Liệu Indonesia có thể trở thành một cường quốc kinh tế?

Tổng thống Joko Widodo đã chứng kiến một kỷ nguyên tăng trưởng mạnh mẽ và phát triển nhanh chóng của Indonesia. Trong một cuộc phỏng vấn, ông còn tiết lộ những tham vọng lớn hơn.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đặt ra những tham vọng lớn cho nền kinh tế Indonesia (Ảnh: FT)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (Jokowi) là mẫu người của hành động. Cùng với đoàn tùy tùng đông đảo gồm các bộ trưởng nội các, đầu bếp và 100 giám đốc điều hành, ông đã đến trung tâm khu rừng nhiệt đới Borneo để giám sát kế hoạch táo bạo xây dựng thủ đô mới ở đó.

Trong cái nóng 38 độ C, ông Jokowi lao vào một lịch trình dày đặc các buổi lễ “động thổ” ở những khoảng trống trong rừng – bao gồm 1 sân bay, 1 trường học, 2 bệnh viện, 1 khách sạn và trung tâm mua sắm, cũng như trụ sở mới của Ngân hàng Trung ương Indonesia.

Đã 4 năm kể từ khi ông phê chuẩn dự án tham vọng trị giá 32 tỉ USD nhằm chuyển chính phủ từ siêu đô thị đông đúc và "đang chìm dần", Jakarta, tới Kalimantan. Ngay cả khi so sánh với tiêu chuẩn được coi là khổng lồ của các dự án cơ sở hạ tầng ở khắp châu Á, dự án này cũng có tham vọng và chi phí đáng kinh ngạc. Giờ đây, ông Widodo đang chạy đua với thời gian để biến nó thành hiện thực trước khi ông hết nhiệm kỳ vào năm tới.

“Cung điện này sẽ xanh, xanh, xanh”, ông hào hứng phát biểu khi có một chuyến tham quan dinh thự tổng thống đang được xây dựng dở dang. Thiết kế với hình dạng loài chim Garuda thần thoại của Indonesia, cung điện có đôi cánh dang rộng và tầm nhìn hướng ra Nusantara. Ông cho biết, công trình này sẽ được hoàn thiện “51%” trước thời hạn tháng 8 năm sau.

Ông gạt phăng những ngờ vực rằng mọi người có thể không muốn chuyển đến thủ đô mới; để đến đó từ Jakarta phải mất 2 giờ đi máy bay và sau đó là 2 giờ đi bằng ô tô. "Họ sẽ đến. Hãy so sánh nó với Jakarta, nơi thường xảy ra lũ lụt, ô nhiễm và ùn tắc giao thông”, ông Widodo nói. “Giới trẻ sẽ thích nơi đó. Nó sẽ không có carbon”.

Đối với những người chỉ trích ông, thủ đô mới là một dự án phù phiếm và tốn kém. Ông Widodo lại cho rằng đây là cơ hội để biến đổi địa lý kinh tế của đất nước. Rủi ro và tham vọng của dự án phản ánh rõ ràng những thách thức và cơ hội mà Indonesia đối mặt khi thời kỳ lãnh đạo của Widodo sắp kết thúc.

Sự rời đi của tổng thống vào năm tới, sau một thập kỷ nắm quyền, diễn ra khi nền dân chủ khổng lồ gồm 270 triệu dân này phải đối mặt với những câu hỏi lớn về quỹ đạo phát triển. Ông Widodo có tỷ lệ ủng hộ cao, gần 80% trong các cuộc thăm dò gần đây, phản ánh thành tích ổn định của ông trong việc điều hành nền kinh tế và bối cảnh địa chính trị ngày càng căng thẳng.

Sản lượng nickel của các nước tính theo triệu tấn (Ảnh: FT)

Tăng trưởng đều đặn 5%

Kể từ chiến thắng đầu tiên của ông trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2014, ngoại trừ thời kỳ đại dịch, GDP của Indonesia đã tăng trưởng đều đặn khoảng 5% mỗi năm. Trong bối cảnh mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh trở nên căng thẳng, ông đã chọn con đường trung lập một cách khôn ngoan. Củng cố vị thế của ông là nền tảng của Indonesia; đây là nhà sản xuất nickel lớn nhất thế giới, loại khoáng sản quan trọng làm nền tảng cho các công nghệ mới như xe điện và pin.

