Liệu Azerbaijan có là lời giải cho bài toán khí đốt của châu Âu?

EU mở các cuộc đàm phán với Azerbaijan để nhập khẩu thêm khí đốt từ quốc gia vùng Kavkaz, có khả năng sử dụng các đường ống của Ukraine.

Thỏa thuận kéo dài 5 năm về trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine tới châu Âu sẽ hết hạn vào cuối năm nay.

Đây là thỏa thuận chính trị và thương mại duy nhất còn lại giữa Moscow và Kiev. Hiện các bên chỉ còn khoảng 5 tháng để tìm ra cách giữ cho dòng khí đốt tiếp tục chảy.

Đang trong quá trình đàm phán

Kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Liên minh châu Âu (EU) đã cố gắng loại bỏ khí đốt Nga khỏi cơ cấu năng lượng của mình, nhưng một số quốc gia thành viên vẫn tiếp tục nhận một lượng khí đốt nhất định từ Moscow thông qua đường ống đi qua Ukraine.

Theo Brussels, các quốc gia EU phụ thuộc nặng nề nhất vào khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine – bao gồm Áo, Slovakia, Hungary và Italy – có thể tăng cường nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) hoặc nhận khí đốt thông qua các đường ống khác vào EU.

Tuần trước, Moscow cho biết họ sẵn sàng gia hạn thỏa thuận. "Việc quá cảnh phụ thuộc vào Ukraine. Họ có những quy định riêng. Điều đó phụ thuộc vào mong muốn của họ. Nga sẵn sàng cung cấp", Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết.

Trong khi không có ý định gia hạn thỏa thuận với gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga, Ukraine vẫn muốn duy trì vai trò là quốc gia trung chuyển và giúp đảm bảo an ninh năng lượng của các nước láng giềng phía Tây.

Tổng thống Ukraine hồi đầu tháng này cho biết Kiev đang đàm phán để gửi khí đốt từ Azerbaijan đến EU. Một thỏa thuận thay thế khí đốt của Moscow bằng nguồn cung của Baku là "một trong những đề xuất" hiện đang được thảo luận, ông Zelensky nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn công bố hôm 20/7.

Có nhiều suy đoán về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine hết hạn vào tháng 12.2024. Ảnh: Atlantic Council

Có nhiều suy đoán về điều gì sẽ xảy ra tiếp theo sau khi thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga qua Ukraine hết hạn vào tháng 12.2024. Ảnh: Atlantic Council

Về phần mình, EU đã mở các cuộc đàm phán với Azerbaijan để nhập khẩu thêm khí đốt từ quốc gia vùng Kavkaz (Caucasus), có khả năng sử dụng các đường ống của Ukraine.

Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev xác nhận rằng Baku đã được cả Kiev và Brussels tiếp cận về vấn đề trên.

Các cuộc đàm phán vẫn tiếp tục với chính quyền ở Ukraine và EU cũng như với Nga và tất cả các bên dường như đều quan tâm đến việc tiếp tục dòng chảy khí đốt, ông Aliyev cho biết tại một hội nghị ở thị trấn Shusha của Azerbaijan hôm 20/7.

"Chúng tôi sẽ giúp đỡ nếu có thể. Tôi nghĩ có thể kéo dài thỏa thuận này", Bloomberg dẫn lời Tổng thống Aliyev nói.

Nhà lãnh đạo Azerbaijan cũng đề cập tầm quan trọng của đường ống Nga đi qua Ukraine, cho biết rằng nếu không có nó, các nước như Áo và Slovakia "sẽ gặp rắc rối nghiêm trọng". "Hoặc họ sẽ phải trả thêm hàng trăm triệu USD để mua khí đốt từ các nguồn khác, hoặc họ sẽ không có khả năng tiếp cận thêm lượng khí đốt bổ sung", ông nói.

Khi nói đến khí đốt, Azerbaijan tỏ ra thận trọng vì trước đây nước này đã từng bị cáo buộc là "cửa sau" cho hoạt động tái xuất khẩu khí đốt của Nga tới châu Âu.

Tổng thống Aliyev hôm 20/7 đã thẳng thừng bác cáo buộc trên là "tin giả", đồng thời bảo vệ quyết định của Baku về mua 1 tỷ m3 khí đốt từ Moscow.

"Chúng tôi đã ký hợp đồng mua 1 tỷ m3 khí đốt từ Nga khi giá trên thị trường quốc tế rất cao trong khi giá khí đốt Nga ở mức phải chăng. Đây hoàn toàn là một trường hợp kinh doanh thương mại, không có gì hơn thế", ông Aliyev nói.

