Nga cho biết họ đang xem xét phương án hợp tác với các công ty Trung Quốc để giải quyết vấn đề về linh kiện cho vận tải cơ An-26 và An-24, khi những bộ phận này đã ngừng sản xuất trong hơn 30 năm qua.
Moskva hy vọng rằng Bắc Kinh sẽ giúp họ vượt qua gia đoạn khó khăn hiện nay, ngay cả khi việc giao hàng chỉ có thể diễn ra dưới sự kiểm soát trực tiếp từ cơ quan quản lý Trung Quốc.
Khó khăn lớn nhất vẫn nằm ở động cơ, ví dụ chiếc MA60 của Trung Quốc là bản sao cải tiến từ An-24 của Liên Xô, nhưng nó lại được thiết kế cho động cơ Pratt & Whitney PW127 - loại bị cấm nhập khẩu vào Nga do lệnh trừng phạt của phương Tây.
Rất có thể trong câu chuyện này, người Nga thực sự muốn mở một kênh mới để tiếp cận các bộ phận đa năng, có thể được sử dụng cho cả ngành hàng không vận tải quân sự của Quân đội Nga.
Theo số liệu từ Military Balance 2022, "trên giấy tờ" thì Không quân Nga có 113 máy bay An-26 vẫn còn sử dụng được, ngoài ra còn đội bay An-26 và An-24 dân sự.
Tính đến tháng 2/2022, các hãng hàng không Nga có hơn 100 máy bay An-24 và An-26 để vận tải trong khu vực. Cho đến đầu năm ngoái, khả năng phục vụ của phi đội này vẫn được hỗ trợ một cách đáng kể.
Đó là nhờ hoạt động của Nhà máy Hàng không Dân dụng số 412 ở Rostov, dây chuyền của đơn vị này cho phép sửa chữa tới 60 động cơ mỗi năm.
Nhưng vào tháng 4 năm 2022, chủ sở hữu của doanh nghiệp trên - nhà tài phiệt nông nghiệp Ivan Savvidi đã quyết định đóng cửa sản xuất vì vướng phải nhiều khó khăn không dễ vượt qua.
Sau đó, chỉ còn một công ty ở Liên bang Nga có thể đảm nhận việc bảo dưỡng máy bay An-24 và An-26, đó là Nhà máy sửa chữa hàng không Aramilsky của Tập đoàn Rostec.
Nhưng hiện tại cơ sở trên cũng thiếu các nguồn lực cần thiết, ngoài ra họ còn đang phải ưu tiên thực hiện những đơn hàng khác theo mệnh lệnh quốc phòng của Nga.
Vấn đề trên đồng nghĩa với việc Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga đang đối diện tình trạng không có đủ linh kiện cho toàn bộ phi đội máy bay An-26.
Hơn nữa triển vọng thay thế những chiếc máy bay vận tải hạng nhẹ chế tạo từ thời Liên Xô này bằng Il-112V cũng thực sự mù mịt, khi nguyên mẫu đầu tiên đã bị rơi và Moskva chưa có ý định nối lại dự án.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là liệu Trung Quốc thực sự có những khả năng cần thiết hay không, và quan trọng nhất là có lợi ích trực tiếp trong việc cung cấp cho người Nga các bộ phận có thể sử dụng trên An-24 hoặc An-26?
Theo Military Balance 2022, Không quân Trung Quốc hiện chỉ có 41 máy bay Y-7 (bản sao được cấp phép của An-26), dự trữ phụ tùng của họ không còn nhiều để có thể "chia sẻ" với Nga, trong khi chiếc MA60 như đã nói ở trên - không dùng chung động cơ với An-26.
Với những gì diễn ra, có lẽ rất khó để Nga hy vọng Trung Quốc sẽ thay thế Antonov của Ukraine giúp họ tiếp tục duy trì hoạt động cho phi đội vận tải cơ An-26 và An-24.
Theo An ninh thủ đô