Liệu đây có thể là thời điểm cất cánh của Indonesia? Chẳng lẽ Indonesia không thể cạnh tranh với các quốc gia Đông Nam Á khác trong việc đạt mức tăng trưởng 7%, giúp nước này một ngày nào đó khẳng định vị thế là một trong năm nền kinh tế hàng đầu thế giới?

“Sự kết hợp giữa thị trường nội địa và tài nguyên thiên nhiên của Indonesia tốt đến mức nếu chúng tôi có được nguồn nhân lực và nền giáo dục phù hợp, tôi tin rằng sẽ khó có quốc gia nào cạnh tranh được với chúng tôi”, Doanh nhân công nghệ Nadiem Makarim, Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, cho biết.

Hay Indonesia sẽ phải chịu thất vọng về mặt kinh tế như thường lệ trước đây?

Evan Laksmana, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) ở Singapore, cho biết ông Widodo đã thực hiện được những lời hứa quan trọng về cơ sở hạ tầng và thương mại. Tuy nhiên, ông nói thêm, để thu hút thêm đầu tư quốc tế, Tổng thống cần phải làm nhiều hơn nữa để đảm bảo quyền lợi trong kinh doanh và thực hiện cải cách trong bộ máy quản lý.

“Rất nhiều chuyên gia và nhà kinh tế tin rằng Indonesia có thể và nên tăng trưởng ở mức hơn 5%, nhưng tôi không chắc nước này có thể lọt vào top 5 nền kinh tế hàng đầu vào năm 2045”, ông nói.

Ông Widodo khẳng định cả Mỹ và Trung Quốc đều là bạn của Indonesia (Ảnh: Getty)

Lách khỏi cuộc đối đầu Mỹ-Trung

Hai cụm từ quan trọng định nghĩa nhiệm kỳ Tổng thống của ông Widodo chính là cơ sở hạ tầng và nickel. Khi ông nhậm chức, nhu cầu về hàng hóa phong phú của Indonesia đã giảm sút do suy thoái toàn cầu, cơ sở hạ tầng của nước này thiếu vốn và sự nhiệt tình của các nhà đầu tư quốc tế đối với Indonesia cũng yếu đi.

Ông Widodo chỉ ra những tuyến đường cao tốc mà ông đã xây dựng, những sân bay mọc lên ở vùng xa xôi và số lượng gia tăng đáng kể các con đập mới, được coi là cần thiết vào thời điểm biến đổi khí hậu dẫn đến hạn hán ở nhiều nơi trên đất nước. Ông cười rạng rỡ: “Trước đây chúng tôi có 240 con đập, bây giờ con số đó là 301”.

Nhưng chính nhiệm kỳ thứ hai của ông, bắt đầu từ năm 2019, mới là thời điểm chứng kiến những chính sách kinh tế tham vọng nhất, đặc biệt là việc tạo ra chuỗi cung ứng xe điện và pin của Indonesia.

Bằng cách cấm xuất khẩu quặng nickel vào năm 2020, ông Widodo đã buộc các công ty như Tsingshan của Trung Quốc, LG của Hàn Quốc và Vale của Brazil phải xây dựng thêm các nhà máy ở địa phương nếu họ muốn tiếp cận trữ lượng nickel dồi dào của Indonesia. Những nhà máy này không chỉ để tinh chế nickel mà còn lôi kéo thêm nhiều công ty xây dựng thêm chuỗi cung ứng của họ tại quốc gia này.

Bất chấp phán quyết của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) rằng lệnh cấm là không công bằng, ông Widodo vẫn kiên trì với chính sách của mình và điều đó đã được đền đáp. Xuất khẩu của Indonesia, được thúc đẩy nhờ giá hàng hóa tăng vọt, đã đạt mức cao 292 tỉ USD vào năm 2022, mặc dù xuất khẩu đã chững lại trong năm nay do nền kinh tế Trung Quốc chậm lại.

Tuy nhiên, với tất cả tài năng ngoại giao của mình, thành tích thu hút FDI của ông Widodo lại rất khác. Indonesia đã phải vật lộn để cạnh tranh với các quốc gia khác trong việc chuyển dịch sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài phần lớn đã đổ vào lĩnh vực khai thác mỏ của nước này thay vì sản xuất công nghệ cao hoặc các lĩnh vực quan trọng.

