Liệu người dân đã sẵn sàng với chung cư có 'hạn sử dụng'?

Dù mới chỉ là đề xuất, nhưng nhiều người đã nghĩ tới viễn cảnh bản thân hơn 70 tuổi tìm nơi ở mới, khi căn hộ hết hạn sử dụng.

Mới hình dung đã thấy “sợ”

Sau khi lắng nghe các đề xuất về thời hạn sử dụng chung cư của đại biểu Quốc hội, chị Hòa (54 tuổi, kế toán viên tại Hà Nội) cảm thấy bất an nếu quy định này trở thành sự thật.

“Ví dụ, con gái tôi, 26 tuổi, chuẩn bị mua nhà vào năm nay. Sau khoảng 50 năm nữa, khi ấy là 76 tuổi, vẫn phải lục đục chuyển đi để chờ chung cư sửa sang lại. Chỉ cần hình dung ra thôi là đã thấy sợ rồi”, chị Hòa bộc bạch.

Bên cạnh đó, người này khẳng định nếu quy định trên được áp dụng, giá bán của phân khúc đất nền và nhà phố sẽ tăng “phi mã”. Chị Hòa quả quyết rằng bản thân cũng sẽ ngay lập tức gom mua đất, nếu đề xuất trên được thông qua.

Trước đó, trong phiên họp Quốc hội vào ngày 26/10, nhiều đại biểu đã thảo luận về vấn đề thời hạn sử dụng chung cư.

Hành lang của một tòa chung cư tại quận Thanh Xuân đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, sau gần 10 năm đi vào hoạt động. Ảnh: Thanh Vũ

Hành lang của một tòa chung cư tại quận Thanh Xuân đã xuất hiện tình trạng xuống cấp, sau gần 10 năm đi vào hoạt động. Ảnh: Thanh Vũ

Trong đó, đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng, chung cư phải có thời hạn sở hữu gắn với thời hạn sử dụng công trình do kết cấu vật liệu không thể vĩnh cửu.

Thực tế, việc sửa chữa nhà chung cư cũ thấp tầng thường gặp khó khăn do không thống nhất được ý kiến của người dân. Do đó, ông Hạ lo lắng việc cải tạo, xây lại nhà chung cư cao tầng cũng gặp vấn đề tương tự.

"Cần quy định rõ ràng chung cư phải có thời hạn 50, 70 hay 90 năm để người dân khi mua được biết. Khi nhà chung cư hết thời hạn, đất đó được chủ đầu tư thu hồi, xây lại cái mới", ông Hạ cho biết.

Dẫu vậy, hiện ý kiến trên vẫn vấp phải nhiều lo ngại từ phía người dân. Đa số người Việt đều có tâm lý “yên bề gia thất” khi tuổi xế chiều. Vì vậy, dù việc cải tạo chung cư là ý tốt, nhưng khi xét đến việc cuộc sống bản thân bị xáo trộn do phải thay đổi chỗ ở, sau đó lại phải mòn mỏi chờ ngày tái định cư, nhiều người vẫn cảm thấy ái ngại.

Trên thế giới, việc quy định về thời hạn sử dụng, sở hữu chung cư không phải là điều mới. Chẳng hạn tại Singapore, người dân được sở hữu bất động sản theo hai hình thức là lâu dài (999 năm) và có thời hạn (99 năm).

Theo Channel News Asia, 80% dân số Singapore đang sinh sống tại những căn nhà ở xã hội do chính phủ xây dựng, còn được biết đến với tên gọi khác là căn hộ HDB. Với loại hình bất động sản này, thời hạn sở hữu của người dân sẽ là 99 năm.

Xét về giá bán, các căn hộ sở hữu lâu dài thường có giá lên tới hàng triệu USD. Ngược lại, giá căn hộ HDB chỉ dao động khoảng vài trăm nghìn USD.

Vẫn còn nhiều điều đáng bàn

Trao đổi với Báo điện tử Đầu tư - Baodautu.vn, ông Vũ Cương Quyết, Tổng giám đốc Đất Xanh Miền Bắc cho biết, giá căn hộ tại các chung cư có thời hạn 50 năm đang thấp hơn khoảng 15% so với các dự án thời hạn vĩnh viễn. Tuy nhiên, tại một số dự án nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng hoặc Nha Trang, giá các căn hộ thời hạn 50 năm đôi khi còn đắt hơn so với các dự án thông thường.

Vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng giá chung cư sẽ “hạ nhiệt” nếu quy định về thời hạn được áp dụng. Ảnh: Thanh Vũ

Vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng giá chung cư sẽ “hạ nhiệt” nếu quy định về thời hạn được áp dụng. Ảnh: Thanh Vũ

Thậm chí, ngay cả khi quy định về thời hạn sử dụng chung cư được áp dụng, ông Quyết cho rằng, giá bán căn hộ chưa chắc đã giảm.

“Chi phí cấu thành của một chung cư bao gồm chi phí xây dựng, chi phí giải phóng mặt bằng và chi phí thuế. Trong đó, hai khoản đầu tiên là chi phí cố định. Bây giờ Nhà nước cần khẳng định tiền đóng thuế dự án 50 năm phải thấp hơn, khi ấy mới có thể chắc chắn rằng giá chung cư sẽ đi xuống”, vị CEO của Đất Xanh Miền Bắc nhận định.

Hiện mức thuế phải nộp đối với dự án thời hạn 50 năm đang thấp hơn so với các dự án thông thường. Tuy nhiên, theo ông Quyết, khi mọi chung cư đều bị áp dụng quy định thời hạn, thị trường sẽ không còn sản phẩm để đặt lên hệ quy chiếu. Điều này sẽ khiến cả doanh nghiệp lẫn người dân khó định nghĩa được “thế nào là một dự án rẻ?”

Ngoài ra, ông Quyết cũng bày tỏ sự lo lắng về những vấn đề xoay quanh đời sống của người dân và an sinh xã hội. Khi thời hạn sử dụng kết thúc, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ hoặc quy định cụ thể về nơi an cư của người dân. Phần đông thu nhập của người lao động chưa cao nên rất khó để họ xoay xở tìm nơi ở mới nhanh chóng.

Chia sẻ về bài học kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Quyết cho biết nhiều tòa nhà có tuổi đời hơn 100 năm nhưng vẫn tiếp tục được sử dụng cho tới ngày nay. Bí quyết nằm ở việc các công trình này thường xuyên được bảo trì, bảo dưỡng và thay thế các thiết bị mới.

“Để làm được điều đó, bên cạnh quỹ bảo trì mà người dân vẫn hay đóng, họ sẽ có thêm một quỹ khác, duy trì đóng hàng năm. Sau khi có được sự đồng thuận của các cư dân, khoản tiền này sẽ được sử dụng để xây mới lại tòa nhà”, ông Quyết chia sẻ.

Thanh Vũ

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/batdongsan/lieu-nguoi-dan-da-san-sang-voi-chung-cu-co-han-su-dung-d201819.html