Liệu EU có thể ngăn chặn chiến tranh Mỹ-Iran?
Lần đầu tiên trong lịch sử, số phận Iran dường như đang nằm trong tay Brussels khi chính sách ngoại giao của khối này ngày càng xoay chuyển về phía khu vực Trung Đông.
Hôm 8-7, tạp chí khí tài Defence Blog dẫn một nguồn tin quân sự tin cậy cho biết đã phát hiện đường bay của máy bay trinh sát RC-135S Cobra Ball thuộc không quân Mỹ trên bầu trời vịnh Ba Tư. Hãng tin Reuters cho rằng máy bay này nhiều khả năng sẽ được dùng để hỗ trợ đánh chặn tên lửa Iran nếu chiến tranh bùng phát.
Trước đó, hôm 7-7, Iran ra tuyên bố chấn động về việc phá vỡ giới hạn làm giàu uranium. Phát ngôn viên Cơ quan Năng lượng nguyên tử nước này Behrouz Kamalvandi tiết lộ các khâu chuẩn bị về mặt kỹ thuật cho việc nâng mức làm giàu uranium sẽ được hoàn tất “trong vài tiếng đồng hồ”. Vị này nhấn mạnh rằng: “mức độ làm giàu uranium trên 3,67% sẽ khởi động”.
Theo nội dung của thỏa thuận hạt nhân 2015 (JCPOA), Iran cam kết khống chế mức làm giàu uranium ở 3,67% trong vòng 15 năm. Đổi lại, Mỹ sẽ gỡ bỏ các cấm vận lên nền kinh tế nước này. Đối với các bên ký kết, đây là mốc đủ để đảm bảo Tehran không chế tạo bom nguyên tử.
EU khó chọn giữa Iran và Mỹ
Cùng ngày, sau tuyên bố của Tehran, bà Maja Kocijancic, phát ngôn viên của đại diện cấp cao phụ trách chính sách chuyên gia an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), nhấn mạnh EU “hết sức quan ngại về tuyên bố bắt đầu làm giàu uranium trên mức giới hạn 3,67% của Iran”. “Chúng tôi kêu gọi Iran chấm dứt động thái làm phá vỡ các cam kết của thỏa thuận hạt nhân, cũng như dừng và hủy bỏ tất cả hành động trái với các cam kết của nước này” - phát ngôn viên Maja Kocijancic tuyên bố.
Đối với EU, động thái mới nhất của Tehran dường như đã vượt quá sức chịu đựng của khối này. Cách đáp trả duy nhất của EU là tái áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế lên Iran. Bên cạnh đó, EU cũng đang chịu sức ép từ phía chính quyền Tổng thống Donald Trump xung quanh vấn đề đóng góp cho các hoạt động quân sự chung. Nếu EU tiếp tục đứng ngoài diễn biến mới của cuộc xung đột với Iran thì Washington sẽ thêm phật ý và có thể tiến hành trả đũa nhắm vào các mục tiêu thương mại của EU.
Ngoài ra, EU phải hết sức thận trọng trong giải quyết các mâu thuẫn với Mỹ, bởi khối này lâu nay vẫn phải dựa vào khả năng đảm bảo an ninh của Washington trước mối đe dọa từ Nga.
Mặt khác, theo nhận định của chuyên gia về Iran thuộc Viện Nghiên cứu đối ngoại châu Âu European Council on Foreign Relations, bà Ellie Geranmayeh, nhiều dấu hiệu cho thấy các quốc gia châu Âu đang tìm mọi cách cứu vãn JCPOA với Iran. Đối với EU, việc Iran vẫn tiếp tục tuân thủ thỏa thuận hạt nhân thêm gần một năm sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi chứng tỏ họ vẫn còn hy vọng rằng sẽ có một cách tiếp cận hòa bình với Iran hơn là cấm vận. Tuy nhiên, thật không may là thời gian không đứng về phía EU.
“Những nước châu Âu đang cố tìm cách để giảm nhẹ thiệt hại nhất có thể trước khi thỏa thuận sụp đổ hoặc một cuộc tấn công của liên quân Mỹ-Israel xảy ra. Các hành động của Iran cho đến hiện tại đều rất có chủ đích và tính toán” - bà Geranmayeh nhận định.