Giờ đây, căng thẳng địa chính trị tiếp tục cản trở chính sách đặc trưng của ông Widodo. Nickel của Indonesia cho đến nay vẫn bị loại trừ khỏi Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Lý do chính là bởi sự thống trị của Trung Quốc đối với nickel của Indonesia, từ việc xây dựng hầu hết các nhà máy luyện kim đến nắm giữ cổ phần trong các mỏ khai thác.

"Điệu nhảy" tinh tế của ông Widodo giữa Mỹ và Trung Quốc về nickel diễn ra vào thời điểm cạnh tranh địa chính trị căng thẳng. Khi được hỏi làm thế nào Indonesia có thể “đôi khi gần gũi với Trung Quốc và đôi khi gần gũi với Mỹ”, ông đáp trả: “Không phải đôi khi. Chúng tôi không đứng về phía nào cả. Cả Mỹ và Trung Quốc đều là bạn của Indonesia. Họ là những đối tác thân thiết”.

Ông Widodo nổi tiếng là nhà đàm phán chính trị tài ba ở Indonesia (Ảnh: Jakarta Post)

Người thương thuyết tài ba

Chuyến công du mới nhất của ông tới thủ đô mới diễn ra khi Mỹ và các đồng minh phải đối mặt với áp lực phải củng cố mối quan hệ với Indonesia và các nền kinh tế lớn đang phát triển khác, nơi mà phương Tây bị chỉ trích vì đã hết sức ủng hộ Ukraine và Israel.

Indonesia có cộng đồng người Hồi giáo lớn nhất thế giới. Trong những ngày gần đây, đám đông khổng lồ đã biểu tình ở Jakarta để thể hiện sự phẫn nộ trước cuộc tấn công của Israel vào Gaza, sau vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas.

“Người dân Indonesia rất tức giận”, ông Widodo nói và thêm rằng ông “tất nhiên” cũng vậy. Đối với suy đoán hồi đầu năm rằng Indonesia có thể theo chân Arab Saudi trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán “bình thường hóa” với Israel, ông cho biết điều đó chưa bao giờ nằm trong kế hoạch.

Với lối diễn thuyết đơn giản, thật dễ hiểu cách mà vị Tổng thống đã thu hút cử tri như thế nào trong nhiều năm qua. Sinh ra trong một khu ổ chuột ở miền trung Java, hòn đảo đông dân và thịnh vượng nhất trong số 17.500 hòn đảo của Indonesia, ông là Tổng thống đầu tiên kể từ khi độc lập không xuất thân từ giới tinh hoa quân sự và chính trị.

Nhưng ông đã chứng minh rằng bản thân khôn ngoan hơn nhiều so với tính cách thẳng thắn thường thể hiện, và đạt được thỏa thuận cùng với các chính đảng khác, thậm chí đối thủ cũ, để xây dựng một liên minh. Ben Bland, người viết tiểu sử và giám đốc chương trình châu Á-Thái Bình Dương tại Chatham House, cho biết: “Ông ấy nổi tiếng là một nhà đàm phán chính trị tài giỏi và là người trong cuộc”.

Ứng cử viên tổng thống Prabowo Subianto (phải) và người đồng hành Gibran Rakabuming Raka, con trai cả của Tổng thống Widodo (Ảnh: Getty)

Câu hỏi xoay quanh vấn đề tham nhũng

Vào cuối tháng 10, Tòa án Hiến pháp, khi đó do em rể của ông Widodo đứng đầu, đã đưa ra phán quyết mở đường cho con trai lớn của Tổng thống ra ứng cử chức Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử vào tháng Hai. Phán quyết được đưa ra là không nhất thiết phải áp dụng độ tuổi tối thiểu 40 đối với tất cả các ứng cử viên bầu cử - một quyết định được nhiều người coi là nỗ lực nhằm cho phép Gibran Rakabuming Raka, 36 tuổi, ra tranh cử.

Sau đó, em rể của ông Widodo đã phải từ chức chánh án sau khi một hội đồng đạo đức kết luận phạm tội xung đột lợi ích, nhưng phán quyết trước đó của Tòa án Hiến pháp vẫn được giữ nguyên. Gibran hiện là người đồng hành tranh cử cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Prabowo Subianto, người dẫn đầu trong các cuộc thăm dò dư luận để trở thành người kế nhiệm ông Widodo.

