Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em: Nhiều vùng nước sâu còn thiếu rào chắn, cảnh báo

Chỉ trong vài ngày đầu tháng 5/2022, cả nước liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ đuối nước thương tâm. Đau lòng hơn, nhiều nạn nhân là anh chị em ruột trong cùng một gia đình.

Mùa nắng nóng mới chỉ bắt đầu, song thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ đuối nước thương tâm ở trẻ nhỏ. Mới đây ngày 8/5, tại xã Bình Tiến, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế, một bé gái 10 tuổi tử vong do đuối nước khi đang đi bắt ốc.

Cùng ngày, Phòng GD-ĐT huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa xảy ra một vụ đuối nước khiến 3 học sinh là 3 anh em ruột trong một gia đình tử vong thương tâm. Ba anh em chết đuối đều là học sinh tiểu học. Theo Sở GD-ĐT Đắk Lắk chỉ tính riêng từ cuối tháng 3/2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra ít nhất 9 vụ đuối nước khiên 20 em học sinh tử vong.

Ảnh minh họa, nguồn: KT.

Ảnh minh họa, nguồn: KT.

Tại Bình Thuận, ngày 4/5, UBND xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước, thi thể của nạn nhân đã được bàn giao cho gia đình.

Trước đó, ngày 1/5 trên địa bàn cũng xảy ra 2 vụ đuối nước thương tâm khiến 3 em nhỏ bị tử vong.

Còn tại Hải Phòng, ngày 2/5 tại khu vực bãi tắm công cộng trong khu du lịch Đồi Rồng cũng xảy ra một vụ tử vong do đuối nước, nạn nhân là một nam sinh viên Đại học Hàng Hải.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB-XH, đuối nước hiện đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại trẻ em, chiếm 7,7%. Mỗi năm có hàng trăm trẻ em tử vong do đuối nước, trong đó, mùa hè là thời điểm xảy ra nhiều vụ đuối nước ở trẻ em nhất. Đuối nước không chỉ cướp đi sự sống mà còn để lại nỗi đau cho gia đình và xã hội.

Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) Vũ Thị Kim Hoa cho biết, trong giai đoạn vừa qua tình hình đuối nước ở trẻ em tại Việt Nam đã giảm. Năm 2010 cả nước có 3.300 trẻ em bị tử vong do đuối nước, năm 2015 giảm còn 2.660 em và đến năm 2020 giảm còn 2.085 em. Như vậy, mỗi năm giảm từ 3,5% tương đương khoảng 100 trẻ em. Tuy nhiên những tháng gần đây lại tiếp tục xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm ở trẻ em. Điều đáng nói có những trường hợp nhiều trẻ cùng bị tử vong hoặc nhiều trẻ trong một gia đình cùng bị đuối nước.

Theo bà Vũ Thị Kim Hoa, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước ở trẻ em, trong đó nhận thức của cộng đồng, đặc biệt ở phụ huynh đối với phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế. Bên cạnh đó, môi trường sống tại cộng đồng, gia đình chưa an toàn, một số địa phương còn vùng nước sâu nguy hiểm nhưng thiếu biển báo, ao hồ chưa rào chắn kỹ lưỡng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, hướng dẫn viên dạy bơi, kỹ năng an toàn khi bơi tại các địa phương còn thiếu. Ngoài ra, sự quan tâm của chính quyền địa phương, đặc biệt việc việc bố trí nguồn lực về vấn đề này còn hạn chế cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đuối nước.

“Hiện nay kỹ năng phòng chống đuối nước, an toàn của trẻ còn rất thiếu, chỉ hơn 30% trẻ em biết bơi. Nhiều trường hợp các em rủ nhau đi bơi, tắm ao, sông, do thiếu kỹ năng cứu đuối, nên khi có một bạn bị đuối nước, lập tức các em lao xuống để cứu trong khi kỹ năng cứu đuối là phải gián tiếp hoặc hô hoán. Bên cạnh đó, bản thân cha mẹ, người chăm sóc trẻ đôi khi còn chưa chú tâm đến vấn đề đuối nước ở trẻ. Có những vụ việc chỉ cần vài phút sao nhãng của người lớn, trẻ có thể ngã xuống ao”, bà Vũ Thị Kim Hoa lo ngại.

Để hạn chế tình trạng đuối nước ở trẻ em, theo bà Vũ Thị Kim Hoa, thời gian tới Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành tăng cường việc thực hiện cũng như chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm các giải pháp đảm bảo thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, trong đó quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tử vong tai nạn đuối nước thương tích ở trẻ em.

“Chúng tôi tiếp tục chỉ đạo các địa phương thực hiện các tiêu chí, tiêu chuẩn về ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn. Đẩy mạnh việc truyền thông phòng chống đuối nước ở trẻ em nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành của cộng đồng, đặc biệt là cha mẹ và người chăm sóc trẻ đối với việc phòng chống đuối nước ở trẻ em. Chúng tôi cũng sẽ chỉ đạo các địa phương rà soát, lập bản đồ các nơi nguy hiểm để triển khai can thiệp như cắm biển báo, làm rào chắn, cắt cử người cảnh giới”, bà Vũ Thị Kim Hoa cho biết.

Phó Cục trưởng Cục trẻ em cũng cho rằng, để ngăn chặn tình trạng đuối nước ở trẻ em, thời gian tới Cục Trẻ em cũng sẽ tăng cường chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí kinh phí, nguồn lực để đạt được mục tiêu giảm 10% trẻ tử vong do đuối nước đến năm 2025, 60% trẻ từ 6-16 tuổi được dạy kỹ năng an toàn, 50% trẻ được học bơi an toàn.

Mới đây, Bộ GD-ĐT cũng đã có văn bản gửi các sở GD-ĐT về việc tăng cường phòng, chống đuối nước cho trẻ em, học sinh. Trong đó, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các sở GD-ĐT mở đợt cao điểm triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức để học sinh biết và tuân thủ các quy định về phòng, chống đuối nước, nhất là nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước, triển khai, hướng dẫn việc phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học trước khi học sinh nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi, dạy kỹ năng an toàn cho học sinh trong trường học.

Chỉ đạo tăng cường hơn nữa công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, đoàn thể và chính quyền địa phương để quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, bảo đảm an toàn, phòng, chống đuối nước.

Đặc biệt, Bộ GD- ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT tham mưu UBND tỉnh/thành phố ban hành chương trình, kế hoạch, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm đảm bảo các điều kiện dạy, học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn, các dịch vụ liên quan cho học sinh./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/giao-duc/lien-tiep-xay-ra-duoi-nuoc-o-tre-em-nhieu-vung-nuoc-sau-con-thieu-rao-chan-canh-bao-post942817.vov