Liệu có 'truyện cổ tích' ở Greenland?

Trước khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã khiến giới lãnh đạo và công chúng của ít nhất ba quốc gia có chủ quyền, chưa kể đến các đồng minh châu Âu, thực sự 'khó chịu'. Ngoài việc đề xuất Canada trở thành 'tiểu bang thứ 51' và tuyên bố ý định giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, ông Trump một lần nữa quay lại chủ đề mua Greenland từ Đan Mạch.

Đằng sau đề xuất mua lại Greenland của Tổng thống Donald Trump

Đằng sau đề xuất mua lại Greenland của Tổng thống Donald Trump

Ngày 7/1, Tổng thống sắp nhậm chức của Mỹ Donald Trump tuyên bố có thể áp thuế đối với Đan Mạch nếu nước này từ chối nhượng lại Greenland. Theo The New York Times, những hạn chế mà Chính quyền Trump có thể áp đặt đối với Đan Mạch không chỉ gây tổn hại cho nước này, quốc gia vẫn kiểm soát Greenland, mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới chính người tiêu dùng Mỹ. Mặc dù Đan Mạch không phải là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, song hàng hóa từ Đan Mạch vẫn đóng vai trò quan trọng, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ.

Theo Cục Thống kê Dân số Mỹ, Đan Mạch đứng thứ 37 trong danh sách các đối tác thương mại của Mỹ. Còn theo Tạp chí Barrons, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 9,8 tỷ USD trong 12 tháng kể từ tháng 11 năm 2023. Người tiêu dùng Mỹ đặc biệt ưa chuộng các mặt hàng hóa từ Đan Mạch, như insulin, vắc-xin và kháng sinh, cũng như dụng cụ y tế, bộ lắp ghép Lego...

Giới lãnh đạo Mỹ đã không ít lần nhắc đến chuyện mua lại Greenland, ngay cả Tổng thống Donald Trump cũng đã đề cập đến vấn đề này trong nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2019. Tuy nhiên, sáng kiến lần này của ông Trump có vẻ nghiêm túc hơn và lời lẽ cũng quyết đoán hơn. Giải thích cho điều này có thể kể đến một vài nguyên nhân sau: Đầu tiên, Greenland chiếm vị trí địa chiến lược quan trọng ở Bắc Đại Tây Dương và Bắc Cực. Ngoài khơi bờ biển phía tây nam, có Hành lang Tây Bắc, một tuyến đường biển từ Thái Bình Dương qua Quần đảo Bắc Cực thuộc Canada, chảy vào Đại Tây Dương. Về phía đông nam là ranh giới Greenland-Iceland-Anh, tuyến phòng thủ hàng hải quan trọng của NATO ở Bắc Đại Tây Dương.

Thứ hai, Greenland giàu khoáng sản, như kim loại đất hiếm rất quan trọng đối với ngành công nghiệp công nghệ cao, uranium và thậm chí là hydrocarbon. Ngoài ra không thể bỏ qua nguồn dự trữ nước ngọt ở các sông băng Greenland, chiếm khoảng 7% tổng lượng nước ngọt trên thế giới. Đặc biệt, việc Trung Quốc, đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ, cũng đang tích cực tham gia vào hoạt động kinh tế ở Greenland, càng làm tăng thêm sự quan tâm của Mỹ đối với hòn đảo này.

Cuối cùng, không loại trừ khả năng với tính cách khó đoán định của mình, Tổng thống Donald Trump muốn củng cố vị thế quyền lực, thu hút sự ủng hộ của cử tri, cả cũ và mới, trong số những người mơ về “một nước Mỹ vĩ đại trở lại”.

Nhiệm vụ bất khả thi

Liên quan đến hòn đảo Greenland, có vẻ như Đan Mạch sẽ không nhượng bộ Chính quyền Trump. Sau những tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump về hòn đảo này, cũng như chuyến thăm của con trai ông là Donald Trump Jr. tới Greenland, trong một cuộc phỏng vấn trên đài TV2, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen nhấn mạnh, chỉ có người dân ở Greenland mới có thể quyết định đến tương lai của hòn đảo này.

Theo một hiệp ước năm 2009, Greenland chỉ có thể tuyên bố độc lập khỏi Copenhagen nếu người dân trên đảo bỏ phiếu thông qua trưng cầu dân ý. Vào ngày 4/1, lãnh đạo Greenland Mute Egede nhấn mạnh mong muốn theo đuổi nền độc lập hoàn toàn khỏi Đan Mạch, đánh dấu sự thay đổi đáng kể trong quan điểm xung quanh tương lai của hòn đảo Bắc Cực này. “Đã đến lúc chúng ta phải tự mình hành động và định hình tương lai của mình, đồng thời quyết định xem chúng ta sẽ hợp tác chặt chẽ với ai và ai sẽ là đối tác thương mại của chúng ta”, lãnh đạo Greenland Egede nói.

