Liên tục biến động thượng tầng, Eximbank làm ăn ra sao?
Quý II/2023, Eximbank báo lãi trước thuế giảm đến 51% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 534 tỷ đồng do các khoản thu nhập giảm mạnh và tăng trích lập dự phòng. Tổng nợ xấu tăng 54% so với đầu năm, đạt hơn 3.625 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố, quý II/2023, Ngân hàng TMCP Xuất Nhập Khẩu Việt Nam (Eximbank, mã: EIB) ghi nhận 1.094 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do chi phí trả lãi tiền gửi và lãi tiền vay cùng tăng đột biến 80% lên lần lượt 2.277 tỷ đồng và 1,4 tỷ đồng.
Kỳ này, lãi từ kinh doanh ngoại hối là điểm sáng hiếm hoi khi tăng mạnh gần 56% so với cùng kỳ lên 184 tỷ đồng. Lãi hoạt động dịch vụ đi ngang, ghi nhận hơn 123 tỷ đồng.
Ở chiều ngược lại, lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư giảm mạnh đến 95% so với cùng kỳ, còn hơn 4 tỷ đồng do điều kiện kinh doanh các giấy tờ có giá như trái phiếu Chính phủ, trái phiếu các tổ chức tín dụng chưa thuận lợi.
Lãi thuần từ hoạt động khác giảm 73%, chỉ còn gần 74 tỷ đồng, chủ yếu do công tác xử lý thu hồi nợ thực hiện chậm hơn kế hoạch đề ra bởi tính thanh khoản và tình hình giao dịch trên thị trường bất động sản chậm hơn cùng kỳ năm trước.
Trong quý II, Eximbank trích gần 178 tỷ đồng để dự phòng rủi ro, tăng 37%. Nguyên nhân do khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến dư nợ cho vay chuyển sang nhóm nợ cao hơn, trong đó có một phần chuyển nhóm nợ CIC từ các tổ chức tín dụng khác.
Sau khi khấu trừ các chi phí, ngân hàng báo lãi trước thuế giảm đến 51% so với cùng kỳ, chỉ còn hơn 534 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, dù giảm 6% chi phí trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, nhưng lợi nhuận trước thuế của Eximbank vẫn giảm 26% so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận hơn 1.405 tỷ đồng. So với kế hoạch 5.000 tỷ đồng lãi trước thuế được đề ra cho cả năm 2023, Eximbank mới thực hiện 28%, tức hơn 1/3 mục tiêu sau 6 tháng đầu năm.
Tính đến 30/6/2023, tổng tài sản Eximbank mở rộng 3% so với đầu năm lên gần 190.301 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước tăng 30%, lên 6.676 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 41% lên 36.734 tỷ đồng, song cho vay khách hàng chỉ tăng nhẹ 1%, ghi nhận 131.849 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ, tổng nợ xấu tính đến cuối quý II/2023 đạt hơn 3.625 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Đáng chú ý, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 3,8 lần, tương ứng 1.009 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ và nợ có khả năng mất vốn lần lượt tăng 63% và 15%, theo đó, kéo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay tăng vọt từ 1,8% lên 2,75%.
Về nguồn vốn, tiền gửi của các tổ chức tín dụng khác tăng 9% so với đầu năm lên 10.278 tỷ đồng, tiền gửi khách hàng tăng 4% lên 154.278 tỷ đồng, phát hành giấy tờ có giá tăng 6% lên 4.299 tỷ đồng.
Trong quý II/2023, Eximbank đã miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT đối với bà Lương Thị Cẩm Tú kể từ ngày 28/6/2023 và bầu bà Đỗ Hà Phương giữ chức vụ này. Theo Eximbank, để đi đến quyết định bổ nhiệm nhân sự quan trọng này, HĐQT đã tổ chức họp theo đúng quy định. Theo đó, bà Đỗ Hà Phương nhận được sự tín nhiệm và ủng hộ của các thành viên HĐQT ngân hàng.
Tuy nhiên, 2 ngày sau khi bà Phương nhậm chức, có nhiều thông tin cho rằng tân Chủ tịch Eximbank đã bị nhóm cổ đông đòi miễn nhiệm. Theo đó, ông Trần Hoàng Ninh, đại diện một nhóm cổ đông gửi tới HĐQT Eximbank đề nghị rút đề cử, miễn nhiệm bà Đỗ Hà Phương.
Dự kiến vào ngày 18/9 sắp tới, Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm bầu bổ sung Thành viên HĐQT nhiệm kỳ VII (2020-2025) và các nội dung khác thuộc thẩm quyền ĐHĐCĐ. Theo dự thảo tờ trình cổ đông, ĐHĐCĐ bất thường sẽ bầu bổ sung tối đa 2 thành viên HĐQT để đảm bảo số lượng thành viên.
Eximbank là ngân hàng trải qua nhiều đợt biến động nhân sự cấp cao sau khi loạt cổ đông lớn thoái vốn khỏi nhà băng này từ tháng 10/2022. Cũng vì vậy, Eximbank là ngân hàng cổ phần duy nhất cho đến nay có thời điểm 2-3 năm liền không thể tổ chức ĐHĐCĐ thường niên.
Cho tới đầu năm nay, Eximbank đã hoàn thiện được cơ bản cơ cấu HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường lần 2, và đến tháng 4, đã tổ chức thành công ĐHĐCĐ thường niên năm 2023.