Liệu có sớm khi giáo dục giới tính ở bậc tiểu học?
Dậy thì sớm ở trẻ em diễn ra phổ biến, do đó giáo dục giới tính chính là việc cần thiết giúp các em thích ứng với sự thay đổi đột ngột của bản thân và giúp các em có khả năng tự bảo vệ mình…
Họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm lớp 4 ở một trường tiểu học trong thành phố cảnh báo, phụ huynh không nên giao điện thoại cho con khi đi học. Cô vừa “bắt quả tang”, một nhóm học sinh tụm 5 tụm 7 để xem video có nội dung nhạy cảm vào giờ ra chơi. Chưa hết, cô giáo còn yêu cầu phụ huynh không nên cho học sinh nữ mặc váy đồng phục quá ngắn khi đến trường, vì ở độ tuổi này nhiều em đã dậy thì. Lời cảnh báo của giáo viên khiến nhiều phụ huynh giật mình.
Ở lứa tuổi này, trẻ em thường tò mò mọi thứ, trong đó có giới tính, điều này không sai. Mặt khác, trẻ lại thường xuyên chịu tác động tiêu cực bởi internet, mạng xã hội, sách truyện, phim ảnh... khiến các em luôn phải đối mặt với những nguy cơ phức tạp của cuộc sống. Cũng trong buổi sáng họp phụ huynh hôm đó, một chị đã chia sẻ, có lần, con trai chị học lớp 4 hỏi mẹ, bao cao su dùng để làm gì? khiến chị bối rối và né tránh. Rồi thỉnh thoảng con kể về những rung động khi thích một bạn gái trong lớp. Lúc đó, chị mới nhận ra, con bắt đầu dậy thì và quan tâm đến chuyện giới tính, song, chị thừa nhận mình lại lúng túng, thiếu kiến thức về việc này nên chưa sẵn sàng nói chuyện với con.
Dù đã có sự cởi mở nhất định, song đại đa số các bậc phụ huynh thường ít đề cập, giáo dục toàn diện cho con cái vấn đề sức khỏe giới tính trong gia đình. Thậm chí, có phụ huynh còn cấm tiệt con mỗi khi các em nhắc đến chuyện giới tính. Họ cho rằng, các em chỉ cần tập trung vào việc học tập là đủ. Một phần nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm, xem nhẹ, nhưng phần lớn là do những rào cản về mặt tâm lý hoặc không có kiến thức, phương hướng để truyền tải những kiến thức đó.
Nhiều phụ huynh thừa nhận, họ rất khó khăn mỗi khi phải nói với con cái về vấn đề sức khỏe sinh sản, vấn đề giới tính. Trong khi, giáo dục giới tính trong trường học đang còn rất ít, bao nhiêu năm chỉ xuất hiện ở môn khoa học lớp 5. Đến khi Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 mới đề cập sâu hơn. Nội dung giáo dục giới tính được đưa vào Chương trình môn Tự nhiên và Xã hội từ lớp 1, lớp 2, lớp 3 và môn khoa học lớp 4, lớp 5. Các nội dung liên quan đến giáo dục giới tính như phòng tránh xâm hại... cũng được đưa vào nội dung của một số môn học khác như đạo đức, hoạt động trải nghiệm từ lớp 1.
Có thay đổi, chú trọng trong giáo dục giới tính ở trường học hiện nay, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, vẫn ở mức độ lồng ghép trong môn khoa học, thay vì được xem là một môn riêng. Bài kiểm tra đánh giá, giáo dục giới tính lại được ghép vào môn khác. Chương trình đưa vào mới chỉ đạt ở mức độ là giáo dục giới tính nói chung; tập trung dạy con gái bảo vệ bản thân mà chưa dạy cho con trai về hành vi xâm hại, quấy rối... Giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng được để bảo vệ bản thân.
Giáo dục giới tính là một quá trình lâu dài, cần sự phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa nhà trường và gia đình về mặt phương pháp; định hướng cho con lối sống tích cực, đúng đắn và tránh bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ. Phụ huynh cần dạy con phân biệt được đâu là hành vi xâm hại tình dục và cách ứng phó khi bị người khác tấn công. Vấn đề đặt ra ở đây là, cha mẹ cần nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn câu chuyện về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ.
Trở lại câu chuyện nhiều phụ huynh không biết giải thích với con về vấn đề giới tính, họ đã tìm mua các cuốn sách nói kỹ về cơ thể, tâm sinh lý và khéo léo đặt lên bàn học như người bạn đồng hành, giúp con hiểu rõ về cơ thể mình khi vào tuổi dậy thì.