Liên Xô 'phá vỡ' thế độc quyền hạt nhân của Mỹ như thế nào?
Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử nghiệm thành công quả bom nguyên tử đầu tiên, phá vỡ sự độc quyền hạt nhân của Mỹ.
Đây là thành công vang dội của nền khoa học kĩ thuật Xô viết, đồng thời, cũng cho thấy sự đóng góp cực kì to lớn và hiệu quả của tình báo Liên Xô.
Từ sơ đồ quả bom “Thằng béo” (Fat Man)
Ngày 25/9/1941, tình báo viên Vladimir Barkovsky hoạt động ở Anh báo cáo London đang tiến hành dự án Tube Alloys, mục tiêu là chế tạo một vũ khí cực mạnh, sử dụng chất uranium-235. London hợp tác chặt chẽ với Washington, nước cũng đang ráo riết nghiên cứu bom nguyên tử với dự án Manhattan.
Tiếp đó là thông tin của nhà vật lí người Đức Klaus Fuchs, người từ năm 1940 được tham gia Dự án Tube Alloys và từ cuối 1941 tự nguyện hợp tác với Tình báo Liên Xô dưới sự chỉ đạo của nữ tình báo viên Sonya Kutrinskaya. Giá trị các tin tức do Fuchs cung cấp chủ yếu là Đức, Anh, Mỹ đã tiến xa bao nhiêu trong những công trình nghiên cứu của họ.
Tuy nhiên, những thông tin của Fuchs có lẽ là yếu tố quyết định để nhà lãnh đạo Stalin hạ quyết tâm bắt đầu cuộc chạy đua hạt nhân.
Tháng 12/1943, Fuchs đến Los Alamos, Mỹ làm việc tại Phòng thí nghiệm hạt nhân thuộc dự án Manhattan. Dưới sự chỉ đạo của Tổ trưởng điệp báo Alesander Feliksov, ông tiếp tục chuyển cho tình báo Liên Xô nhiều thông tin quan trọng về cách thức lắp ráp bom, chất nổ, cấu trúc bom...
Ngoài Klaus Fuchs, làm việc cho tình báo Liên Xô ở Los Alamos còn có nhóm điệp viên gồm vợ chồng nhà vật lí Julius và Ethel Rosenberg, vợ chồng kĩ sư David và Rus Greenglas, đều dưới sự chỉ đạo của Đại tá Feliksov.
Nhóm này đã đánh cắp được sơ đồ thiết kế quả bom "Thằng béo" mà sau này bị ném xuống Nagasaki (Nhật Bản); tìm kiếm được một công nghệ hết sức quan trọng là khuôn cho ngòi nổ trong quả bom; thu thập nhiều tài liệu giúp khẳng định những thông tin khoa học của Fuchs, đồng thời bổ sung một số chi tiết kĩ thuật mà Fuchs biết ít hơn.
Đến các mẫu uranium
Mùa xuân năm 1942, tình báo Liên Xô tuyển mộ được một "điệp viên nguyên tử" nữa - nhà bác học Anh Alan Nunn May, bí danh Alex, do tình báo viên quân sự nổi tiếng Yan Trernhyak chỉ huy. Tận dụng vị trí công việc tại dự án Tube Alloys, May chuyển cho Trernhyak kết quả nghiên cứu về uranium tại Đại học Cambridge, về các thiết bị phân tích các đồng vị uranium, quá trình nhận được plutonium, các bản vẽ lò phản ứng uranium cùng các nguyên tắc làm việc của nó.
Tháng 12/1943, Nunn May chuyển sang làm tại Phòng Năng lượng hạt nhân của Canada đặt tại Montreal, cán bộ chỉ đạo là Trung úy GRU trẻ tuổi Pavel Anjelov. May đã thu thập được bản mô tả chi tiết về kết cấu quả bom, các bộ phận riêng biệt và quy trình công nghệ chế tạo ra nó.
Đặc biệt là, chỉ ba ngày sau khi thành phố Hiroshima (Nhật Bản) bị Mỹ ném bom nguyên tử, May chuyển cho Anjelov hai mẫu uranium-233 được làm giàu đựng trong ống nghiệm thủy tinh, và chất kết tủa của uranium-235 gói trong giấy bạch kim.
"Sản phẩm" được Tổ trưởng GRU tại Canada - Đại tá Nikolai Zabotin đánh giá là tối quan trọng, đến mức ông phái cấp phó là Trung tá Motinovui trực tiếp mang về Moscow. Tại sân bay, người ra đón Motinovui là Giám đốc GRU, Trung tướng Kuznesov. Cũng tại sân bay, Tướng Kuznesov chuyển ngay các mẫu vật cho Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng L. Beria, người được Stalin giao trọng trách chỉ đạo công việc chế tạo bom nguyên tử.
Tuyển mộ cả “cha đẻ” của bom nguyên tử
Cùng làm tại Phòng Năng lượng hạt nhân Montreal còn có điệp viên của KGB (lúc này gọi là Bộ An ninh quốc gia-MGB), nhà vật lí Italia Bruno Pontecor. Nhờ quan hệ thân thiết với nhà bác học đồng hương Enriko Fermi - người được giải thưởng Nobel, Pontecor đã cung cấp cho Liên Xô những tin tức cực kì quan trọng về các thử nghiệm phản ứng hạt nhân của Fermi.
Ông cũng chuyển giao cho MGB những bí mật công nghệ quan trọng như bản chất sự khuyếch tán của khí dùng trong quá trình chế tạo vũ khí chứa plutonium.
Năm 1944, MGB đạt được thành công lớn khi tuyển mộ được chính nhà bác học Mỹ Theodor Elvin Holl, bí danh "Mlat", được xem là một trong những cha đẻ của năng lượng hạt nhân và bom nguyên tử.
Được sự chỉ đạo của nhà tình báo Rudolf Abel, Holl đã cung cấp kết quả nghiên cứu một loại uranium đã được làm giàu, quá trình chế tạo và chuẩn bị thử nghiệm quả bom nguyên tử đầu tiên. Quan trọng nhất là tài liệu mô tả nguyên tắc gây nổ - còn gọi là "cấu trúc nội tại phát nổ từ bên trong", tức cơ sở vận hành của bom nguyên tử.
Mô tả được quá trình sản xuất plutonium
Một "mũi tiến công" khác của tình báo Liên Xô trong cuộc truy lùng bí mật nguyên tử được thực hiện thông qua điệp viên GRU có bí danh Delma - tên thật là George Abramovich Koval làm việc tại thành phố nguyên tử Oak Ridge, bang Tennesse.
Trong khi ở Los Alamos nghiên cứu dự án chế tạo bom nguyên tử thì tại Oak Ridge lại chuyên sâu về việc chế tạo uranium đã được làm giàu rồi chuyển đến Los Alamos. Delma đã thu thập và báo về Trung tâm quá trình hoạt động của nhà máy, số lượng sản phẩm.
Anh là điệp viên duy nhất mô tả được quá trình sản xuất plutonium. Cũng chính Delma đã giải thích về các dự án nguyên tử bí mật, cấu trúc của nó, tổng quan về sản xuất các chất nguyên tử và mối liên hệ của dự án nguyên tử với các lĩnh vực bí mật khác.