Liên tiếp trẻ em bị tai nạn tại nhà phải cấp cứu
Một bé gái 4 tuổi vô tình cho tay vào máy xay sinh tố đang hoạt động khiến 2 ngón tay đứt rời, còn bé trai 8 tháng tuổi bị ngã vào xô nước, suýt chết ngạt...
Cụ thể, mới đây bệnh nhi là cháu N.T.A (2018, Hà Nội) đã được các bác sĩ khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Viện Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện TWQĐ 108 phẫu thuật trả lại bàn tay lành lặn cho bé.
Theo thông tin từ người nhà, khi đang ép hoa quả, gia đình không để ý, vô tình cháu T.A. cho tay vào máy xay nên bị cuốn tay vào.
TS.BS Nguyễn Quang Vịnh, khoa Phẫu thuật Chi trên và Vi phẫu thuật, cho biết kết quả thăm khám xác định bệnh nhi vào viện giờ thứ 4 do bị máy nghiền hoa quả nghiền vào bàn tay phải. Sau tai nạn bệnh nhi bị đứt gần rời ngón 2 tay phải (ngón 2 tay phải chỉ còn dính lại gân gấp), phần ngón đứt gần rời lủng lẳng, trắng bệch do không được cấp máu.
Các bác sĩ phải kết lại xương, khâu nối gân duỗi, nối thần kinh và đặc biệt là phải nối lại mạch máu (gồm các động mạch và tĩnh mạch) để cung cấp lại máu cho ngón tay. Do kích thước mạch máu ở trẻ em rất nhỏ, tổn thương lại do máy nghiền, bầm giập nhiều nên việc trồng lại ngón tay cho bệnh nhi là rất khó khăn.
Ngoài ra vấn đề gây mê trên bệnh nhi để phẫu thuật kéo dài, dùng thuốc chống đông sau phẫu thuật, chăm sóc, thay băng sau mổ... cũng là những khó khăn mà chúng tôi phải đề cập đến trước khi tiến hành phẫu thuật, Tiến sĩ Nguyễn Quang Vịnh cho biết. Sau phẫu thuật, tình trạng bệnh nhi vết thương khô, ngón tay 2 hồng hào.
Trường hợp thứ hai là bé trai H.V.S. (SN 2021, trú ở phường Đồng Phú, TP Đồng Hới) được người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện hữu nghị Việt Nam - Cu Ba Đồng Hới trong tình trạng nguy kịch, tím tái toàn thân, ngừng tim, ngừng thở.
Ngay sau đó, các bác sĩ nhanh chóng cấp cứu hồi sức tim, phổi cho cháu. Chừng 30 phút sau, cháu bé đã có nhịp tim trở lại; bé được chuyển lên Đơn nguyên hồi sức tích cực và chống độc nhi sơ sinh điều trị tiếp.
Sau hơn một ngày điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe của bé đã qua cơn nguy kịch, đã cai được máy thở và tự thở được. Tuy nhiên, cháu bé đang được theo dõi điều trị đặc biệt.
Người nhà cháu bé kể lại, trong lúc ông ngoại đang chuẩn bị nước tắm cho bé nhưng quay vào bếp, khi quay vào thì thấy bé lộn nhào vào xô nước nên đưa cháu đi cấp cứu tại bệnh viện.
Các bác sĩ cho biết, đã có rất nhiều trường hợp trẻ em bị cắm đầu vào chậu, xô nước đặt trong nhà tắm hoặc trong nhà vệ sinh. Khi trẻ cắm đầu vào không thể tự thoát ra được dẫn tới ngạt nước, tử vong.
Đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp các bé bị tai nạn thương tích. Theo các bác sĩ, tai nạn thường gặp nhất ở trẻ em là: bỏng, ngộ độc, gãy tay chân, té ngã gây chấn thương, tai nạn giao thông, đuối nước...
Mỗi ngày, khoa Chấn thương Chi trên và Vi phẫu thuật, Bệnh viện TWQĐ 108 tiếp nhận hàng chục ca gặp tai nạn sinh hoạt. Theo TS.BS Nguyễn Quang Vịnh, trẻ nhỏ thường hiếu động, thích tò mò, chưa có kiến thức, kỹ năng phòng tránh nên rất dễ bị tai nạn, thương tích. Do đó, người dân cần cẩn trọng, có các biện pháp đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng các thiết bị gia đình.
Nếu không may trẻ nhỏ gặp tai nạn, gia đình cần sơ cứu nạn nhân và nhanh chóng đưa đến cơ sở khám, chữa bệnh chuyên khoa gần nhất để được cấp cứu, xử trí kịp thời.