Liệu AI có tranh mất việc làm của tôi và bạn?

Cuối tháng 6, đầu tháng 7 khi kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đến cũng là khi câu hỏi liên quan đến việc lựa chọn ngành nghề trở thành vấn đề quan trọng nhất trong năm của nhiều gia đình. Trên mạng, câu chuyện 'những ngành nghề hốt bạc trong năm 2024' hoặc 'học ngành gì để không thất nghiệp' cũng trở thành đề tài nóng, hút view, được các báo điện tử và các diễn đàn online khai thác.

Chỉ có một điều lạ là, khi chúng ta mải mê đi tìm câu trả lời cho câu hỏi học ngành gì để không thất nghiệp, thậm chí để hốt bạc và tranh luận nảy lửa về nó, thì chúng ta lại quên đi một vấn đề quan trọng hơn nhiều: Phải học như thế nào để sau này không thất nghiệp?

1. Tôi gặp họ trong một nhà hàng ăn kiểu Ý khá sang trọng ở thị trấn du lịch ồn ã Sapa. Đó là một chàng trai người Mông và một cô gái trẻ người Dao. Chàng trai hình như là nhân viên phục vụ bàn còn cô gái, hình như là đầu bếp. Tôi nói “hình như” vì trong công việc phục vụ, chàng trai rất tận tụy, đến nỗi chồng tôi cứ quả quyết rằng, "chắc nhà hàng này là của cậu ấy hoặc chí ít là cậu ấy có cổ phần". Còn cô gái, tận dụng những phút giây ngắn ngủi còn trống giữa giờ nướng bánh pizza, cô ấy chạy thoăn thoắt như con thoi lẫn giữa những chàng bồi bàn để cùng bưng bê phục vụ khách.

Học sinh nghe các chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Học sinh nghe các chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Lò nướng bánh pizza được đặt ở ngay sát quầy bar, thơm đến nhức mũi khách hàng. Cô gái người Dao sản xuất pizza ngay tại chỗ với sự trợ giúp của chàng trai bồi bàn. Đôi bàn tay thoăn thoắt như múa, thành thạo đến điêu luyện. Chồng tôi, bị ám ảnh bởi cảm giác nghi ngờ độ tận tụy của khá đông người làm thuê, nên hỏi: "Nhà hàng này của các cháu à?" và thay cho câu trả lời, chàng trai lắc đầu, nhỏ nhẹ: "Dạ, không" rồi trìu mến giới thiệu chủ nhà hàng, một người đàn ông đứng tuổi, khiêm nhường mỉm cười sau quầy bar.

Chàng trai người Mông và cô gái người Dao vừa nướng bánh, vừa vui vẻ trò chuyện cùng chúng tôi: "Chúng cháu chưa từng học qua một khóa đào tạo chính quy nào về nấu bếp hay bồi bàn. Từ trên núi xuống thị trấn du lịch này, Sapa đối với chúng cháu còn xa lạ chứ huống chi nước Ý ở mãi chân trời tít tắp nào. Ông chủ nhà hàng truyền nghề cho chúng cháu và cần mẫn mãi ở đây, tận tụy mãi ở đây, cái chúng cháu nhận được lớn hơn nhiều những đồng lương hằng tháng là nghề làm bánh pizza, là kỹ năng bồi bàn và cả trình độ tiếng Anh".

Lúc ấy, tôi đã nhìn thật lâu vào gương mặt đầy tự tin của họ và đến tận khoảnh khắc đó, tôi mới thấy những giọt mồ hôi rơi trên má họ giữa Sapa còn đang co ro trong giá lạnh.

Thốt nhiên, tôi chợt nhớ đến thầy giáo dạy tôi hồi học ở Hà Nội. Đó là một giáo sư khá nghiêm khắc và đặc biệt dị ứng với những sinh viên đi học muộn. Thầy bảo, thầy chán ghét những sinh viên đêm đêm cày mạng và sáng ra mắt nhắm mắt mở đem bộ mặt ngái ngủ lên giảng đường. 5 phút sau trống vào học, thầy luôn bắt các trò đóng tất cả cửa ra vào lớp lại. Thầy từ chối tất cả những trường hợp lên lớp muộn. Thầy không muốn dạy họ bởi với họ 4 năm đại học chỉ là một cuộc xả hơi sau kỳ thi đại học căng thẳng. Mỗi năm họ tiêu tốn bao nhiêu tấn thóc của cha mẹ ở quê cho tiền ăn ở, sinh hoạt ở cái đất kinh kỳ “gạo châu củi quế” này mà đổi lại, xót xa thay, chỉ là những cuộc chơi. Họ sẽ làm được gì, cho dù, họ có tấm bằng đại học, thậm chí thạc sĩ đỏ chót trên tay? Trước những công việc phù hợp chuyên môn, liệu họ có đủ tự tin mà hành nghề như chàng trai người Mông và cô gái người Dao chưa từng một lần ngồi ghế giảng đường đại học kia?