Cân nhắc các lựa chọn

Ông Aliyev cũng chỉ ra tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược mà Azerbaijan và Ủy ban châu Âu (EC) ký kết vào tháng 7/2022, trong đó đặt ra mục tiêu cụ thể về nguồn cung khí đốt từ nước này sang châu Âu vào năm 2027.

Cụ thể, Azerbaijan đã tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu lên 56% trong năm 2022 và đặt mục tiêu tăng gấp đôi lượng giao hàng vào năm 2027. Nếu xuất khẩu tiếp tục tăng như đã đạt trong 6 tháng đầu năm nay, lượng xuất khẩu sang châu Âu dự kiến sẽ đạt 12,8 tỷ m3 vào cuối năm 2024.

Thủ tướng Slovakia Robert Fico hồi tháng 5 cho biết Slovakia muốn nhập khẩu khí đốt từ Azerbaijan được vận chuyển qua Ukraine và Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal đã nói rằng ông sẽ ủng hộ một thỏa thuận như vậy.

Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng Azerbaijan, quốc gia sẽ đăng cai hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu COP29 vào tháng 11, không có sẵn khí đốt trong ngắn hạn để tăng thêm nguồn cung sang châu Âu.

"Sản lượng khí đốt của Azerbaijan không lớn đến thế. Nhu cầu khí đốt trong nước của họ là rất lớn, và họ còn xuất khẩu mặt hàng này sang Gruzia (Georgia), Thổ Nhĩ Kỳ và một số điểm đến ở châu Âu", bà Aura Sabadus, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), nói với DW.

Các chuyên gia cho rằng Baku sẽ cần thời gian và phải đầu tư đáng kể để tăng công suất xuất khẩu khí đốt. Trong khi đó, các quốc gia EU đang cố gắng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo, vì vậy Brussels có thể không sẵn lòng ký một thỏa thuận dài hạn.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Baku gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để ký một thỏa thuận về khí đốt, tháng 7/2022. Ảnh: Caspian News

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tới Baku gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để ký một thỏa thuận về khí đốt, tháng 7/2022. Ảnh: Caspian News

Ngoài ra, vì Azerbaijan không có biên giới chung với Ukraine, khí đốt từ quốc gia vùng Kavkaz có thể sẽ cần "đi nhờ" qua cơ sở hạ tầng đường ống phía Nam của Nga, qua ngả Thổ Nhĩ Kỳ, Moldova và Romania để đến Ukraine.

Chi phí này được cho là cực kỳ đắt đỏ, do đó việc vận chuyển khí đốt qua các đường ống phía Nam này có thể không khả thi, bà Sabadus cho hay.

Một lựa chọn khác là các nhà cung cấp khí đốt của Azerbaijan bán khí đốt của họ thông qua Nga, cho phép công ty độc quyền năng lượng nhà nước Gazprom và các công ty khác của Moscow kiếm tiền từ dịch vụ vận chuyển.

Ukraine có các cơ sở lưu trữ khí đốt dưới lòng đất lớn nhất châu Âu, hầu hết nằm ở phía Tây đất nước. Trước khi xung đột bùng phát vào năm 2022, Kiev đã yêu cầu Moscow cho phép họ vận chuyển khí đốt từ Azerbaijan và Turkmenistan tới châu Âu. Tuy nhiên, Điện Kremlin đã từ chối. Do đó, tính khả thi của lựa chọn này không cao.

"Rất khó có khả năng người Nga sẽ mở cửa biên giới để tiếp nhận khí đốt từ các nước láng giềng vì điều đó có nghĩa là họ mất quyền kiểm soát hệ thống truyền tải của mình, vốn được coi là tài sản chiến lược", bà Sabadus nói.

Một giải pháp khác là thỏa thuận trao đổi khí đốt, trong đó Nga và Azerbaijan trao đổi khối lượng nhiên liệu nhất định trước khi tái xuất khẩu.

"Trên thực tế, thỏa thuận này sẽ chứng kiến khí đốt Nga được bán cho Azerbaijan ở ngay khu vực biên giới Nga-Ukraine, nơi khí đốt sau đó có thể được vận chuyển qua Ukraine", bà Sabadus nói, cho biết thêm rằng đây có thể được coi là rủi ro quá lớn đối với khách hàng châu Âu vì các đường ống của Ukraine vẫn có thể là mục tiêu cho các cuộc tấn công của Nga.

Minh Đức (Theo S&P Global, DW, Bloomberg)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/lieu-azerbaijan-co-la-loi-giai-cho-bai-toan-khi-dot-cua-chau-au-204240723144445507.htm