Liên tục động đất tại Kon Tum: Vùng giáp ranh tâm chấn chủ động ứng phó

Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi cho biết huyện Sơn Tây gần với vùng tâm chấn nên người dân dần thích ứng với các đợt rung chấn và tác động của động đất.

Vết nứt tại Trạm Y tế xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây sau rung chấn do động đất. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Vết nứt tại Trạm Y tế xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây sau rung chấn do động đất. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Động đất liên tục xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong đó trận động đất có độ lớn 5.0 hôm 28/7 vừa qua đã gây rung lắc tại nhiều địa phương trong khu vực.

Tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, vùng gần tâm chấn động đất, nhà ở và một số công trình y tế, trường học cũng bị ảnh hưởng.

Những hình ảnh được ghi lại từ camera của gia đình chị Trần Thị Quy, thôn Huy Em, xã Sơn Mùa, huyện Sơn Tây cho thấy rõ tác động của trận động đất có độ lớn 5,0 vừa qua.

Chị Trần Thị Quy cho biết vào lúc 11h35 phút ngày 28/7, gia đình đang dọn cơm ăn thì ngôi nhà rung lắc mạnh, vữa trên tường rơi xuống, những vết nứt cũ trên tường sau trận động đất đã mở to. Sau một lúc, chị mới định hình được là động đất.

"Khu vực nhà tôi ở đã nhiều lần cảm nhận rung chấn do động đất nhưng đây là trận động đất lớn nhất từ trước đến nay, những vết nứt có nguy cơ ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của ngôi nhà," chị Trần Thị Quy nói.

Sau động đất, Trạm Y tế xã Sơn Bua và một số công trình, trụ sở làm việc của huyện Sơn Tây cũng xuất hiện một số vết nứt. Tuy không gây thiệt hại về người nhưng những trận động đất có cường độ ngày càng mạnh và xảy ra bất ngờ khiến người dân ở Sơn Tây vô cùng lo lắng.

Ông Đinh Văn Hố, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây cho biết: "Khi xảy ra động đất, gia đình tôi đi làm rẫy hết không có ai ở nhà. Trước đây, tại địa phương cũng từng xuất hiện rung chấn nhẹ nhưng lần này thì nặng quá, tôi rất lo sẽ tái diễn các đợt rung chấn mạnh như vừa qua."

Chị Trần Thị Hạnh, Phó Trạm Y tế xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, lo lắng sau trận động đất có độ lớn 5,0 vừa qua, trụ sở làm việc và nhà lưu trú Trung tâm Y tế xã đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài. Dù đã quen với nhiều lần rung chấn nhưng đợt rung chấn những ngày gần đây có xu hướng mạnh lên. Khi xảy ra rung chấn, mọi người chỉ biết chạy ra ngoài chứ không biết làm gì hơn.

Động đất xảy ra tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum trong năm gần đây có xu hướng gia tăng. Đầu năm 2023, Viện Vật lý Địa cầu lắp đặt trạm quan trắc đất tại Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tây để ghi nhận những diễn biến trước, trong và sau động đất, cảnh báo sớm cho chính quyền địa phương và người dân.

 Thiết bị quan trắc động đất ghi nhận dữ liệu tại Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tây. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Thiết bị quan trắc động đất ghi nhận dữ liệu tại Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Tây. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cũng đã ban hành công văn hỏa tốc chỉ đạo khẩn ứng phó với tác động của động đất, nhất là rà soát đảm bảo an toàn các công trình hồ, đập nhà máy thủy điện, thủy lợi.

Ông Nguyễn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Cổ phần Bách Thiên Lộc, cho biết công ty đang vận hành Nhà máy Thủy điện Đak Ba tại huyện Sơn Tây. Sau những trận động đất 10-15 phút, công ty cho lực lượng cán bộ, nhân viên đi kiểm tra tổng thể các công trình từ hồ đập, kênh xã, nhà điều hành, công trình công cộng, đánh giá tác động của động đất đến công trình.

Sau 2 năm đi vào vận hành và chịu rung chấn do trận động đất mạnh vừa qua, nhà máy vẫn được đảm bảo an toàn.

 Kỹ sư Nhà máy Thủy điện Dak Ba, huyện Sơn Tây theo dõi hồ chứa qua camera giám sát. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Kỹ sư Nhà máy Thủy điện Dak Ba, huyện Sơn Tây theo dõi hồ chứa qua camera giám sát. (Ảnh: Phạm Cường/TTXVN)

Phó Chủ tịch huyện Sơn Tây Đinh Trường Giang cho biết huyện Sơn Tây gần với vùng tâm chấn nên người dân dần thích ứng với các đợt rung chấn và tác động của động đất. Sau trận động đất có độ lớn 5,0 vừa qua, chỉ một số nhà dân, công trình nhà làm việc trên địa bàn bị nứt nhẹ, chưa có thiệt hại về người.

"Khi có động đất xảy ra, chúng tôi tăng cường thông báo, cắt cử lực lượng thống kê thiệt hại. Huyện cũng lập các nhóm Zalo ứng phó với động đất, tăng cường truyên truyền cho người dân, nhất là người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số về động đất, những rủi ro do động đất gây nên. Địa phương cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng tìm giải pháp ứng phó, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho người dân khi có động đất mạnh xảy ra," ông Đinh Trường Giang cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lien-tuc-dong-dat-tai-kon-tum-vung-giap-ranh-tam-chan-chu-dong-ung-pho-post968569.vnp