Rồi đến lượt tôi đi dạy, cũng với những trải nghiệm không hề dễ chịu tương tự. 8 năm dạy đại học ở Hà Nội, đã có lần tôi tưởng mình vào nhầm lớp khi chuông reo báo giờ học đã bắt đầu mà cả giảng đường mênh mông chỉ có 3 sinh viên, trong đó 2 em đang gục trên mặt bàn ngủ vùi, sinh viên còn lại gương mặt thiếu ngủ, phờ phạc trả lời tôi một cách hồn nhiên: "Tiết 1, lại mùa đông, nên các bạn đi muộn". Quả nhiên, hết tiết 1, số sinh viên vào lớp đông dần lên cho đến khi ca học chỉ còn 10 phút nữa là kết thúc, vẫn có sinh viên mở cửa, cúi đầu xin tôi... cho em vào lớp. Trong những trường hợp như thế, tôi nghĩ, kể cả khi các em chọn đúng nghề, học trường hot thì cũng khó có thể thành công.

Đó còn chưa kể, chuyện sinh viên lên lớp dường như chỉ để điểm danh cho đủ điều kiện chuyên cần để thi, còn lại "thầy dạy là việc của thầy, em làm gì là việc của em". Tôi đã có lần, dù không muốn, đã phải mời một sinh viên ra khỏi lớp học khi em đeo tai nghe trong giờ học để... xem phim trên máy tính cá nhân và vui cười khoái trá với câu chuyện phim trên màn hình, say mê đến mức quên khuấy mất là em đang trong lớp học.

2. Có vẻ như chả mấy liên quan nhưng tôi chợt nhớ đến những người bạn học của tôi hồi ở Trường Đại học Sư phạm. Thời chúng tôi, điểm vào Sư phạm chưa cao ngất ngưởng như bây giờ và câu cửa miệng của giới sinh viên là “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Cho dù, khóa chúng tôi có 54 sinh viên thì có tới 35 sinh viên vào thẳng đại học vì đoạt giải trong kỳ thi quốc gia và nhiều hơn số đó vốn là cựu học sinh của các trường chuyên, lớp chọn danh giá ở nhiều địa phương từ Thanh Hóa trở ra thì vẫn là “tốp dưới”.

Phụ huynh đồng hành cùng con em nghe các chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Phụ huynh đồng hành cùng con em nghe các chuyên gia tư vấn lựa chọn ngành nghề tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh.

Khóa chúng tôi ra trường, thư đi tin lại cho nhau vẫn chỉ là những lo lắng, hoang mang vì thất nghiệp, vì cử nhân rồi mà vẫn ăn bám cha mẹ. Có bạn, giờ là giáo viên giỏi của trường chuyên danh tiếng, nhưng ngày ấy đã chấp nhận làm bảo mẫu trông ăn, trông ngủ cho một lớp bán trú cấp 1.

Có bạn, bất chấp những cảnh báo về cả một trời gian khó, vẫn đầu quân vào một trường cấp 3 dân lập dành cho học sinh hư ở Hà Nội. Bạn ấy từng bật khóc nức nở vì bất lực khi các trò đem đến cho cô một lời hứa: “Chúng em chơi bài trong giờ dạy của cô nhưng hứa sẽ không gây ra tiếng ồn để cô khỏi bị phê bình”. Bạn đã đối mặt với nước mắt và trụ lại, trở thành giáo viên giỏi ở ngôi trường đặc biệt ấy.

