Liệu có thể xử lý hình sự nam sinh lớp 10 đột nhập nhà hàng xóm trộm cắp tài sản, sát hại gia chủ?
Thông tin đối tượng Giang Seo Nhà (15 tuổi) bị công an bắt giữ do sát hại một người hàng xóm bằng nhiều nhát dao khiến dư luận bàng hoàng. Khi gây án, đối tượng vẫn đang ở lứa tuổi trẻ em nên câu hỏi đặt ra là trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này sẽ được xem xét như thế nào?
Công an tỉnh Lào Cai đã bắt giữ nghi phạm Giàng Seo Nhà (15 tuổi, ở huyện Bắc Hà, đang học lớp 10) đề điều tra về hành vi giết người. Theo đó, do thiếu tiền sinh hoạt nên Nhà nảy ý định trộm cắp tài sản. Qua quan sát hàng xóm xung quanh, Nhà phát hiện gia đình chị Vàng Thị C (37 tuổi, ở huyện Bắc Hà) dễ "kiếm ăn" hơn cả do hắn từng đột nhập vào trộm trước đó.
Khoảng 1h ngày 14/10, Nhà lẻn vào nhà chị C với ý định trộm cắp tài sản. Khi đối tượng vừa trèo qua ô thoáng cửa chính vào trong buồng thì bị chị C phát hiện. Sợ lộ, Nhà đã dùng dao mang theo người chém liên tiếp vào người làm chị C gục tại chỗ.
Sau khi gây án, Nhà thoát ra ngoài theo hướng cửa sổ rồi đi theo đường bê tông được 50m thì tháo găng tay vứt lề đường, con dao ném xuống khe suối cạn gần đó. Cơ quan công an đã thu giữ con dao, găng tay mà đối tượng này sử dụng khi gây án.
Bình luận về vụ việc đau lòng này, luật sư Bùi Quang Thu (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng, hiện nghi can Nhà mới 15 tuổi và đang học lớp 10, do những người trong độ tuổi này có nhận thức chưa đầy đủ, hành vi của họ thường mang tính bột phát do bị lôi kéo hoặc kích động nên không thể áp dụng các biện pháp xử lý người chưa thành niên phạm tội giống như những người đã thành niên. Chính sách hình sự của Nhà nước đối với người chưa thành niên phạm tội chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm.
Theo quy định, việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải căn cứ vào độ tuổi, khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.
"Đây là nguyên tắc định hướng, nội dung của nguyên tắc này là đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân, khi tiến hành một hoạt động liên quan đến việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội cần bảo đảm rằng quyết định đó là tốt nhất cho trẻ em trong mối quan hệ hài hòa với các lợi ích khác cũng như bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật. Mục đích của việc xử lý người chưa thành niên phạm tội là để giáo dục, giúp họ sửa chữa lỗi lầm, trở thành công dân có ích cho xã hội chứ không đề cập trực tiếp đến mục đích trừng trị", luật sư Thu chia sẻ.
Cũng theo luật sư Thu, đối với người chưa thành niên, nếu như hành vi mà họ thực hiện bị BLHS coi là tội phạm nhưng việc có đưa ra truy tố xét xử hay không là việc mà các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải xem xét, cân nhắc. Để thực hiện được nguyên tắc này, khi người chưa thành niên phạm tội các cơ quan tư pháp phải xác định tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội.
"Việc làm này sẽ giúp người chưa thành niên phạm tội nhận thức một cách đầy đủ và sâu sắc về hành vi của mình, có như vậy mới có thể giúp họ sửa chữa lỗi lầm và trở thành người có ích cho xã hội", luật sư Thu phân tích.
Ở một khía cạnh khác, luật sư Nguyễn Thu Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) khẳng định, dù nghi phạm mới 15 tuổi nhưng căn cứ khoản 2 (Điều 12, BLHS 2015) quy định: "Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này". Do vậy, đối chiếu quy định trên, nghi phạm Nhà vẫn bị xử lý về tội "Giết người". Tội danh này khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, căn cứ khoản 2 (Điều 101, BLHS 2015) quy định mức phạt tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi khi phạm tội như sau: "Nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình, thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 12 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá một phần hai mức phạt tù mà điều luật quy định".
Luật sư Anh nói: "Những năm gần đây, tình trạng người chưa thành niên vi phạm pháp luật xảy ra có chiều hướng gia tăng. Tuy ở độ tuổi còn rất trẻ, song hành vi phạm tội của những "bị cáo tuổi teen" là rất nguy hiểm và quyết liệt. Hậu quả để lại là rất nặng nề, gây dư luận xấu trong xã hội. Hành vi phạm tội của H đã gây đau thương, mất mát không gì bù đắp được cho người thân của cháu bé nên cần thiết phải xử lý nghiêm minh mới có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay".