Liệu ngoại giao con thoi có thể chấm dứt xung đột Nga - Ukraine?

Các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực chấm dứt giao tranh Ukraine. Ngoại giao con thoi liệu có thể giúp Nga và Ukraine tìm ra lối thoát?

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) tới Saudi Arabia để đàm phán với phái đoàn Ukraine, ngày 10/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio (trái) tới Saudi Arabia để đàm phán với phái đoàn Ukraine, ngày 10/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Với các phái đoàn Nga và Ukraine xuất hiện tại Saudi Arabia gần đây, những nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine đã bước sang một giai đoạn mới. Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org) ngày 31/3, cách tiếp cận hiện tại của Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt - đó là phương pháp "ngoại giao con thoi" - một kỹ thuật đã từng thành công trong việc chấm dứt chiến tranh Bosnia cách đây gần 30 năm.

Ngoại giao con thoi là gì?

Ngoại giao con thoi là phương pháp đàm phán trong đó một bên thứ ba (thường là các nhà ngoại giao) di chuyển qua lại giữa các bên đang xung đột để thực hiện các cuộc đàm phán riêng rẽ, thay vì tổ chức các cuộc họp chung. Tại Saudi Arabia, các nhà đàm phán Mỹ đã tổ chức các cuộc họp riêng với cả phía Nga và Ukraine, nỗ lực làm trung gian cho lệnh ngừng bắn và đặt nền tảng cho hòa bình lâu dài.

Christopher Hill, cựu Đại sứ Mỹ tại Serbia và Bắc Macedonia, người đã tham gia vào tiến trình hòa bình Dayton với tư cách là cấp phó của nhà đàm phán chính Richard Holbrooke, giải thích: "Chúng tôi nhận thấy rằng khi họ ngồi vào bàn đàm phán, họ chỉ đưa ra những bài phát biểu về những bất đồng của mình và lý do tại sao họ đúng còn phía bên kia sai. Vì vậy, chúng tôi thấy ngoại giao con thoi là một công cụ hiệu quả hơn nhiều".

Bài học từ Hiệp định Dayton

Hiệp định hòa bình Dayton, ký kết vào tháng 11/1995 tại Căn cứ Không quân Wright-Patterson ở Dayton (bang Ohio) là kết quả của hoạt động ngoại giao con thoi đầy bận rộn của Mỹ với các nhà lãnh đạo Bosnia, Serbia và Croatia. Cuối cùng, hiệp định này đã được chính thức ký kết tại Paris vào ngày 14/12/1995.

Mate Granic, Phó Trưởng đoàn đàm phán của Tổng thống Croatia Franjo Tudjman trong thời gian diễn ra Hội nghị Dayton, cho rằng ngoại giao con thoi đặc biệt hữu ích khi các lập trường của các bên khác nhau ở cách xa nhau.

"Ukraine tìm kiếm một nền hòa bình công bằng, trong khi Nga đã nói rõ rằng họ từ chối cho phép lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO hoặc viện trợ quân sự tiếp theo cho Ukraine. Với điều này, ngoại giao con thoi là điểm khởi đầu hợp lý", ông Granic nhận xét.

Trong quá trình đàm phán Dayton, các nhà ngoại giao Mỹ đã tổ chức các cuộc họp tại nhiều địa điểm khác nhau như Belgrade, Zagreb, Sarajevo và Geneva. Mục tiêu là để có được cảm nhận thực sự về những gì mỗi bên đang tìm kiếm và sau đó cố gắng thu hẹp khoảng cách giữa các bên.

"Và sau đó, cuối cùng, khi tiến trình Dayton kết thúc, chúng tôi bắt đầu tập hợp mọi người lại trong cùng một phòng", ông Hill nhớ lại, lưu ý rằng phương pháp này đã được Henry Kissinger, Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Richard Nixon, cũng như các nhà đàm phán Trung Đông sử dụng nhiều lần.

Ông Holbrooke từng gọi thỏa thuận Dayton là "hòa bình không hoàn hảo". Mặc dù thỏa thuận này đã tạo ra một khung phức tạp cho Bosnia và Herzegovina, nhưng đã chấm dứt bạo lực và mang lại hòa bình kéo dài gần 30 năm.

Về phần mình, ông Vujovic đánh giá: "Thỏa thuận Dayton đã ngăn chặn sự tàn phá và mất mát sinh mạng, đồng thời tạo ra hai thực thể vẫn ổn định, cho phép một số hình thức chung sống".

Trong khi đó, Nebojsa Vujovic, thành viên phái đoàn do nhà lãnh đạo Serbia Slobodan Milosevic dẫn đầu trong tiến trình Dayton, cho rằng chiến thuật hiện tại của Mỹ với Ukraine và Nga có thể giúp hai bên xích lại gần nhau hơn.

"Thực tế là Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đang điện đàm, cũng như ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, trong khi đặc phái viên Mỹ đến thăm Kiev và Moskva, sau đó báo cáo lại với Tổng thống Trump, có nghĩa là ngoại giao con thoi hiện đang đưa mọi thứ đến thời điểm mà một thỏa thuận ngừng bắn ban đầu có thể xuất hiện", ông Vujovic nhận định.

Đã có những bước tiến đầu tiên

Sau khi các cuộc đàm phán tại Saudi Arabia kết thúc, Mỹ đã công bố các thỏa thuận riêng với Nga và Ukraine về nỗ lực ngăn chặn các cuộc tấn công vào các cơ sở năng lượng ở cả hai nước và kiềm chế sử dụng vũ lực ở Biển Đen. Đây có thể được xem là những bước tiến đầu tiên hướng tới một thỏa thuận lớn hơn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng diễn ra một cuộc gặp giữa Tổng thống Putin và nhà lãnh đạo Ukraine Zelensky, ông Hill tỏ ra hoài nghi, nhưng lưu ý rằng cuối cùng, xung đột cũng sẽ kết thúc, và ngoại giao thường đóng một vai trò nhất định. "Vai trò lớn đến mức nào vẫn chưa được xác định. Tôi nghĩ rằng có một logic để kết thúc cuộc chiến này. Bạn biết đấy, chắc chắn Ukraine đã bị phá hủy, nhưng tôi nghĩ, ở nhiều khía cạnh, Nga cũng chịu thiệt hại. Giao tranh sẽ kết thúc, nhưng kết thúc như thế nào thì khó có thể nói trước được", ông Hill kết luận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lieu-ngoai-giao-con-thoi-co-the-cham-dut-xung-dot-nga-ukraine-20250331161025897.htm