Có bạn đạp xe 20 cây số, túi không có nổi một đồng để dạy thử không lương ở một trường cấp 3. Hết thời gian thử việc, trường tổ chức thi tuyển, bạn đã định từ bỏ cuộc thi ấy vì cùng thi với bạn là một cô giáo vốn là con của một gia đình quyền thế. Nhưng, một đồng nghiệp lớn tuổi khuyên bạn đừng vội vã bỏ cuộc vì thầy nhìn thấy năng lực và tâm huyết của bạn qua những giờ giảng. Bạn đã thi với tâm thế trượt, vậy mà tình thế đảo ngược với chiến thắng ngoạn mục không thuộc về cô giáo nhà quyền thế kia. Cuộc thi ấy không chấm lý lịch mà chấm năng lực.

Hai mươi năm sau ngày ra trường, trong cuộc hội ngộ lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, những người bạn của tôi, những sinh viên năm xưa được ví như “chuột chạy cùng sào” giờ đều thành công trong sự nghiệp. Thành công đổi bằng những nỗ lực cả trong học tập khi ngồi trên giảng đường và sau này, khi ra làm việc. Bằng trải nghiệm của chính lứa sinh viên “chuột chạy cùng sào” ngày xưa, tôi hiểu rằng, ngành học hot chưa phải là một chỉ báo cho thấy người học sẽ không thất nghiệp.

3. Trong thời đại ngày nay, khi công nghệ số trở thành một lực lượng vật chất khách quan, con người được/phải sống chung với AI (trí tuệ nhân tạo), thì nỗ lực học thật để ra trường không bị AI tranh mất việc lại càng "nhìn" thấy một cách rõ rệt hơn. Sự bùng nổ của công nghệ AI với màn ra mắt hiện đại đến khó tin của Chat GPT, một ứng dụng chatbot AI gây ấn tượng với khả năng trả lời câu hỏi, làm thơ hay viết luận, cho thấy một nguy cơ không thể phủ nhận rằng, AI sẽ tiếm quyền của con người trong những công việc có tính giản đơn.

Một trích dẫn từ Giáo sư Steven Miller thuộc Đại học Quản lý Singapore (SMU), cho rằng, các ứng dụng AI hoàn toàn có khả năng thay thế phần lớn công việc của con người một cách hiệu quả và tiết kiệm hơn và những công việc có tính lặp lại cao hoặc dựa trên các hướng dẫn, quy định cụ thể sẽ dễ bị thay thế. Trong khi ngược lại, những công việc yêu cầu khả năng thích ứng và linh hoạt thì sẽ khó bị công nghệ thay thế hơn.

Nghiên cứu mới của Ngân hàng Goldman Sachs cho biết, các loại trí tuệ nhân tạo sản xuất nội dung (generative AI) như Chat GPT của OpenAI hay Bard của Google có thể tác động đến khoảng 300 triệu việc làm trên toàn cầu. Theo đó, các công việc trợ lý hành chính ở văn phòng có tỷ lệ được tự động hóa cao nhất với 46%. Nhưng, theo cây bút Larry Elliott của tờ Guardian, đợt sóng trí tuệ nhân tạo sẽ gây "xáo trộn" công việc của giới văn phòng trung lưu. Tức là việc làm của nhân viên văn phòng sẽ không còn dễ dàng như trước. Chỉ có người làm tốt công việc và có thể thích ứng với thay đổi, mới có thể trụ lại. Nghĩa là, nếu chỉ làm tốt công việc chưa đủ mà phải làm giỏi và đủ tự tin, đủ kiến thức để sẵn sàng thích ứng với sự thay đổi.

Đó, đương nhiên là kết quả của một quá trình học và tự học, lâu dài, bền bỉ và kiên cường chứ không thể ngày một ngày hai mà có được bằng bất kỳ phép màu nào. Vì thế, thái độ học tập sẽ là một nhân tố có ý nghĩa quyết định. Một ngành nghề hot đến mấy, một trường đại học hoàn hảo đến mấy cũng chỉ đóng vai trò như một mảnh đất tốt, còn hạt mầm được gieo có thể đơm hoa kết trái được hay không là do sự vận động tự thân của nó.

Vì thế, "học ngành gì để không thất nghiệp" là câu hỏi cần nhưng cần hơn thế là bài toán "học như thế nào để không bị thất nghiệp".

Song Thi

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nguoi-trong-cuoc/lieu-ai-co-tranh-mat-viec-lam-cua-toi-va-ban--i736942/