Một trong những động thái bị chỉ trích nhiều nhất trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Widodo là đưa ra bộ luật năm 2019 bị coi là làm suy yếu cơ quan chống tham nhũng của Indonesia. “Ông ấy rất giỏi về kinh tế và các chính sách khác nhưng không phải trong lĩnh vực dân chủ”, Erry Riyana Hardjapamekas, cựu ủy viên Ủy ban bài trừ tham nhũng (KPK) của Indonesia, cho biết.

Ông Widodo chỉ có chưa đầy 1 năm để củng cố di sản của mình. Sau đó, ông cho biết sẽ trở về quê hương Solo và “tiếp tục sở thích tôn thờ môi trường vì tôi là người đi rừng”.

Các cơ sở chính phủ đang được xây dựng tại thủ đô quốc gia mới Nusantara ở Penajam Paser Utara, Indonesia (Ảnh: Bloomberg)

Dự án Nusantara có thành công?

Tuy nhiên, các doanh nhân và chính trị gia không tin rằng ông có ý định rút lui như vậy. Một kịch bản mà nhiều người vạch ra là thỏa thuận giành quyền kiểm soát một đảng chính trị - đảng Gerindra của Prabowo là một lựa chọn. Nhiều người cũng không tin rằng ông Widodo sẽ từ bỏ dự án Nusantara.

Dự án tham vọng này không hề suôn sẻ. Ít nhất là dự án đã không thu hút được nhà đầu tư quốc tế như ông mong đợi. Chỉ 20% diện tích thành phố được tài trợ bởi ngân sách nhà nước, phần còn lại đến từ quan hệ đối tác giữa khu vực công và tư nhân. Widodo cho biết ông “không lo lắng” về việc nhà nước đã gánh phần lớn gánh nặng. Tuyên bố muốn ưu tiên các nhà đầu tư trong nước, ông nói rằng các nhà đầu tư nước ngoài đang “bị cản trở” bởi nền kinh tế toàn cầu trì trệ.

Ngoài ra, các nhóm môi trường cũng hoài nghi về thông điệp “xanh”, nhấn mạnh rằng Indonesia có thành tích kém trong việc ngăn chặn nạn khai thác gỗ và phá rừng bất hợp pháp.

Nhưng đối với ông Widodo, người không ngừng nói về những vấn đề của Jakarta, dự án này là vấn đề sống còn. Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thủ đô 10 triệu dân là một trong những thành phố chìm nhanh nhất thế giới; gần một nửa thành phố nằm dưới mực nước biển.

“Mọi người vẫn hỏi tôi tại sao chúng ta lại phải chuyển đi”, ông Widodo nói. “Gánh nặng của Java và Jakarta vượt quá khả năng của họ. Có 270 triệu người ở Indonesia và 56% sống ở Java và 58% GDP là ở Java, đặc biệt là Jakarta”.

“Tạo dựng một thủ đô mới thành công là điều khó khăn”, ông nói, đồng thời cho biết thêm ông đã cử các cố vấn đến thăm các thủ đô “mới”, từ Canberra đến Naypyidaw và Putrajaya đến Astana để học những bài học về những gì nên và không nên làm.

Ridwan Kamil, Thống đốc Tây Java, tỉnh lớn nhất Indonesia, cho rằng thách thức lớn nhất của ông Widodo là “thời gian”.

“Tôi đã khuyên Tổng thống hãy hợp lý hơn và ông ấy chỉ có 1 năm. Việc xây dựng phải từ từ. Washington DC phải mất 100 năm mới có được như ngày nay”, ông Ridwan nói.

Giờ đây, câu hỏi nằm ở chỗ, dưới thời chính phủ kế nhiệm, liệu Nusantara vượt qua được những người hoài nghi và trở thành biểu tượng của một siêu cường toàn cầu mới hay không – hoặc sẽ có kết cục như một thành phố tỉ USD bị bỏ cho mục ruỗng ở giữa rừng nhiệt đới./.

Theo Financial Times

Huyền Chi

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lieu-indonesia-co-the-tro-thanh-mot-cuong-quoc-kinh-te-post171632.html