng 2024 của Năng lượng Ninh Thuận

Một số chỉ tiêu tài chính 6 tháng 2024 của Năng lượng Ninh Thuận

Trước đó ngày 26/6, CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận thông báo không thể mua lại một phần lô trái phiếu TT.BOND.2020 do chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán.

Cụ thể, lô trái phiếu TT.BOND.2020 là trái phiếu dài hạn, được CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận phát hành vào ngày 25/12/2020, kỳ hạn 17 năm. Lô này gồm 2.2 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng, tổng giá trị phát hành là 2.200 tỷ đồng. Lãi suất áp dụng là 10.75%/năm.

Trong năm 2022 và 2023, doanh nghiệp đã có 4 lần thực hiện mua lại một phần lô trái phiếu này, mỗi lần 30,000 trái phiếu (tương đương 30 tỷ đồng). Tuy nhiên trong lần mua lại thứ 5 (theo kế hoạch vào ngày 25/06/2024), Năng lượng Ninh Thuận đã không thể thực hiện dù chỉ mua 2,000 trái phiếu (tương ứng 2 tỷ đồng), vì chưa thu xếp kịp nguồn vốn thanh toán.

Trước đó, năm 2023, Năng lượng Ninh Thuận đã chậm thanh toán hơn 149 tỷ đồng tiền lãi cho lô trái phiếu này do chưa thu xếp kịp nguồn. Kỳ thanh toán thứ 5 (từ 25/06 đến 25/12/2023) dự kiến ngày 25/12, nhưng doanh nghiệp đã thanh toán vào ngày 29/12.

CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận được thành lập ngày 20/2/2017, trụ sở tại TM 18-49, Khu K1, đường Chu Mạnh Trinh, phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang-Tháp Chàm, Ninh Thuận. Công ty có vốn điều lệ hơn 1.232 tỷ đồng. Người đại diện pháp luật của doanh nghiệp là Tổng giám đốc Lê Mạnh Hà.

CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận là chủ đầu tư của dự án Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 và Thiên Tân 1.3, nhà máy điện mặt trời Phước Ninh.

Trong đó, nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.2 tại xã Phước Hà, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 100 MWp.

Trong khi nhà máy điện mặt trời Thiên Tân 1.3 nằm tại xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận có công suất 50MWp.

Còn nhà máy điện mặt trời Phước Ninh nằm tại xã Phước Ninh và Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận có công suất 45MWp.

Bên cạnh CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, ông Lê Mạnh Hà còn là người đại diện pháp luật của một doanh nghiệp năng lượng khác là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận. Ngoài ra, ông cũng là người đại diện của Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Sản xuất Kinh doanh Ninh Thuận.

Trái ngược với bức tranh kinh doanh ảm đạm tại CTCP Công nghiệp Năng lượng Ninh Thuận, doanh nghiệp năng lượng tái tạo còn lại của đại gia kín tiếng này lại có nhiều khởi sắc hơn hẳn.

Cụ thể, Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Năng lượng Ninh Thuận ghi nhận lợi nhuận năm 2022 đạt 4,4 tỷ đồng, còn năm 2023 ghi nhận hơn 19 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2023, Phát triển Năng lượng Ninh Thuận có vốn chủ sở hữu gần 613 tỷ đồng, trong khi nợ phải trả gấp 2,86 lần với 1.752 tỷ đồng. Riêng dư nợ trái phiếu chiếm 1.532 tỷ đồng.

Minh An

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/doanh-nghiep/lien-tiep-thua-lo-nang-luong-ninh-thuan-ganh-2000-ty-trai-phieu-221143.html