Liên tiếp xảy ra cháy rừng phòng hộ ven biển Quảng Nam
Nắng nóng kéo dài cộng với lớp thực bì khô nên thời gian qua liên tiếp xảy ra các vụ cháy tại khu vực rừng phòng hộ ven biển dọc theo tuyến đường Võ Chí Công qua huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Những ngày này, đi dọc tuyến đường Võ Chí Công qua địa phận các xã Bình Nam, Bình Sa, Bình Dương, Bình Minh, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam thấy nhiều diện tích rừng phòng hộ 2 bên đường bị cháy nham nhở.
Nhiều khu vực rừng bị cháy cây rừng có tuổi đời hàng chục năm. Có điểm rừng bị cháy khoảng vài trăm m2 nhưng có khu vực rừng bị cháy một diện tích rất lớn, lên đến hàng ngàn m2.
Theo số liệu từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, từ đầu năm 2023 đến cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ cháy với diện tích cháy rừng hơn 46 héc ta, tập trung phần lớn diện tích rừng trồng phòng hộ thuộc dự án PACSA tại các xã vùng Đông của tỉnh.
Từ cuối tháng 6 đến nay, khu vực rừng phòng hộ ven biển tỉnh Quảng Nam liên tục xảy ra các vụ cháy rừng gây thiệt hại nặng. Rừng phòng hộ ven biển của tỉnh này có diện tích 3.636 héc ta. Đa số diện tích rừng được trồng từ những năm 1990.
Thời điểm đó, khu vực này là đất cát, không có hạ tầng, thuộc các xã đặc biệt khó khăn ven biển, chất lượng cây trồng rất thấp, đa số là keo, phi lao. Năm 2020, mưa bão khiến 292 héc ta rừng ngã đổ. Hiện diện tích có rừng trên thực tế là 2.583 héc ta.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam, do lực lượng Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng tại địa bàn vẫn còn mỏng, nhiều nơi chỉ có 1 công chức kiểm lâm địa bàn phụ trách từ 4 đến 5 xã nên công tác tuyên truyền và chữa cháy không kịp thời.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có Công điện khẩn yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường các biện pháp cấp bách trong phòng cháy chữa cháy rừng.
Mới đây, tại buổi kiểm tra vụ cháy rừng phòng hộ tại xã Bình Sa, huyện Thăng Bình, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đặt vấn đề nghiên cứu cây trồng phù hợp để thay thế cây keo, làm sao để người dân khu vực được hưởng lợi.
“Ở khu vực ven biển này cần nghiên cứu thay đổi cây trồng nào để làm lợi cho người dân. Cây trồng mới phải đảm bảo công tác giữ rừng, mang lại đời sống kinh tế. Tỉnh Quảng Nam đang nghiên cứu chính sách làm sao khi giao đất trồng rừng phòng hộ ven biển cho người dân quản lý thì phải lựa chọn cây trồng phù hợp với phát triển kinh tế người dân, điều này rất quan trọng", ông Bửu cho biết.