Đồng quan điểm, tờ The Straits Times cũng cho rằng gần đây Iran có động thái nhằm lôi kéo EU đứng về phía mình trong vấn đề mâu thuẫn với Mỹ trước khi EU bị Washington thuyết phục. Tehran biết rằng chỉ cần EU quyết định nhập cuộc với Washington và tái áp đặt trừng phạt, Iran chắc chắn sẽ phải chịu khuất phục và chịu ngồi vào bàn đàm phán với các điều khoản không có lợi cho họ.
Tờ báo này còn cho rằng chính quyền Tổng thống Hassan Rouhani đang đặt cược vào khả năng thuyết phục EU để kinh tế Iran có thể cố gắng tồn tại, chậm nhất là cho đến cuối năm sau. Khi đó, khả năng Mỹ đã có tổng thống mới sau cuộc bầu cử 2020.
Phản ứng trước tuyên bố phá giới hạn làm giàu uranium của Iran, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8-7 đã chỉ trích “sự bắt nạt đơn phương” (của Washington nhằm vào Tehran) là một “khối u” và là nguyên nhân của cuộc khủng hoảng hạt nhân Iran.
Ông Macron đưa hy vọng hòa bình?
Tờ The Washington Post đánh giá hiện nay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã dành rất nhiều công sức ổn định tình hình ở Iran. Hôm 6-7, ông Macron đã trực tiếp gọi điện thoại cho Tổng thống Iran Hassan Rouhani gần một tiếng đồng hồ để cam kết với người đứng đầu Tehran rằng châu Âu sẽ không bỏ rơi JCPOA.
Trước mắt, cuộc hội đàm giữa hai lãnh đạo nhiều khả năng đã có tác dụng khi Tehran tuyên bố sẽ dừng ở mức làm giàu 4,5% uranium, thấp hơn đáng kể so với mức 90% dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.
Hồi đầu năm 2018, cũng chính Tổng thống Macron đã thuyết phục thành công Tổng thống Trump tiếp tục tuân thủ thỏa thuận 2015, mặc dù ông chủ Nhà Trắng cuối cùng vẫn quyết định rút khỏi JCPOA vào cuối năm.
“Sự thật là chúng tôi đang hy vọng bằng việc giữ vị thế trung lập, chúng tôi có thể tác động đến Iran để nước này làm điều hợp lý nhất có thể trong bối cảnh hiện tại. Iran hiện đi theo hướng hoàn toàn khác, với các yếu tố cực đoan trở nên mạnh mẽ hơn vì ảnh hưởng từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump. Khả năng ngăn chặn chiến tranh (Mỹ-Iran) của chúng tôi đang biến mất” - chuyên gia về chính sách đối ngoại Pháp Dominique Moïsi, cựu cố vấn cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Emmanuel Macron, chia sẻ.
Mỹ muốn trả đũa Iran để giữ “thể diện”
Tướng Gholam Reza Jalali, chỉ huy Lực lượng phòng vệ dân sự Iran, ngày 7-7 tiết lộ một thông tin gây tranh cãi và chưa được kiểm chứng liên quan đến phản ứng của Mỹ sau khi Iran bắn rơi UAV Mỹ hôm 20-6.
“Sau khi chiếc UAV xâm nhập của họ bị bắn rơi, Mỹ đã nói với chúng tôi thông qua kênh ngoại giao rằng họ muốn một cuộc tấn công giới hạn nhắm vào vùng sa mạc không quan trọng của chúng tôi để giữ thể diện và đề nghị chúng tôi không đáp trả. Tuy nhiên, Iran tuyên bố sẽ xem bất cứ hoạt động nào như vậy là lời tuyên chiến” - hãng tin Mehr News trích lời tướng Jalali. Vị tướng cũng chỉ trích chính sách thù địch của Mỹ trong khu vực và cho rằng dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, số lượng phát ngôn gây hấn với Iran đã gia tăng.
Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/lieu-eu-co-the-ngan-chan-chien-tranh-myiran-845060.html