Liên Xô đã không còn, vì sao Mỹ vẫn cần tên lửa đạn đạo mới?
Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, các mối đe dọa an ninh đến từ các cường quốc quân sự mới nổi như Trung Quốc, Triều Tiên, Iran đang tác động mạnh mẽ tới suy nghĩ của giới chức quân sự Mỹ về việc phát triển một mẫu tên lửa đạn đạo thế hệ mới.
Theo các báo cáo quốc phòng được công khai của Lầu Năm Góc các loại tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới của Mỹ hiện nay vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, phát triển, dự kiến đến năm 2030 sẽ chính thức đưa vào biên chế.
Hiện nay, Quân đội Mỹ đang được biên chế tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ thứ 5 LGM-30 Minuteman và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm thế hệ thứ 3 UGM-133A Trident II. Tuy nhiên, theo thời gian, cùng với sự phát triển nhanh chóng của khoa học kỹ thuật, đặc biệt là công nghệ đánh chặn, các tên lửa cấp chiến lược trên của Mỹ đang dần lạc hậu trước đối thủ tiềm tàng như Trung Quốc, Nga.
Do đó, để nâng cao năng lực uy hiếp chiến lược đòi hỏi Quân đội Mỹ phải phát triển một loại tên lửa chiến lược thế hệ mới với nhiều ưu điểm hơn so với các thế hệ trước.
Theo các chuyên gia quân sự, việc Mỹ đẩy mạnh tiến trình phát triển tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới nhằm các mục đích chủ yếu sau:
- Duy trì vị trí bá chủ thế giới và ưu thế sức mạnh quân sự so với Nga, Trung Quốc. Hiện nay, tư duy chiến lược của giới lãnh đạo Mỹ vẫn là tiếp tục thực hiện và điều chỉnh chiến lược quân sự “đánh đòn phủ đầu”. Theo đó, Mỹ luôn coi các loại tên lửa đạn đạo, đặc biệt là các tên lửa đạn đạo chiến lược là công cụ quan trọng nhất để duy trì vị trí bá chủ thế giới và ưu thế vượt trội về quân sự. “Chiến lược sử dụng vũ khí hạt nhân” Mỹ năm 2018 chỉ ra rằng, nước Mỹ đang phải đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Trong đó, thách thức đặc biệt nghiêm trọng và tác động tới an ninh của Mỹ là chủ nghĩa khủng bố hạt nhân. Ngoài ra, các uy hiếp khác còn bao gồm cả việc phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, Triều Tiên, Nga và Trung Quốc. Chính vì vậy, Mỹ nhất định phải duy trì năng lực hạt nhân vượt trội của mình để có thể sẵn sàng đối phó với các thách thức đến từ bên ngoài lãnh thổ. Trong đó, phát triển tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới là một phần giải pháp nằm trong chiến lược trên.
- Nâng cao năng lực phòng thủ quốc gia, giảm thiểu sự phụ thuộc quá nhiều vào khả năng phòng thủ khu vực tiền duyên. Hiện nay, nhiệm vụ tấn công chính xác mục tiêu tầm xa của Mỹ chủ yếu do các loại tên lửa hành trình tầm xa bố trí tại các căn cứ không quân và hải quân đảm nhiệm.
Tuy nhiên, do tầm bắn lớn nhất của các loại tên lửa hành trình hiện nay của Mỹ chỉ vào khoảng 3.000km nên rất khó có thể thực hiện năng lực tấn công chiến lược trên phạm vi toàn cầu. Do đó, phát triển các loại vũ khí, đặc biệt là tên lửa đạn đạo chiến lược thế hệ mới có khả năng tấn công chính xác mọi mục tiêu trên toàn cầu là cơ sở để Mỹ tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào năng lực phòng thủ của các hệ thống bên ngoài lãnh thổ, qua đó nâng cao năng lực tấn công chính xác mục tiêu tầm xa từ các hệ thống bố trí ngay trên lãnh thổ Mỹ, tạo ra áp lực uy hiếp hạt nhân mới đối với các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác.
Một số chương trình phát triển
- Hệ thống uy hiếp chiến lược trên bộ. Tháng 1/2018, Chính phủ Mỹ công bố Kế hoạch phát triển hệ thống uy hiếp chiến lược trên bộ tương lai, theo đó kế hoạch này xác định phương án sơ bộ phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thế hệ mới cho lực lượng lục quân, đồng thời đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cụ thể cho từng giai đoạn và từng hệ thống nghiên cứu phát triển. Hệ thống tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới vẫn sử dụng ở dạng giếng phóng đồng thời được trang bị thêm đầu đạn hạt nhân. Dự kiến, trong năm tài khóa 2027, loại tên lửa xuyên lục địa thế hệ mới của Lục quân Mỹ sẽ chính thức đưa vào biên chế, năm 2034 sẽ chính thức hoàn thành xong việc bố trí.
- Hệ thống uy hiếp chiến lược trên biển. Hải quân Mỹ đang lên kế hoạch đóng mới 12 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới. Theo đó, mỗi tàu sẽ có khả năng mang được 16 quả tên lửa D5LE - đây là loại tên lửa đạn đạo thế hệ mới được phát triển trên nguyên mẫu tên lửa UGM-133A Trident II. Chiếc đầu tiên sẽ bắt đầu được đóng vào năm 2021, năm 2031 sẽ bắt đầu được bàn giao và đưa vào biên chế.
- Hệ thống uy hiếp chiến lược trên không. Không quân Mỹ đã triển khai kế hoạch phát triển tên lửa tấn công tầm xa chiến lược LRSO. Hạt nhân của hệ thống này là máy bay ném bom tầm xa có khả năng mang các loại đầu đạn hạt nhân và các loại tên lửa thế hệ mới. Tên lửa LRSO có khả năng sẽ được Mỹ dùng để thay thế cho tên lửa hành trình không đối đất AGM-86, dự kiến đến năm 2030 sẽ chính thức đi vào sử dụng.
Tháng 2/2018, người phát ngôn Không quân Mỹ cho biết, hiện tại đang có 3 phương án để phát triển hệ thống động lực cho tên lửa LRSO với trang bị đầu đạn W80 như đang sử dụng trên tên lửa hành trình AGM-86 hoặc là sử dụng đầu đạn hạt nhân B61 như trên tên lửa hành trình BGM-109G.
Theo đó, tên lửa LRSO có tầm bắn vào khoảng từ 2.500 - 3.000km, nếu như được trang bị loại động cơ mới thì tầm bắn có thể lên tới 5.000km. LRSO có độ chính xác cao, do được áp dụng cả dẫn đường bằng vệ tinh và dẫn đường vô tuyến nên độ sai số trúng đích chỉ là 3,5m.