Hiện vẫn chưa có bất kỳ một nghiên cứu xã hội học nào về việc người dân Greenland có muốn trở thành một phần của Mỹ hay không. Tuy nhiên, một bộ phận đáng kể người dân trên đảo lại ủng hộ việc giành độc lập khỏi Đan Mạch. Điều này xuất phát từ vụ bê bối liên quan đến việc triệt sản cưỡng bức đối với phụ nữ Greenland. Trong đơn kiện ngày 4/3/2024, nhóm phụ nữ (khoảng 143 người) yêu cầu chính quyền Đan Mạch bồi thường 43 triệu Kroner (6,3 triệu USD) vì hành động lén đặt vòng mà họ cho là đã vi phạm nhân quyền. Một số người cho hay họ bị các bác sĩ Đan Mạch đặt vòng tránh thai khi mới 12 tuổi, trong chiến dịch kìm hãm đà tăng dân số ở Greenland. Có khoảng 4.500 phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân của chiến dịch từ năm 1966 tới 1970. Được biết, chính quyền Đan Mạch và Greenland đã tiến hành một cuộc điều tra đặc biệt, kết quả của cuộc điều tra này dự kiến sẽ được công bố vào tháng 5 năm 2025.

Theo Lev Sokolshchik, nhà nghiên cứu hàng đầu tại Trường Kinh tế cao cấp (HSE) cho rằng, các tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không chỉ là công cụ gây sức ép đối với Đan Mạch, mà còn đối với các đối tác khác. Tổng thống đắc cử đang sử dụng mọi biện pháp để chứng minh với các đồng minh và đối thủ về ý định theo đuổi chính sách đối ngoại cứng rắn của mình. Mục tiêu của ông là củng cố vị thế đàm phán của Mỹ về nhiều vấn đề, từ đàm phán lại các thỏa thuận thương mại đến yêu cầu các đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng.

Mặc dù chưa chính thức nhậm chức, song cộng đồng quốc tế có thể thấy được chủ trương “Nước Mỹ trên hết” sẽ tiếp tục được Tổng thống Donald Trump theo đuổi trong nhiệm kỳ thứ hai. Tuy nhiên, lần này vấn đề lãnh thổ đang được ông Trump đặc biệt quan tâm và là “lời hùng biện” cho chính sách thực dụng của mình. Ông cũng từng nhấn mạnh xu hướng cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó Bắc Cực là một địa bàn quan trọng. Tuy nhiên, theo Lev Sokolshchik, việc sáp nhập Greenland có vẻ khó xảy ra do thiếu sự đồng thuận về vấn đề này trong chính trị nội bộ Mỹ, thậm chí ngay trong Đảng Cộng hòa, và sự phức tạp của quá trình phê duyệt các thỏa thuận như vậy tại Quốc hội.

Trước đó, tờ báo The Hill đưa tin, một số đảng viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện và Hạ viện, thậm chí cả các nghị sĩ cấp cao, không ủng hộ sáng kiến thâu tóm lãnh thổ mới của Tổng thống Donald Trump. Bất kỳ thỏa thuận nào với một tiểu bang khác phải được Thượng viện phê chuẩn mới có hiệu lực, tức là cần có ít nhất 67 phiếu bầu, và với Đảng Cộng hòa, đây là nhiệm vụ bất khả khi.

Còn Dmitry Kochegurov, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Mỹ và Canada thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga nhận định, nếu sở hữu Greenland, Mỹ bảo đảm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với Bắc Đại Tây Dương và sẽ tăng thêm sức mạnh cho nỗ lực của Mỹ để cạnh tranh với Nga ở Bắc Cực. “Hiện tượng nóng lên toàn cầu xảy ra và sự tan chảy của các núi băng ở Bắc Cực gây ra nhiều tác động tiêu cực, nhưng nó cũng làm lộ ra những nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, như dầu mỏ và khoáng sản. Điều này có thể giải thích mong muốn có được Greenland của Tổng thống Donald Trump”, chuyên gia người Nga khẳng định.

Tuy nhiên, có những yếu tố cản trở tham vọng của Tổng thống Donald Trump, bao gồm sự phức tạp của quá trình mua lại và sự miễn cưỡng của Chính phủ Greenland và Đan Mạch trong việc tham gia các cuộc đàm phán như vậy. Theo Dmitry Kochegurov, Greenland có thể chỉ là một “chiêu trò” để Tổng thống Donald Trump gây áp lực buộc châu Âu phải nhượng bộ về thương mại và tăng chi tiêu quốc phòng trong thời gian tới.

Hùng Anh (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lieu-co-truyen-co-tich-o-greenland-236611.htm