'Liệu pháp trị thương'
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến gần một thỏa thuận, theo đó xóa một phần nợ cho các nước nghèo vốn bị tổn thương nhiều nhất do dịch Covid-19. Khi đại dịch để lại 'những vết sẹo' lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu, xóa nợ và giúp các nước nghèo ổn định tài chính được cho là một trong những 'liệu pháp trị thương' hiệu quả.
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đến gần một thỏa thuận, theo đó xóa một phần nợ cho các nước nghèo vốn bị tổn thương nhiều nhất do dịch Covid-19. Khi đại dịch để lại “những vết sẹo” lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu, xóa nợ và giúp các nước nghèo ổn định tài chính được cho là một trong những “liệu pháp trị thương” hiệu quả.
Làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai đặt ra nhiều thách thức, có thể khiến kinh tế thế giới trong năm 2020 sụt giảm mạnh hơn mức dự báo là 4,5%; đà phục hồi cũng chưa có những tín hiệu rõ ràng. Cuộc khủng hoảng hiện nay được đánh giá tồi tệ hơn nhiều so cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009, mang tính toàn cầu hơn so cuộc đại suy thoái những năm 1930. Việc hàng loạt doanh nghiệp phá sản và các nước đóng cửa biên giới đã tàn phá các nền kinh tế. Trong các cuộc khủng hoảng trước đây, các nước nghèo từng chao đảo vì những khoản nợ lớn mà không có khả năng thanh toán. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), khoản nợ mà các nước nghèo nhất thế giới đang gồng gánh tăng lên mức kỷ lục 744 tỷ USD cả trước khi đại dịch bùng phát, trong khi việc giảm nợ cho các nước này rất chậm. Nợ của 73 quốc gia nghèo nhất thế giới năm 2019 đã tăng 9,5% so năm 2018, cho thấy sự cần thiết phải hợp tác giữa các chủ nợ và nước vay nợ nhằm ngăn chặn nguy cơ các cuộc khủng hoảng nợ công gia tăng do đại dịch.
Thực hiện cam kết ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu, hỗ trợ các nước nghèo tập trung ứng phó đại dịch, dành chi tiêu cho y tế, an sinh xã hội và phục hồi kinh tế, G20 đã nhất trí gia hạn sáu tháng thực thi Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất trong năm 2020 và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4-2021. Tuy nhiên, việc giảm nợ cho các nước nghèo vẫn chưa phát huy hiệu quả, bởi không phải tất cả các chủ nợ đều tham gia và hiện chỉ có 43 trong tổng số 73 quốc gia được giãn nợ từ DSSI với tổng giá trị khoảng 5 tỷ USD, trong khi mức dự kiến từ 8 đến 11 tỷ USD. Một số nước cho vay trong G20 không muốn gia hạn DSSI. Theo kế hoạch được các thống đốc ngân hàng và bộ trưởng tài chính G20 đang xúc tiến, tiền nợ gốc và lãi mới sẽ được miễn, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của các nước đi vay. Các chủ nợ tư nhân cũng được kêu gọi tham gia chương trình này.
Việc trợ giúp các nước nghèo không chỉ đóng góp vào nỗ lực bảo đảm tăng trưởng bền vững trong tương lai, mà cũng chính là giúp các nước giàu ngăn chặn những nguy cơ xuất phát từ cuộc khủng hoảng ở các nước nghèo. Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) A.Gu-ri-a cho rằng, các nước giàu cần thực hiện giảm nợ nhiều hơn, không chỉ cho các nước nghèo nhất, mà cả những nước có thu nhập trung bình; và điều này bảo đảm lợi ích của chính các nước giàu, bởi ngăn chặn khủng hoảng nợ ở các nước nghèo giúp chặn đứng nguy cơ bùng nổ làn sóng người di cư tới các nước giàu. Đại dịch được đánh giá có thể tạo nên một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn hơn nhiều so với thời điểm 5 năm trước, bởi làn sóng tị nạn có thể bùng phát tại hàng chục quốc gia ở các lục địa. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và WB kêu gọi những người giàu hỗ trợ người nghèo nhất vượt qua tác động của đại dịch ở cả cấp độ quốc gia và trên toàn cầu, các chủ nợ và thể chế cho vay tư nhân nỗ lực hành động để giảm gánh nặng nợ nần cho các quốc gia dễ bị tổn thương nhất. WB cảnh báo về thực trạng thiếu sự tham gia của các chủ nợ tư nhân, các nước giàu không chia sẻ đầy đủ trách nhiệm giảm nợ cho các nước nghèo.
Việc G20 gia hạn DSSI nhằm giãn nợ cho các nước nghèo nhất trong năm nay và tiếp tục thúc đẩy kế hoạch xóa một phần nợ cho các nước nghèo được hoan nghênh là động thái tích cực, giúp ổn định nền kinh tế toàn cầu. Thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có và sự hợp tác quốc tế mạnh mẽ hơn đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo và giúp các nước nghèo giải “bài toán nợ” góp phần làm dịu “vết thương” do đại dịch gây ra, tạo động lực cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/binh-luan-quoc-te/lieu-phap-tri-thuong-623143/