Liên Xô tổ chức lễ duyệt binh lịch sử năm 1941 như thế nào?
Hàng chục nghìn chiến sĩ, sĩ quan Hồng quân Liên Xô đã tham gia cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941 để kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng Mười thành công. Ngay sau khi rời Quảng trường Đỏ, các đơn vị tham gia duyệt binh ngay lập tức hành quân ra chiến trường ở ngoại vi Thủ đô Moscow.
Cuộc duyệt binh lịch sử đã khẳng định tinh thần chiến đấu bất khuất của Hồng quân, nhân dân Liên Xô, cũng như đánh dấu việc phát xít Đức bị chặn đứng ngay trước cửa Thủ đô của nhà nước công nông.
Dấu mốc khẳng định sự tồn tại của nhà nước Xô viết trước quân phát xít
Sau Cách mạng Tháng Mười, các cuộc duyệt binh để kỷ niệm ngày trọng đại này của Liên Xô là hoạt động thường niên. Tuy nhiên, thời điểm diễn ra cuộc duyệt binh vào tháng 11-1941 hoàn toàn không giống như thường lệ. Lễ duyệt binh diễn ra trong bối cảnh nhà nước Xô viết đang đứng trên bờ vực nguy hiểm: Các cánh quân của phát xít Đức đang tiến sát tới Moscow; các cơ quan sản xuất và hành chính nhà nước của Liên Xô đang được di tản và tất cả những gì bỏ lại đều được cài mìn để không bị rơi vào tay phát xít.
Cùng với đó, với việc thành phố đang dần bị bao vây, hệ thống giao thông tại Moscow đã bị phong tỏa. Người dân cố gắng di tản khỏi thành phố. Để tránh tình trạng hỗn loạn, chính quyền Liên Xô đã phải áp dụng thiết quân luật tại Moscow để duy trì trật tự.
Trong bối cảnh đó, để tăng sĩ khí và đánh thức chủ nghĩa anh hùng cách mạng của người dân, giới chức lãnh đạo Liên Xô đã quyết định nhanh chóng tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Cách mạng Tháng Mười tại Quảng trường Đỏ. Đây là lời khẳng định với thế giới rằng, Liên Xô vẫn và sẽ tiếp tục chiến đấu với chủ nghĩa phát xít.
Lễ duyệt binh được gấp rút chuẩn bị và mọi việc đều diễn ra đúng kế hoạch.
Công tác chuẩn bị duyệt binh được thực hiện trong… vài ngày
Nhiệm vụ đầu tiên để lễ duyệt binh diễn ra an toàn là Quảng trường Đỏ cần được bảo vệ trước các đợt không kích của không quân phát xít. Vào ngày 5-11, Không quân Liên Xô đã phát động các đợt tập kích đường không quy mô vào các sân bay của phát xít Đức trong phạm vi có thể uy hiếp được Moscow. Khoảng 550 máy bay chiến đấu, ném bom của Hồng quân huy động từ nhiều mặt trận đã oanh tạc dữ dội các vị trí đóng quân của không quân phát xít.
Cùng với đó, các đơn vị phòng không bảo vệ Moscow đang tăng cường và luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao độ. Kết hợp với sự chuẩn bị về mặt con người và trang bị, thời tiết cũng đứng về phía Liên Xô, trong ngày 7-11-1941, tại khu vực Moscow có tuyết rơi dày và không có sự xuất hiện của máy bay phát xít.
Để lễ duyệt binh diễn ra, Liên Xô đã gỡ bỏ lớp ngụy trang trên Điện Kremlin và Lăng Lênin. Tổng tư lệnh I. Stalin đã có bài phát biểu tại buổi lễ. Diễn ra đồng thời với cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, một cuộc duyệt binh tương tự cũng diễn ra tại thành phố Kuybyshev (hiện nay là Samara) với sự tham gia của đại diện ngoại giao nước ngoài tại Nga. Kuybyshev thời điểm đó được coi là thủ đô lâm thời của Liên Xô, nằm cách Moscow 1.000km. Trong trường hợp Moscow thất thủ, bộ máy nhà nước Liên Xô sẽ chuyển tới hoạt động tại đây.
Theo con số thống kê chính thức có khoảng 28.500 chiến sĩ, sĩ quan Hồng quân tham gia duyệt binh tại Moscow. Hầu hết họ là học viên các nhà trường quân đội đóng xung quanh Moscow và lực lượng dự bị của Bộ tư lệnh tối cao Hồng quân. Tham gia lễ duyệt binh còn có 140 khẩu pháo, 160 xe tăng và 232 xe quân sự. Do tuyết rơi dày, đội hình duyệt binh không quân đã bị hủy bỏ.
Thông thường, để chuẩn bị cho lễ duyệt binh trên Quảng trường Đỏ, các đơn vị Hồng quân sẽ phải luyện tập trong vòng 2-3 tháng, nhưng ở năm 1941, việc chuẩn bị chỉ có vài ngày. Ngay sau lễ duyệt binh, phần lớn đội hình duyệt binh đã đi thẳng ra mặt trận ở ngoại ô, cách đó 30km.
Cuộc duyệt binh lịch sử năm 1941 nhận được sự chào đón và quan tâm rộng rãi của nhân dân Liên Xô, cũng như các nhà báo quốc tế có mặt ở Moscow.
“Tôi đã nghe về cuộc duyệt binh khi đang ở nhà tại phố Kalinin. Nó thực sự đã truyền cảm hứng về lòng yêu nước cho chúng tôi. Khi đó tôi mới 17 tuổi và đã nộp đơn xin nhập ngũ”, cựu chiến binh Sergei Kolodin kể lại.